Chúng ta biết ngay lập tức khi nào chúng ta đói, nhưng luôn phải tự hỏi liệu mình đã ăn no hay chưa.
Các cơ quan y tế và chuyên gia sức khỏe luôn khuyên chúng ta ăn ít đi và tập thể dục nhiều hơn. Đó là bí quyết để khỏe mạnh. Nhưng bản thân lời khuyên này ẩn chứa một nghịch lý: Vận động tích cực khiến bạn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, sớm đói bụng hơn do đó có nguy cơ ăn nhiều hơn để bù đắp.
Đối với một số người, bắt đầu tập thể dục còn khiến họ tăng cân so với chỉ ngồi lười một chỗ.
Nhận thấy được điều này, các bác sĩ dinh dưỡng luôn muốn tìm ra một lối thoát cho nghịch lý. Họ đã tìm kiếm và thử nghiệm một số chế độ ăn giúp những người vận động nhiều không bị đói. Thật không may, nhiệm vụ này khó khăn hơn bạn nghĩ.
Bằng một con đường nào đó, cách chúng ta tiêu tốn năng lượng có liên quan chặt chẽ với cảm giác thèm ăn. Sợi dây gắn kết giữa chúng rất bền chắc mà các chuyên gia dinh dưỡng cũng không thể cắt đứt được.
Và như bạn sẽ còn thấy dưới đây, đó không phải là vấn đề duy nhất làm nên sự phức tạp của nghịch lý: Tăng cân khi tập thể dục.
Nghịch lý: Tập thể dục còn khiến bạn tăng cân nhanh hơn khi ngồi một chỗ
Trong một điều kiện lý tưởng, lẽ ra cơ thể con người nên có những cơ chế đong đo lượng calo mình đã đốt cháy đủ tinh tế. Điều này sẽ cho phép chúng ta nạp trở lại cơ thể đúng lượng calo đó và duy trì cân nặng vốn có.
Nhưng than ôi, đó chỉ là trong điều kiện lý tưởng. Thực tế thì mỗi ngày chúng ta đều bị đói 2-3 lần, đôi khi còn nhiều hơn, bất kể chúng ta vận động nhiều hay ít. Và việc bị đói thì dễ nhận ra hơn rất nhiều so với cảm giác no.
Chúng ta biết ngay lập tức khi nào chúng ta đói, nhưng luôn phải tự hỏi liệu mình đã ăn no hay chưa. Những điều này quay trở lại giải thích lý do tại sao những người béo phì vẫn thường xuyên cảm thấy đói.
Với một chút suy luận, bạn cũng sẽ thấy cả một ngành công nghiệp – bán các loại thực phẩm giá rẻ nhưng giàu calo – vận hành bên dưới cảm giác thèm ăn của con người.
Bí ẩn của cảm giác thèm ăn
Tập thể dục nói riêng, hay tất cả mọi vận động của con người nói chung có ảnh hưởng thế nào đến cơ thể. Đó là điều mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết.
Mỗi ngày, chúng ta đều đốt cháy những lượng calo hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, những người tập thể dục đều đặn đôi khi cũng có một ngày nghỉ. Những người lười đến mấy đôi khi cũng có một ngày đi bộ miệt mài trong siêu thị để mua sắm, hoặc đơn giản là vận động nhiều hơn thông qua việc dọn nhà.
Nhưng các nhà khoa học không tìm được mối liên hệ nào cho thấy, trong những ngày bất bình thường này, lượng calo mà mọi người ăn vào bị thay đổi. Nghiên cứu tập trung vào những người tập thể dục nhịp điệu cho thấy, những gầy có xu hướng ăn đúng lượng calo để bù lại năng lượng mà họ đốt cháy. Trong khi đó, những người thừa cân thường lại ăn nhiều hơn.
Đằng sau sự thèm ăn của chúng ta ẩn chứa một bí ẩn lớn
Điều bí ẩn nào đang trốn đằng sau sự khác biệt này? Một khả năng, đó là các quá trình sinh lý thay đổi khi chúng ta tập thể dục nhiều hơn. Ví dụ, hooc-môn trong ruột có thể được giải phóng ở các nồng độ khác nhau khi bạn ăn, điều này quyết định việc bạn ăn nhiều hay ăn ít.
Một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng những người thừa cân ăn nhiều calo hơn khi họ đói, so với những người gần hơn. Vì những người béo hơn có tỷ lệ trao đổi chất ở trạng thái nghỉ cao hơn, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng việc bạn ăn ít hay ăn nhiều liên quan đến lượng calo bạn đốt cháy ở trạng thái cơ bản, khi không làm gì.
