Chỉ sau nửa mùa giải, Xuân Trường và Công Phượng đều đã chấm dứt hợp đồng cho mượn với các đội bóng nước ngoài.
Hành trình ngắn ngủi
Công Phượng đến Incheon United với nhiều sự kỳ vọng. Đội bóng Hàn Quốc hi vọng tiền đạo xứ Nghệ sẽ giúp họ giải quyết phần nào vấn đề trên hàng công bằng những pha đi bóng lắt léo và những tình huống xử lý tinh tế.
Phượng nhanh chóng kết thân với các đồng đội mới, nỗ lực trên sân tập và để lại một vài dấu ấn ở các trận đầu tiên ra sân. Nếu các đồng đội sắc bén hơn, Phượng đã có thể có ít nhất một đường kiến tạo thành bàn.
Nhưng qua thời gian, tiền đạo xứ Nghệ càng chơi lại càng bế tắc. Nhiều trận, Công Phượng như lạc lõng trên sân, không thể phối hợp với đồng đội, cũng không thể tự mình đi bóng.
Công Phượng khá bế tắc ở Incheon
HLV Incheon United người thì cho rằng Công Phượng gặp vấn đề về tinh thần, đánh mất sự tự tin, người khác lại đánh giá Phượng giao tiếp kém, không hiểu ý đồng đội.
8 trận, 352 phút thi đấu, 0 bàn thắng tại K-League, đó là những gì Phượng làm được trên đất Hàn Quốc trước khi chia tay Incheon United.
Xuân Trường được đánh giá có khả năng thành công lớn hơn, bởi Thai League dù sao cũng ở một trình độ kém hơn K-League. Trường “híp” đá chính cả 2 trận đầu tiên tại Thai League trong màu áo Buriram. Đội bóng của anh hòa cả 2 trận một cách khá thất vọng.
Kể từ sau đó, cơ hội ra sân dành cho Trường cứ ít dần đi. Mọi chuyện tưởng chừng tốt lên khi Trường có đường kiến tạo rồi ghi được một bàn thắng từ cú đá phạt. Nhưng kể từ sau King’s Cup, anh không còn được ra sân thêm một phút nào cho tới lúc chấm dứt hợp đồng với Buriram. Cũng giai đoạn này, đội chủ sân Chang Arena thắng liên tục và giành lại ngôi đầu Thai League.
Trong màu áo Buriram, Xuân Trường ra sân 6 trận ở Thai Lan với tổng cộng 258 phút, ghi 1 bàn thắng.
Xuân Trường lập siêu phẩm đá phạt trong ngày đá chính ở Buriram
Thứ khách hàng muốn
Thị trường chuyển nhượng bóng đá cũng là một thị trường nơi có người bán và người mua. Các đội bóng bỏ tiền ra mua cầu thủ để đổi lại nhiều thứ, từ chuyên môn tới quảng bá hình ảnh. Khi thực hiện hợp đồng mượn cầu thủ, họ có quyền cắt đứt sớm nếu thấy không đạt được mục đích.
Lợi ích kinh tế tạm gác sang một bên, hãy nhìn vào chuyên môn. Công Phượng rõ ràng không thể thích nghi nổi với Incheon United. Mong muốn xây dựng lối chơi tấn công dựa trên các đường bóng ngắn không thành, đội bóng Hàn Quốc trở về với cách đá phòng ngự phản công, tập trung vào bóng dài, tạt cánh đánh đầu với tiền đạo Mugosa là điểm đến.
Công Phượng không đủ tốc độ và thể lực để chơi như một cầu thủ leo biên thuần túy. Anh không bứt phá để vượt được hậu vệ đối phương và thường thua trong tranh chấp tay đôi.
Đi bóng bó vào trong như khi ở ĐT Việt Nam cũng không thành công, bởi trước mắt Phượng là những hàng thủ giàu sức mạnh và chơi rất rắn. Những thử nghiệm tại vị trí tiền vệ công hay tiền đạo cắm cũng đều thất bại.
Còn Xuân Trường vẫn bị mất điểm bởi điểm yếu thể lực và tranh chấp vốn đã tồn tại từ rất lâu. Buriram cần những tiền vệ có thể lên công về thủ, chuyền bóng tốt song cũng sẵn sàng dùng “cơ bắp” khi cần thiết.
Điểm yếu của cả Xuân Trường và Công Phượng đã khiến họ không thể chơi tốt trong màu áo CLB nước ngoài.
Trường “híp” không thể theo kịp hệ thống của Buriram. Nỗ lực của tiền vệ người Tuyên Quang chỉ đem tới một vài khoảnh khắc tỏa sáng ít ỏi, không đủ để thuyết phục ban huấn luyện.
Người ta vẫn nói đến chuyện “bán thứ khách hàng cần”. Nhưng có những biến số khiến nhu cầu khách hàng thay đổi, hoặc nhu cầu ấy chưa được đánh giá tường tận khi đem so với “món hàng”. Công Phượng và Xuân Trường là 2 trường hợp có độ vênh không nhỏ giữa kỳ vọng và thực tế trên sân. Cả 2 thiếu đi nhiều yếu tố để thích nghi và cuối cùng sớm ra đi.
Đầu năm 2019, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ cấp phép để xoài Việt Nam được xuất sang thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán. Nhưng niềm vui sớm biến thành nỗi lo khi xoài không bán chạy như mong muốn. Nguyên nhân được cho là vì xoài Việt Nam giá đắt gấp vài lần so với xoài Mexico.
Dù đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, ngành sản xuất xoài vẫn cần thêm nhiều cải tiến để tăng sức cạnh tranh, thỏa mãn nhu cầu cụ thể từ các khách hàng mua lẻ. Các vùng trồng xoài tiếp tục cố gắng và ngày càng đạt được nhiều đơn hàng xuất khẩu Mỹ hơn.
Bóng đá Việt Nam muốn “xuất khẩu” cầu thủ cũng cần như thế. Ngoài những năng lực được thể hiện trong quá trình thi đấu, việc thích nghi, tự cải thiện là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các CLB cũng cần chặt chẽ hơn trong việc xem xét những lời đề nghị thường rất hấp dẫn từ nước ngoài.
Chỉ có như thế, giấc mơ chinh phục Thai League, K-League rồi xa hơn là châu Âu mới thành hiện thực.