“Tôi từng muốn bỏ cuộc, buông xuôi, bỏ hết danh vọng, bỏ đi sự nổi tiếng, xa hoa” – Lý Nhã Kỳ chia sẻ.
Trong chương trình Vì sao tôi theo đạo Phật, Lý Nhã Kỳ đã tâm sự rất nhiều về quãng thời gian nghèo khó và ước muốn giản đơn của cô.
Sống trong giàu có, tôi cũng phải vượt qua cám dỗ của vật chất, quyền lực
Chức danh công chúa Lý Nhã Kỳ chỉ là sự yêu thương của bạn bè thế giới dành cho tôi thôi. Trong đầu tôi luôn suy nghĩ về việc phải tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng mọi người, không phân biệt tầng lớp, xuất thân, màu da hay sắc tộc.
Chữ sinh tồn giúp tôi dễ thích ứng trong mọi điều kiện. Dù nghèo khổ, đói kém hay giàu sang, tôi cũng đều thích ứng dễ dàng. Tôi coi giàu sang hay nghèo khổ đều là thử thách để sinh tồn.
Sống trong giàu có, tôi cũng phải vượt qua cám dỗ của vật chất, quyền lực. Còn nếu nghèo khổ cũng phải sống sao cho trong sạch, không làm gì sai trái.
Tôi từng có cơ duyên gặp được vị vua thứ nhất của các dân tộc thiểu số phía nam Philippines và ông ấy nói với tôi rằng: “Cô có một khả năng truyền cảm xúc, truyền lửa cho người đối diện.
Phía nam Philippines có tới 1000 dân tộc khác nhau. Họ cần có người có tiếng nói tốt, truyền lửa được tới họ.
Tôi đã đấu tranh từ đời ông cha tôi tới giờ để thống nhất các dân tộc lại với nhau. Cô có thể làm công chúa, đứng giữa các bộ tộc chúng tôi được không?”.
Tôi không phân biệt một dân tộc có bao nhiêu người, cũng không biết họ là ai. Tôi cũng không biết nhận lời ông ấy thì có được cát xê hay quyền lợi gì không. Tôi chỉ biết, nếu một ai đó cảm nhận tôi có thể giúp họ, tôi sẽ nhận lời trong khả năng của tôi.
Lúc tôi nhận sắc phong công chúng, cũng có nhiều người dị nghị tôi. Họ nói các dân tộc này chỉ có vài ngàn người, không tốt, hòn đảo thì nhỏ, không hiểu tôi làm thế để làm gì.
Nhưng tôi làm không vì gì hết. Tôi làm vì họ cần tôi, họ không xấu với tôi. Họ cần tôi để kết nối. Họ cần tôi trong một sự trong sáng nhất, không mang tính quảng cáo, lợi dụng, thì tại sao tôi không giúp họ?
Tôi nhận chức đó không phải để nổi tiếng, tôi chỉ muốn giúp mọi người đoàn kết hơn, xóa đi định kiến về phân biệt sắc tộc. Họ đến với tôi, không hại tôi mà lại trân trọng tôi thì tại sao tôi lại không trân trọng họ? Không trân trọng người khác thì làm sao người ta trân trọng mình?
Tôi không bị cám dỗ để trở nên ích kỉ, thủ đoạn
Để trở thành Lý Nhã Kỳ như bây giờ, là một phụ nữ trưởng thành, chững chạc, tôi đã trải qua nhiều lúc nông nổi, nóng nảy và thiếu chín chắn. Đó là điều bình thường.
Khi tôi 20, 25, có những nông nổi, háo thắng của tuổi trẻ mà tôi không nhận ra. Mỗi lần trải qua như vậy, tôi đều có những bài học để đứng lên.
Cũng có những lúc, tôi gặp nhiều áp lực, thị phi của xã hội, khiến tôi cảm thấy nặng nề, muốn đứng lên, vượt qua cũng không nổi.
Lúc đó, tôi phải chọn cho mình một niềm tin, đó là Phật giáo. Tôi bắt đầu chiêm nghiệm và nhận thấy, khi đi theo một đức tin nào đó, con người chúng ta sẽ bắt đầu đằm xuống. Chúng ta sẽ có thêm sức mạnh vượt qua bế tắc, đứng lên, để có thêm hi vọng, ánh sáng mới.
Hồi trẻ, tôi còn không biết đi chùa, không biết quỳ xuống trước một niềm tin nào hết. Lúc đó, tôi cứ nghĩ, mình khổ nhưng mình vẫn tồn tại nhờ nghị lực của mình.
Nhưng sau này tôi mới nhận ra, cần phải có một niềm tin nào đó, giúp ta nhận thức tốt hơn sau mỗi lần vấp ngã, để không nuôi hận thù. Nếu có ai làm tổn thương tôi, tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng, không oán trách.
Hồi trước, mỗi lần vấp ngã đều khiến tôi cảm thấy nặng nề, bị kéo vào u mê của ghét, giận, hận. Thậm chí, hào quang của nổi tiếng cũng khiến tôi bị cám dỗ.
Nhưng bây giờ, tôi đã thanh tịnh, bình an hơn, chọn được những hướng đi tốt hơn, thành thiện hơn, làm được nhiều việc hơn.