Thực tế là tỷ lệ trao đổi chất trong trạng thái nghỉ của mọi người khá ổn định. Nó không hề phục thuộc vào việc bạn có tập thể dục hay không và tập nhiều hay ít. Vì vậy, sự trao đổi chất trong trạng thái nghỉ có thể giúp giải thích tại sao mức độ tập thể dục thường không ảnh hưởng đến việc chúng ta sẽ ăn bao nhiêu thức ăn trong cùng một ngày.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tỷ lệ trao đổi chất trong trạng thái nghỉ thực sự quyết định được lượng calo mà chúng ta ăn. Nhóm nghiên cứu đề xuất thêm một yếu tố, đó là tỉ trọng thành phần cơ thể, đặc biệt là khối lượng cơ bắp, cũng có thể chi phối tốc độ trao đổi chất của bạn.
Nếu vậy, tốc độ trao đổi chất có thể chỉ đóng vai trò trung gian – định tuyến thông tin về tỉ trọng thành phần cơ thể thông qua mạng lưới vùng dưới đồi trong não. Chính vùng não này mới là nơi kiểm soát sự thèm ăn của bạn.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tất cả các giả thuyết này vẫn cần được nghiên cứu thêm để xác nhận.
Tỷ lệ trao đổi chất trong trạng thái nghỉ thực sự quyết định được lượng calo mà chúng ta ăn?
Tập thể dục thôi ư? Chưa giúp bạn giảm cân được đâu.
Để có cái nhìn sâu hơn vào những gì đã xảy ra, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Aberdeen, Scotland đã thực hiện một nghiên cứu thực tế. Họ tuyển chọn 242 tình nguyện viên, 114 nam và 128 nữ. Tất cả đồng ý cho các nhà khoa học theo dõi mình hằng ngày.
Và các nhà khoa học nhắm đến những ngày mà tình nguyện viên không cố tình tập thể dục, nhưng có nhiều hoạt động thể chất hơn, chẳng hạn một ngày họ chơi với con trên bãi biển.
Kết quả theo dõi rút ra được rằng, mức độ vận động của mọi người có liên quan đến lượng thức ăn mà họ ăn. Nhưng tỷ lệ trao đổi chất trong trạng thái nghỉ cũng ảnh hưởng đến sự thèm ăn của họ. Nói một cách khác, những người thừa cân vẫn có xu hướng ăn nhiều hơn.
“Đây là một bước tiến khác để hiểu về mối quan hệ giữa việc vận động và lượng calo chúng ta tiêu thụ“, giáo sư Alex Johnstone, tác giả nghiên cứu cho biết. “Nhưng chúng ta chưa thể kết luận điều này là một công thức kỳ diệu, giúp tối ưu hóa mối quan hệ của mọi người với mức độ vận động và lượng thực phẩm họ ăn vào trong mọi thời điểm”.
Có nhiều biến số hầu như không được các nhà nghiên cứu tính đến. Hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ đang tập trung vào đàn ông da trắng ở độ tuổi 20-30. Mặc dù vậy, bằng chứng cho thấy những người phụ nữ có xu hướng ăn nhiều hơn nam giới sau khi họ vận động thể chất.
Tương tự, các đặc điểm di truyền khác nhau cũng đóng vai trò quan trọng. Sự khác biệt về tâm lý của mọi người cũng quyết định cách họ lấy việc ăn uống như một phần thưởng cho việc tập luyện ở mức độ nào.
Những người đã giảm hoặc tăng cân sẽ có những tín hiệu thèm ăn khác so với những người có cân nặng ổn định. Thời gian của hoạt động thể chất diễn ra trong ngày cũng có khả năng tạo ra sự khác biệt.
Tập thể dục thôi ư, chưa giúp bạn giảm cân được đâu
Giáo sư Alex Johnstone chia sẻ rằng mối liên hệ giữa cảm giác thèm ăn, mức độ vận động và lượng calo ăn vào của mỗi người là rất phức tạp. “Tôi không nghĩ rằng trong cuộc đời mình, chúng ta sẽ đạt đến độ có thể nhìn vào bất kỳ một người nào, kể cả toàn bộ bộ gen di truyền của họ, và nói chính xác những gì sẽ xảy ra với cơ thể họ [khi họ tập thể dục]“.
“Những gì có thể nói ra được từ nghiên cứu của chúng tôi, chỉ là nhiều người sẽ rơi vào nguy cơ ăn nhiều hơn khi họ vận động nhiều hơn. Nghĩa là chỉ bằng việc tập thể dục nhiều hơn sẽ không giúp bạn giảm cân một cách tự nhiên – mọi người nên nhận thức được điều này và để ý đến cả việc họ sẽ ăn bao nhiêu nữa”.
Tham khảo Theconversation