Ảnh: Business Insider.
Khi ông Trump bước vào cuộc tranh cử lần 2, đã có dấu hiệu cho thấy các chính sách của Washington đang ngăn cản sự phục hồi của ngành công nghiệp.
Nông nghiệp “teo tóp” vì mất thị trường Trung Quốc
Trong quãng đường từ nhà đến nhà máy ở thị trấn Brodhead, phía nam bang Wisconsin, Mỹ, Greg Petras bật radio trên xe và thông tin nổi bật trong những ngày qua là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Tổng thống Donald Trump sẽ lại khẳng định Trung Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả từ các sắc thuế mới từ Washington.
“Đó là sự dối trá, và ông ta biết điều đó”, Petras, chủ tịch công ty sản xuất thiết bị nông nghiệp Kuhn North America, nói. Đối với Kuhn, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khởi xướng chỉ làm gia tăng chi phí và doanh thu sụt giảm.
Đã có khoảng 250 trong tổng số 600 nhân sự của Kuhn buộc phải tạm nghỉ trong 2 tuần. Nhiều khả năng những người này sẽ phải tiếp tục nghỉ thêm một thời gian nữa vào đầu tháng 10 tới. Nhu cầu thị trường giảm mạnh đang khiến Kuhn phải giảm chi phí và quy mô sản xuất.
4 năm trước, Kuhn ghi nhận mức doanh thu kỉ lục trị giá 400 triệu USD thì nay đang hoạt động cầm chừng ở mức 50% năng lực sản xuất, trong khi kế hoạch về một cơ sở nghiên cứu và phát triển trị giá 4 triệu USD cũng buộc phải tạm dừng. “Một ngày nào đó chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai dự án, khi mọi thứ trở lại quỹ đạo của nó”, Petras nói.
Trong khi chi phí tăng, Kuhn cũng phải đối mặt với nhu cầu giảm từ ngành nông nghiệp vốn đã bị teo tóp bởi việc mất đi thị trường tiềm năng Trung Quốc. Giá các sản phẩm đã giảm mạnh, từ ngô cho đến đậu nành, sau khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường khác.
Với Kuhn, tác động từ cuộc chiến thương mại vẫn còn dai dẳng. Trong 12 tháng vừa qua, công ty đã phải trả thêm 2,5 triệu USD cho các sản phẩm thép so với năm ngoái, theo Petras, tương đương với 1% của doanh thu 250 triệu USD dự kiến trong năm nay. Ngoài ra, công ty cũng phải trả thêm 1 triệu USD cho các loại thuế đối với 100 linh kiện được mua từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Công ty không phải là trường hợp riêng lẻ phải chịu hậu quả từ sự đi xuống của ngành nông nghiệp. John Deere, một công ty có quy mô lớn hơn nhiều so với Kuhn, vào tháng 5 thông báo sẽ giảm sản lượng do nhu cầu sụt giảm.
“Khoản thuế khổng lồ treo lơ lửng” trên vai kinh tế Mỹ
Tuy nhiên, tác động từ cuộc chiến thương mại đối với ngành công nghiệp Mỹ còn lớn hơn nhiều so với các công ty nông nghiệp.
Tại Cummins, công ty sản xuất động cơ dầu có trụ sở ở Indiana, các giám đốc đang phải đau đầu đối mặt với xu hướng tăng trưởng giảm ở 2 thị trường lớn nhất thế giới về xe tải là Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi biết trong 12 tháng tới doanh thu sẽ thấp hơn nhiều”, Tom Linebarger, giám đốc điều hành Cummins nói.
Dẫu cho điều này chưa khiến Cummins phải tính đến cắt giảm nhân sự, công ty đã bắt đầu tính đến các phương án giảm chi phí vốn đang bị đội lên bởi các thuế suất nhập khẩu cao của Washington. Cummins dự tính sẽ phải trả thêm 150 triệu USD do tăng thuế trong năm nay, hơn gấp đôi con số 70 triệu USD công ty có thể tiết kiệm được từ việc chính phủ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2017, Linebarger nói.
Những thuế suất nhập khẩu nhằm vào Trung Quốc đã trở thành “khoản thuế khổng lồ treo lơ lửng trên vai nền kinh tế Mỹ”, Linebarger cho biết. Trong khi Cummins đang xét đến các phương án khác, Linebarger đã bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Trump về việc đơn giản là rút khỏi thị trường Trung Quốc, nơi công ty sản xuất và tiêu thụ 40% tổng lượng sản phẩm.
