Nỗi đau – ấy là thứ sẽ khiến những cầu thủ trẻ như Quang Hải, Đức Chinh trưởng thành nhanh hơn. Nhưng có cần quá nhiều nỗi đau đến như thế không?
Không phải tự nhiên mà trong màn ăn mừng bàn thắng của mình, cả Quang Hải lẫn Thành Chung đều đưa tay lên miệng. Ý nghĩa của hành động ấy, chắc hẳn ai cũng biết. Bên cạnh Quang Hải và Đức Chinh, Thành Chung cũng là một trong những cầu thủ U23 bị chỉ trích khá nhiều sau hai trận đấu đầu tiên, trước U23 Brunei và Indonesia. Quang Hải thì từ trước đấy, khiến cho HLV Park Hang-seo phải đích thân lên tiếng “xin” cho tiền vệ người Đông Anh này ngay trong họp báo trước giải.
Với Quang Hải – ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, linh hồn của các đội tuyển bóng đá Việt Nam lập nên những kỳ tích chấn động suốt hơn một năm qua, đây không phải là lần đầu tiên người hâm mộ làm anh phải buồn.
Chỉ mới hơn nửa năm về trước, ra đón Hải tại sân bay Nội Bài, bà Dương Thị Cúc – mẹ của tiền vệ CLB Hà Nội này, từng tâm sự rằng con trai mình rất buồn bởi những lời bình luận khiếm nhã của các cổ động viên quá khích trên mạng xã hội sau quả đá phạt luân lưu không thành công trước UAE ở Asiad 2018.
Không như Công Phượng, Quang Hải ít có tố chất “ngôi sao” ở ngoài đời, không như trên sân cỏ. Phỏng vấn Quang Hải là chuyện đáng chán nhất trên đời. Nếu như Công Phượng luôn nổi bật, biết nói gì để gây sự chú ý, thì ngược lại, cầu thủ đàn em quê ở thôn Đường Nhạn – Đông Anh luôn co mình lại trước đám đông, trước dư luận.
Sau chiến thắng lịch sử trước U23 Thái Lan, trong khi HLV Park Hang-seo và cả đội đi vòng quanh sân để chia sẻ niềm vui cùng người hâm mộ, người ta thấy Quang Hải biến mất. Chính xác hơn, chàng trai người Đông Anh ấy tách mình ra để… tìm mẹ. Trên sân vận động như nổ tung với 4 vạn khán giả, điều có ý nghĩa nhất với Quang Hải lúc ấy là gia đình.
Người mẹ ấy, hơn một năm trước khi ngồi cùng người viết ở nhà mình đã từng thống lên: “Ngôi sao, chẳng ngôi sao gì đâu anh ạ, ngôi sao duy nhất là ngôi sao trên ngực áo”, rồi: “Thấy con ghi bàn trên TV, cả nhà đều vui mừng, xúc động, nhưng điều tôi mong muốn nhất vẫn là con trai trở về mạnh khỏe, là vui lắm rồi“.
Trên Mỹ Đình, trước Thái Lan, sau pha vào bóng từ phía sau của cầu thủ số 11 – Wisarut Imura, Quang Hải nằm đau đớn, lăn lộn trên sân. Không lâu sau đó, đến lượt Đức Chinh chuột rút. Trên sân, chân sút người Phú Thọ giơ 2 ngón tay, ra hiệu cho các đồng đội rằng mình bị cả hai chân. Nhưng chỉ hơn phút sau, Chinh đen lại thực hiện một pha cầm bóng tăng tốc sát biên trái, để rồi lần này lại bị phạm lỗi, nằm lăn lộn vì đau.
May mắn cho Quang Hải và Đức Chinh, cũng như tất cả các tuyển thủ từng phải nếm không ít lời mạt sát từ cộng đồng mạng, HLV Park Hang-seo là người vốn đã quá quen với những nỗi đau như thế. Hơn 15 năm về trước, ông cũng từng bị cả người hâm mộ lẫn báo chí Hàn Quốc đánh cho tơi tả, thảm thương sau thấy bại cùng U23 Hàn Quốc ở Asiad 2002, ngay sau thành công rực rỡ ở World Cup cùng năm đó.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng mình phải dang vòng tay cho các cầu thủ trẻ của mình thế nào. Trong cuộc họp báo trước giải, ông Park nói: “Với tư cách một HLV, tôi hết sức biết ơn Quang Hải“. Mà nào chỉ có thế, ông thậm chứ còn cực kỳ quyết liệt:
“Không chỉ riêng Quang Hải, các tuyển thủ của chúnh ta đều đã có một năm thi đấu vất vả. Tôi mong muốn các nhà báo khi viết bài, nên lưu ý rằng những cầu thủ như Quang Hải không chỉ mệt mỏi về mặt thể lực, mà còn cả tinh thần nữa. Với các cầu thủ trẻ, thể lực có thể phục hồi được, nhưng những khó khăn về mặt tinh thần thì cần phải được cảm thông, giúp đỡ“.
May cho Quang Hải, Đức Chinh là họ có ông Park – người từng nói rằng sự trưởng thành của một cầu thủ, một đội bóng luôn đi kèm với sự thất vọng và cả những nỗi đau. Để trưởng thành, những cầu thủ trẻ của chúng ta như Quang Hải, như Đức Chinh đã nuốt rất nhiều điều đó, trên cả sân cỏ lẫn ngoài đời rồi, đừng khiến họ phải đau hơn nữa!