Tôi luôn tâm niệm trong mình ba chữ từ bi, giải thoát và tha thứ. Tôi cứ giữ ba chữ này để tiếp tục đi trên con đường mình chọn. Nó sẽ giúp tôi không bị cám dỗ để trở nên ích kỉ, thủ đoạn hay luôn cuốn vào ham muốn cá nhân, mà biết kiểm soát, từ bi, tha thứ để sống tốt hơn.
Tôi luôn muốn chăm sóc mẹ và bảo vệ, bù đắp cho các chị
Tôi cũng học nhiều về chữ hiếu, đó là phải yêu thương mẹ, yêu thương các chị. Tôi luôn muốn chăm sóc mẹ và bảo vệ, bù đắp cho các chị, vì những năm tuổi thơ, các chị đã thiệt thòi nhiều.
Tôi không còn bị cám dỗ bởi danh vọng nữa. Có thể hồi xưa tôi theo đuổi sự nghiệp, danh vọng mà quên đi cảm xúc, lo lắng của mẹ dành cho mình. Mỗi lần gặp thị phi, tôi không biết mẹ, gia đình đã lo lắng cho tôi như thế nào.
Tôi luôn nghĩ mình là người mạnh mẽ, sẽ lèo lái, chống trả được mọi thứ. Nhưng bây giờ, tôi đã biết quan tâm hơn tới cảm xúc của những người yêu thương tôi.
Tôi rất ngưỡng mộ mẹ tôi vì bà đã vất vả vì gia đình suốt mấy chục năm mà không một lần hằn học hay giận các con. Lúc ba tôi bị liệt, mẹ tôi mới 30 tuổi, còn trẻ hơn cả tôi bây giờ.
Hồi xưa, tôi cũng chua xót, đau khi thấy người khác đau buồn, nhưng cái đau đó chưa rõ ràng. Bây giờ, tôi biết tịnh tâm lại để tìm nguồn gốc của hoàn cảnh khó khăn đó.
Tôi muốn được làm những điều tốt, từ thiện hơn cho mọi người. Từ đó, tôi sáng lập ra quỹ Y tế, Phát triển, Giáo dục Việt Nam, do tôi làm chủ tịch, để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, hay các trẻ nhỏ phải chịu một tuổi thơ như tôi.
Tôi không muốn nhiều trẻ em bị mất đi giấc mơ như tôi. Tôi muốn giúp đỡ hơn cho phụ nữ và bảo vệ họ, cho họ có thêm niềm tin, nghị lực, vì tôi biết làm phụ nữ thì khổ lắm, chịu nhiều thiệt thòi.
Nhà không có gì ăn, nhìn hàng xóm ăn cơm thèm lắm nhưng được hỏi vẫn nói ăn rồi
Dù là tổng thống, đức vua hay công chúa, hoàng hậu, diễn viên… cũng đều có những lúc thất vọng, buồn chán, mệt mỏi, bế tắc trong đời sống bình thường, tôi cũng vậy.
Mọi người thường nói tôi mạnh mẽ, bản lĩnh, kiêu sa, chắc sẽ không gục ngã, trải qua đau khổ hay hiểu được những cảnh khổ. Nhưng tôi đã trải qua hết mọi thứ, từ lúc gia đình khó khăn nhất, cả ba và mẹ nằm viện.
Lúc đó, nhà không có gì ăn, đứng trước cửa nhà hàng xóm, thấy họ đang ăn cơm, tôi thèm lắm nhưng khi được hỏi tôi vẫn nói là ăn rồi. Họ hỏi ăn gì, tôi toàn nói ăn cá với thịt, nhưng trong bụng chẳng có gì.
Thậm chí, mua khoai lang về, chị em tôi còn phải đánh cho tơi ra để trông cho nhiều, ăn cho no.
Nghèo nhưng phải sạch, không được đi xin ăn. Không được lấy cảnh nghèo của mình ra để xin người khác. Đó là điều mà ba tôi đã dặn.
Lớn lên, tôi cũng phải bươn chải mới có được thành công. Trong con đường bươn chải đó, có người sẽ gục ngã, cũng có người sẽ mạnh mẽ để tiếp tục đứng lên, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.
Tôi từng muốn bỏ cuộc, buông xuôi, bỏ hết danh vọng, bỏ đi sự nổi tiếng, xa hoa
Nhiều lúc, tôi muốn bỏ cuộc, buông xuôi, bỏ hết danh vọng, bỏ đi sự nổi tiếng, xa hoa. Tôi cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm người nổi tiếng, không muốn mặc đầm đắt tiền, đi giày cao gót, trang điểm. Tôi không muốn trở thành thứ mà mọi người mặc định là sang chảnh, cao sang, khó gần.
Mỗi lần mệt mỏi như vậy, tôi đều thắp một nén nhang trước bàn thờ Phật ở nhà hoặc đến một ngôi chùa, ngồi ở đó tới 3, 4 tiếng, nói chuyện với các sư thầy, tụng kinh cùng phật tử và ăn một bữa cơm chay đơn giản.
Sau đó, tôi lấy lại được tự tin, định hướng của bản thân, để tiếp tục mang giày bước đi vào ngày hôm sau, bước những bước vững chãi hơn.
Đôi khi, ước mơ của tôi chỉ đơn giản là muốn về quê, ở một căn nhà có vườn cây để trồng cây.
Sau này, nếu tôi làm hết được các kế hoạch mình muốn là mang tài sản của mình đi giúp những mảnh đời khó khăn, tôi chỉ ước về già có một căn nhà đơn giản để trồng rau, nuôi cún.