Bắt đầu bán sản phẩm tại Trung Quốc từ những năm 80, hệ thống sản xuất của Cummins ở Trung Quốc đã trở thành căn cứ vững chắc cho công ty vươn ra thế giới. Vào năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, Cummins đã bán được số sản phẩm trị giá 5,7 tỷ đô la. Vào năm 2018, con số này đã tăng lên 24 tỷ đô la, trong đó thị trường Trung Quốc đã đóng góp một phần không nhỏ.
Cử tri suy nghĩ lại?
Đó chính là điểm nghẽn mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt. Trong khi vẫn còn nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra về liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có đang tiến vào giai đoạn suy thoái, thì thực tế là hàng loạt công ty Mỹ đang phải đối mặt với vô số thách thức.
Tỉ lệ nhảy vọt việc làm ở các ngành công nghiệp trong 2 năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm ở một số lĩnh vực của nền kinh tế. Nhìn tổng thể, nước Mỹ đã tạo ra 44.000 việc làm trong các ngành sản xuất trong năm nay, tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh từ 170.000 việc làm được ghi nhận ở thời điểm cùng kì năm trước.
Trong 22 bang, bao gồm những bang có tầm ảnh hưởng mạnh đối với chiến dịch tranh cử Tổng thống như Wisconsin và Pennsylvania, số lượng người lao động làm việc trong các nhà máy đã giảm trong 7 tháng đầu năm, dựa theo con số được tổ chức Economic Innovation Group công bố.
Rõ ràng, đây không phải là những gì mà ông Trump đã cam kết. Từ chính sách thương mại, cắt giảm thuế đến cải cách kinh tế, một trong những ưu tiên trọng tâm được ông đưa ra trước cử tri là đưa các nhà máy sản xuất quay trở lại Mỹ. Theo đó, chính sách “nước Mỹ trên hết” đáng ra sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở ngành công nghiệp mang tính biểu tượng của nền kinh tế.
Những chính sách đi ngược lại thương mại và toàn cầu hoá mà tổng thống Trump đưa ra kể từ năm 2016 luôn ẩn chứa những toan tính chính trị, điều đã giúp ông giành chiến thắng sít sao ở những bang công nghiệp như Wisconsin.
Tuy nhiên, khi người đứng đầu Nhà trắng bước vào cuộc tranh cử lần 2, đã có dấu hiệu cho thấy các chính sách của Washington đang ngăn cản sự phục hồi của ngành công nghiệp, qua đó tác động trực tiếp tới những cam kết tranh cử của ông về một nền kinh tế Mỹ vững mạnh.
Lần cuối cùng nền kinh tế ghi nhận sản xuất công nghiệp suy giảm trong 2 quý liên tiếp trước thời điểm năm nay là vào nửa đầu năm 2016. Khi đó, nền kinh tế đã mất đi 30.000 việc làm trong ngành sản xuất và sự sụp đổ của giá dầu cũng tác động không nhỏ đến ngành năng lượng. Tuy nhiên, mức suy giảm ở năm 2016 vẫn chưa lớn bằng mức 3,1% trong quý 2 năm nay.
Về tổng thể, thị trường việc làm ngành công nghiệp vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu sụp đổ. Tuy nhiên, trong yếu tố chính trị, thời điểm và địa lý mang tính quyết định. Hầu hết số việc làm tăng trong ngành sản xuất đến từ 2 năm đầu trong nhiệm kỳ của ông Trump, trong khi tình hình đã đảo chiều ở những bang như Pennsylvania, vốn đã mất hơn 8.000 việc làm kể trong ngành sản xuất trong 7 tháng đầu năm.
Ít nhất đến thời điểm này, cuộc chiến thương mại đã khiến 1 cử tri thay đổi suy nghĩ. Petras, 56 tuổi, thành viên lâu năm của đảng Cộng hoà, cho biết ông dù do dự nhưng ông đã bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016.
“Tôi mặc định sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng Công hoả với tâm lý chú trọng vào các cam kết thiên về kinh tế của ông Trump”. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra vào năm 2020, ông nói, và cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ.