Nước sông ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp

Từ nhiều năm nay, những dòng sông lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đã không còn xanh trong nữa, thay vào đó là đủ loại màu sắc của sự ô nhiễm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, dân sinh của người dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, mực nước sông xuống thấp, không có mưa lớn, tình trạng ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã khiến nhiều hệ thống sông nội đồng trong tỉnh bị ô nhiễm nặng.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước thải trước khi thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất tại huyện Văn Lâm

Những khúc sông chuyển màu đen và bốc mùi hôi khó chịu đã không còn xa lạ với người dân sống quanh lưu vực các sông thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Bà Đỗ Thị Mây, người dân xã Vũ Xá (Kim Động) cho biết: Sông ngòi chảy qua địa bàn xã tuy nhiều nhưng giờ đây không còn xanh trong nữa, tình trạng ô nhiễm kéo dài hầu hết các mùa trong năm. Mùi hôi từ sông bốc lên khiến gia đình tôi không dám mở cửa. Trước đây, tôi vẫn lấy nước sông để tưới cho rau và cây ăn quả, nhưng 2 năm trở lại đây đã phải đào ao trong vườn, trữ nước mưa để tưới cây.

Sông Cửu An chảy qua nhiều địa phương từ huyện Khoái Châu đến huyện Kim Động, Ân Thi. Nhiều năm trước, nguồn nước từ dòng sông này còn được lấy để cung cấp cho việc xử lý nước sinh hoạt. Do bị ảnh hưởng ô nhiễm bởi nước thải dân sinh, nước thải công nghiệp, các làng nghề mà sông Cửu An đã ô nhiễm nặng. Không những không thể sử dụng để làm nguồn nước đầu vào cho xử lý nước sinh hoạt, mức độ ô nhiễm của các dòng sông còn ảnh hưởng trực tiếp tới tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Những tháng gần đây, tình trạng ô nhiễm nặng trên các sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải tái diễn. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho lúa và cây trồng, các đơn vị chuyên môn của huyện phải thường xuyên theo dõi sát tình hình nước sông. Huyện đã nhiều lần phải xử lý đóng các cửa cống để giữ nước trong sông nội đồng và ngăn nước ô nhiễm từ sông Bắc Hưng Hải, nhất là một số xã trong lưu vực sông Cửu An, sông Điện Biên như: Toàn Thắng, Hiệp Cường, Vũ Xá, Phạm Ngũ Lão…

Theo kết quả quan trắc môi trường nước sông Bắc Hưng Hải và các sông nhánh trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ năm 2019 đến nay, tổng số mẫu nước lấy để kiểm tra là 72 mẫu, kết quả phân tích có 70/72 mẫu vượt và có 316/992 thông số vượt quy chuẩn, như: TSS vượt từ 1,04- 2,34 lần; COD vượt từ 1,006-3,24 lần; BOD5 vượt từ 1,03-2,8 lần; PO43- vượt từ 1,06- 8,4 lần; NO2-  vượt  từ 1,1-20 lần; NH4+ vượt  từ 1,13-8,61 lần; Coliform vượt từ 1,24- 12,4 lần…

Đồng chí Nguyễn Văn Quân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải, ngay từ khi đổ ải lần một, chi cục đã đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương lựa chọn thời điểm để lấy nước phù hợp, có thời gian để thau rửa, tránh những thời điểm nguồn nước ô nhiễm nặng. Khi mực nước lớn, chất lượng nước tốt thì chủ động tích trữ nước vào các sông trục để phục vụ tưới dưỡng cho lúa. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện cần chủ động, tích cực theo dõi mực nước và mức độ ô nhiễm trên các sông để lấy nước phù hợp, ngăn chặn nước ô nhiễm xâm nhập hệ thống sông nội đồng.

Theo kết quả quan trắc môi trường nước sông Bắc Hưng Hải và một số sông trục trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm vẫn luôn thường trực ở hầu hết các thời điểm trong năm. Mức độ ô nhiễm vượt từ 1 lần tới hơn 10 lần đối với từng thành phần, từng thời điểm.

Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nước sông tỉnh Hưng Yên, do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, có 36 con sông, kênh trên địa bàn tỉnh thì cả 36 con sông, kênh đều ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, lượng nước thải được thu gom, xử lý tại khu xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp khoảng 23.129m3/ngày đêm, lượng còn lại được chủ nguồn thải tự xử lý và xả ra môi trường. Đối với hoạt động làng nghề, tổng lưu lượng nước thải khoảng 4.209m3/ngày đêm. Nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 80.692m3/ngày đêm. Ngoài ra, còn các nguồn nước thải khác như: Trường học, bệnh viện, nhà hàng… Nguyên nhân chính gây  ô nhiễm nguồn nước sông được ngành chuyên môn đánh giá là do đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua địa bàn thành phố Hà Nội. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lưu lượng nguồn nước sông Cầu Bây tiếp nhận và chảy vào đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải khoảng 150 đến 160 nghìn m3/ngày đêm.
Để góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông ngòi trong lưu vực, từ tháng 10/2020 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh từ chối tiếp nhận 5 dự án có nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2010, UBND tỉnh quy định các dự án đầu tư vào tỉnh phải thực hiện xử lý nước thải đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và từ ngày 10/2/2019, các dự án đầu tư phải thực hiện xử lý nước thải sản xuất, sinh hoạt đạt Quy chuẩn kỹ thuật của tỉnh về môi trường với yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý cao hơn so với cột A của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đến nay, trong tỉnh đã có 18  cơ sở, doanh nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội phối hợp, cung cấp thông tin để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải và các sông nhánh của sông Bắc Hưng Hải; cung cấp thông tin về chất lượng nước sông Cầu Bây, kế hoạch xả nước sông Cầu Bây vào đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe của Nhân dân tỉnh Hưng Yên.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hoạt động xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường sông Bắc Hưng Hải tại xã Ngọc Lâm (thị xã Mỹ Hào)

Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Bắc Hưng Hải và các sông nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo quy định; tiếp tục quan trắc chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh; lắp đặt vận hành hiệu quả các trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt, nước thải tại các sông, kênh trên địa bàn tỉnh, nhất là tại hệ thống Bắc Hưng Hải, sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung quyết liệt đối với toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi…

Vi Ngoan 

Nguồn Báo Hưng Yên Điện Tử: https://baohungyen.vn/tin-moi/202303/nuoc-song-o-nhiem-anh-huong-nghiem-trong-den-sinh-hoat-cua-nguoi-dan-va-san-xuat-nong-nghiep-3800cee/