Tận dụng sức mạnh không ngờ của y học, Nga có thể phân loại lính chỉ nhờ vào vài tế bào?

Ảnh minh họa: REUTERS/Evgenia Novozhenina

Dựa vào hồ sơ di truyền, một người có thể được phân công làm phi công, một tay súng bắn tỉa hoặc đầu bếp trong quân đội Nga.

Trong tương lai, quân đội Nga có thể sẽ phân loại lính dựa trên cấu trúc gen của các quân nhân.

Giám đốc Viện Khoa học Nga Alexander Sergeyev nói: “Dự án này rất căn bản, mang tính khoa học cao và mang lại ảnh hưởng sâu rộng. Ứng dụng của nó là tìm ra những cấu trúc gen đặc thù giữa các binh sĩ, giúp họ được định hướng một cách hợp lí dựa trên những yêu cầu của từng binh chủng”.

“Đây là sự tìm hiểu ở mức độ tế bào để phát hiện ai là người phù hợp để phục vụ trong hải quân, ai là người có năng lực vượt trội khi nhảy dù hoặc làm lính lái xe tăng”.

Tiến bộ trong công nghệ y học đã giúp việc xét nghiệm gen trở nên phổ biến. Rất nhiều trường hợp xét nghiệm gen đã giúp phát hiện bệnh di truyền như xơ nang, hoặc giúp phòng ngừa một số bệnh khác như ung thư đại trực tràng. Phụ nữ có thai cũng có thể xét nghiệm để xem liệu thai nhi có khả năng mắc các chứng bệnh di truyền hay không.

Trong tương lai, quân đội Nga có thể sẽ sử dụng gen nhằm đánh giá những năng lực tiềm tàng của binh sĩ, đặc biệt là để phát hiện xem một người sẽ phả ứng như thế nào trong thực chiến. “Dự án không chỉ đánh giá khả năng thể chất, mà còn tiên đoán hành vi của con người trong những tình huống căng thẳng, nguy kịch liên quan tới năng lực quân sự,” ông Sergeyev nói. “Chịu được căng thẳng, thực hiện những chiến dịch đòi hỏi thể chất và tinh thần, và hơn thế nữa – tất cả đều được đánh giá trong ‘hộ chiếu gen’ của các binh sĩ”.

Binh sĩ không phải là những đối tượng duy nhất được xét nghiệm gen. Tháng 12/2018, một nhà khoa học Nga khác tuyên bố sẽ xét nghiệm cả phi hành gia.

Lyudmila Buravkova, Phó viện trưởng Viện Y học và Sinh học tại Viện Khoa học Nga, nói: “Lĩnh vực nghiên cứu đầu tiên là dùng gen để lựa chọn nhân sự cho chương trình phi hành gia. Lĩnh vực thứ hai là tìm cách cải thiện những khiếm khuyết di truyền trước khi thực hiện chuyến bay vào vũ trụ”.

Trên thực tế, nhiều quân đội trên thế giới đã xét nghiệm gen vì nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ, bài kiểm tra Năng lực Vũ trang (ASVAB) của Mỹ giúp xác định liệu một người có đạt tiêu chuẩn để trở thành binh sĩ hay không, hoặc liệu họ có phù hợp để đảm nhiệm vị trí kĩ thuật hay không.

Quân đội Mỹ thu thập ADN của lính nhằm xác định danh tính trong trường hợp họ thiệt mạng. Tuy nhiên, Mỹ không dùng kết quả nghiên cứu để phân loại lính.

Theo National Interest, đây không phải là điều ngạc nhiên, bởi việc phân loại nhân sự dựa trên gen di truyền có thể gây ra các vấn đề về đời tư và phân biệt chủng tộc.

Tất Đạt, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/tan-dung-suc-manh-khong-ngo-cua-y-hoc-nga-co-the-phan-loai-linh-chi-nho-vao-vai-te-bao-820191311213029003.htm