Làn sóng các công ty chạy khỏi Trung Quốc làm dấy lên hy vọng khu vực Đông Nam Á lân cận sẽ trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới nhưng tự động hóa đang cản trở điều đó.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã cho nhiều công ty đa quốc gia cảm thấy sự bấp bênh khi đặt tất cả nhà máy sản xuất của họ cũng như các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Gần một năm kể từ ngày cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nổ ra, nỗi đau ngày càng trở nên rõ rệt và gây tổn thương nghiêm trọng tới doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhiều thập kỷ trước, Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới nhờ nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ cùng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước để lôi kéo đầu tư nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, nhân công ở Trung Quốc đã không còn rẻ nữa. Thậm chí, sự phát triển của các ngành dịch vụ, trong đó có thương mại điện tử, đã khiến nguồn nhân công của Trung Quốc trở nên khan hiếm dù quốc gia này có hơn 1 tỷ dân.
Người Trung Quốc hiện nay có mức thu nhập trung bình cao và nhiều cách kiến tiền dễ dàng hơn làm trong các dây chuyền sản xuất. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đang để tâm nhiều tới môi trường và sức khỏe người dân hơn là chú trọng hỗ trợ phát triển công nghiệp như những thập niên trước đó. Khó khăn với các doanh nghiệp đang ngày càng nhiều.
Giọt nước làm tràn ly chính là cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì muốn kéo sản xuất và việc làm về cho người Mỹ, đã khai mào cuộc chiến với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến.
Ngay khi cuộc chiến thương mại nổ ra, đã có một số doanh nghiệp lên kế hoạch rời nhà máy khỏi Trung Quốc. Một năm sau, khi tác động của thuế quan ngày càng trở nên rõ rệt, số doanh nghiệp muốn tháo chạy khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. Việc Mỹ – Trung đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại không đủ giúp làn sóng này giảm xuống.
Khi chiến tranh thương mại nổ ra, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Đông Nam Á, khu vực với nhiều điều kiện tương đồng với Trung Quốc thời kỳ trước, sẽ thế chân quốc gia này trong vai trò công xưởng tiếp theo của thế giới. Với dân số 661 triệu người, trong đó chủ yếu ở trong độ tuổi lao động, Đông Nam Á có lợi thế hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến những lợi thế truyền thống trở nên mai một. Sự ra đời của robot và dây chuyền tự động hóa khiến số lượng công nhân trên mỗi dây chuyền được giảm tới mức tối thiểu. Thậm chí, nhiều nhà máy khổng lồ chỉ có một vài công nhân để giám sát máy móc vận hành trong quá trình tạo ra sản phẩm.
Xu hướng này khiến các nhà sản xuất không còn quá mặn mà với nguồn nhân công giá rẻ. Thay vào đó, họ chọn đưa nhà máy sản xuất của mình tới gần những thị trường tiêu thụ sản phẩm mà họ làm ra. Châu Âu và Mỹ vốn không phải là những nơi thích hợp để đặt nhà máy cho tới khi robot sẵn sàng thay thế con người trong các dây chuyền.
Robot cướp việc của con người là một xu thế không thể phủ nhận và nó đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Đi cùng với nó, nguồn lao động dồi dào cùng nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế lớn nhất của Đông Nam Á nói riêng và các nền kinh tế đang phát triển nói chung.
Việc đặc nhà máy sản xuất ở châu Âu hay Mỹ để đáp ứng nhu cầu của những thị trường này thay vì đặt ở Đông Nam Á hay nơi nào khác có thể giúp tránh những tác động xấu tương tự như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Những nhân công giám sát hệ thống tự động vận hành, vốn đòi hỏi chuyên môn và kiến thức cao, cũng dễ dàng được tìm thấy ở phương Tây hơn so với phương Đông.
Giao thương thuận lợi, một trong những điểm mạnh của Đông Nam Á, cũng sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi người ta chọn đặt các nhà máy gần nơi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn sẽ để mắt tới khu vực này bởi dân số 660 triệu người là lượng khách hàng khổng lồ mà mọi doanh nghiệp đều không thể bỏ qua.
Trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều nước Đông Nam Á cũng đang thúc đẩy phát triển công nghệ, nắm bắt cơ hội để có thể vươn lên bắt kịp các nước đang phát triển. Nó mang đến những cơ hội to lớn trong bối cảnh chất lượng nguồn lao động ở khu vực đang ngày càng được cải thiện và có thể đáp ứng đòi hỏi mới. Đông Nam Á có thể sẽ không phải công xưởng tiếp theo của thế giới nhưng không ai có thể phủ nhận sự bứt tốc mạnh mẽ của khu vực này ở hiện tại và cả trong tương lai.
theo Tổng hợp