Nhiều người khá thích thú khi chứng kiến những nét thư pháp điêu luyện trên Phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch đều do các bạn trẻ viết. Đặc biệt hơn, đây là những “ông, bà đồ” trẻ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cho chữ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Phố ông đồ đã chính thức được khai mạc trong Lễ hội Tết Việt – Tết Canh Tý 2020 tại Nhà Văn hoá Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP. HCM) với nhiều điều thú vị.
Như mọi năm, Phố ông đồ, đường hoa mai vàng vẫn là điểm nhấn trong Lễ hội Tết Việt ở trung tâm Sài Gòn, thu hút rất nhiều người dân đến vui chơi, chụp ảnh “check in” trong dịp Tết đến Xuân về.
Có một điều đặc biết khiến người dân thích thú hơn khi năm nay xuất hiện khá nhiều “ông, bà đồ” trẻ cho chữ. Đây là những chàng trai, cô gái với tuổi đời còn đôi mươi nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cho chữ ngày Tết. Những nét viết chữ thư pháp điêu luyện của các “ông, bà đồ” trẻ này ấn tượng vào và đẹp mắt không khác gì những ông đồ già trước đây.
Như “cô đồ” trẻ Huỳnh Ngân Đình (26 tuổi) đã có 5 năm cho chữ vào ngày Tết. Ngân Đình cho hay, vào dịp giáp Tết cô tạm gác lại công việc Lễ tân phòng khám để ra Phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch viết chữ thư pháp. “Mất khoảng 1 tháng theo học viết chữ thư pháp thì em đã biết viết. Thật ra cũng tuỳ người học thôi, có người mất vài tháng hoặc cả năm mới viết được. Gia đình em không có ai theo nghề cho chữ, chỉ mình em có đam mê viết chữ thư pháp này”, Ngân Đình chia sẻ.
Sự trẻ hoá những người cho chữ ở Phố ông đồ càng tô điểm thêm những nét đặc sắc, sự chuyển giao giữa thế hệ đi trước và thế hệ trẻ như sự kết hợp giữa Tết truyền thống và hiện đại ở Lễ hội Tết Việt năm nay.
Con đường mai vàng rực rỡ làm nhiều người thích thú vì như chạm được vào màu sắc của Tết.
Nhiều cây mai với hoa vàng rực rỡ được dựng lên xung quanh Nhà Văn hoá Thanh niên trong Lễ hội Tết Việt. Hầu hết hoa mai đều là hoa giả nhưng cũng giúp nhiều người cảm thấy hài lòng vì hoà mình vào sắc màu Tết.
Những bao tải lúa gạo, bắp,… được tái hiện với hy vọng một mùa Xuân ấm no, một năm mới tràn đầy. Tất cả những lương thực này đều được làm giả bằng chiếc nón lá dán đầy lúa gạo và bắp bỏ trong bao tải.
Những bao lúa tái hiện Tết ở làng quê.
Phố ông đồ nằm dọc vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai.
Nhiều người nước ngoài thích thú dạo Phố ông đồ rực rỡ sắc màu.
Các bạn trẻ xúng xính áo dài Tết chụp hình “check in” tại Phố ông đồ, con đường mai vàng,…
Phố ông đồ vẫn mang màu sắc vừa truyền thống vừa hiện đại.
Đôi bạn trẻ xin chữ trên thiệp lì xì tại Phố ông đồ.
Ông đồ trẻ trao tấm thiệp có viết chữ thư pháp cho cô gái trẻ đang du Xuân tại đây.
Một “cô đồ” trẻ đang cho chữ trên Phố ông đồ.
Có nhiều “cô đồ trẻ” trên Phố ông đồ khiến nhiều người khá thích thú và ấn tượng hơn khi những nét thư pháp nghệ thuật của họ.
“Cô đồ” trẻ Ngân Đình đang viết chữ thư pháp trên những tấm thiệp để bán cho khách.
Phố ông đồ với hai màu vàng đỏ rực rỡ cả một con đường trung tâm Sài Gòn.
Khung cảnh làng quê với mái đình tại Lễ hội Tết Việt năm nay. Tại Lễ hội Tết sẽ có các làng nghề như: Làng gốm, làng mây, làng hương và làng lụa.
Làng hương nổi bật tại Lễ hội Tết Việt được nhiều người chụp hình.
Làng gốm với những bình gốm tinh xảo được bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Tứ Quý , theo Trí Thức Trẻ