Ảnh: AFP.
Lễ đăng cơ của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn sẽ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trong 3 ngày liên tiếp, từ ngày 4/5 tới ngày 6/5 tại thủ đô Bangkok.
Phần lớn người dân Thái Lan đều chưa từng được chứng kiến lễ đăng cơ của Quốc vương – bởi lễ đăng cơ gần đây nhất tại nước này đã được tổ chức từ… gần 70 năm trước, từ thời cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej (tức Quốc vương Rama IX) lên ngôi.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày nay đã trở thành một thành phố hiện đại, náo nhiệt, tuy vậy buổi lễ đăng cơ hoành tráng của Quốc vương Maha Vajiralongkorn sẽ vẫn được tổ chức theo các nghi lễ truyền thống, theo AFP.
Theo đó, lễ đăng cơ của Quốc vương Vajiralongkorn – được cho là sẽ có sự tổng hòa của các nghi lễ Bà La Môn và Phật giáo – sẽ được tổ chức trong 3 ngày liên tiếp, từ ngày 4/5 tới ngày 6/5 tại Bangkok, và các công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ nhiều tháng trước đó.
Nhiều nghi lễ đã được thực hiện trước ngày chính lễ như việc lá tử vi dành cho triều đại mới của Quốc vương Vajiralongkorn đã được đúc trên bảng vàng vào ngày 23/4, cùng với đó là tấm bảng vàng khắc tên và biểu tượng vương quyền của ông.
Vào ngày hôm nay (3/5), Quốc vương Vajiralongkorn sẽ tới chiêm bái Đức Phật tại chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew), một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất của Thái Lan trước khi tới Hoàng cung.
Theo Giáo sư Tongthong Chandransu từ Đại học Chulalongkorn, một nhà nghiên cứu về văn hóa Thái Lan, “lễ đăng cơ của Quốc vương Vajiralongkorn là sự kiện rất quan trọng nhằm khẳng định lại lịch sử lâu đời, văn hóa phong phú và quan hệ khăng khít giữa hoàng gia và người dân Thái Lan”.
Vậy, lễ đăng cơ của Quốc vương Thái Lan sẽ diễn ra như thế nào và có điều gì đặc biệt?
Nước thiêng
Nếu như nghi thức trao vương miện tại nhiều quốc gia vẫn duy trì nền quân chủ lập hiến được coi là quan trọng nhất, đáng chú ý nhất, thì trong lễ đăng cơ của hoàng gia Thái Lan, hai nghi lễ liên quan tới nước thiêng là Song Phra Muratha Bhisek (tắm thanh tẩy) và Abhisek (lễ quán đỉnh) là quan trọng nhất.
Trong lịch sử, xã hội Thái Lan được thành lập và phát triển bên các lưu vực sông, nơi cung cấp cho họ các loại lương thực, thực phẩm như lúa gạo và thủy sản. Bởi vậy, rất nhiều truyền thống và nghi lễ của họ có liên quan tới nước.
Được biết, nhiều ngày trước khi Quốc vương Vajiralongkorn chính thức đăng cơ, các quan chức Thái Lan đã thu thập nước từ 107 nguồn nước từ 76 tỉnh thành trên đất nước.
Điều đặc biệt là việc thu thập nước kể trên chỉ được tiến hành trong khoảng thời gian chính xác là từ 11:52 tới 12:38 – thời điểm được coi là giờ “vượng” theo chiêm tinh Thái Lan.
Sau đó, nước được thu thập sẽ được đem tới các đền, chùa lớn của Thái Lan và được ban phước trong các nghi lễ Phật giáo, trước khi được tổng hợp lại cho một nghi lễ ban phước lớn tại chùa Wat Suthat – một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Bangkok.
Nhiều ngày trước khi Quốc vương Vajiralongkorn chính thức đăng cơ, các quan chức Thái Lan đã thu thập nước từ 107 nguồn nước từ 76 tỉnh thành trên đất nước. Ảnh: Reuters.
Song Phra Muratha Bhisek – Tắm thanh tẩy
Lễ đăng cơ của Quốc vương Vajiralongkorn sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 4-6/5, tuy nhiên những nghi lễ quan trọng nhất sẽ được tiến hành trong ngày đầu tiên, theo AFP.
Những nghi lễ đầu tiên đại diện cho sự chuyển hóa tượng trưng từ một người phàm thành một vị thần của Quốc vương Thái Lan.
Cụ thể, vào đúng 10h09′ sáng ngày 4/5 (theo giờ Bangkok) – thời điểm được các nhà chiêm tinh học cho là giờ “vượng” – sẽ diễn ra lễ tắm thanh tẩy của Quốc vương Vajiralongkorn. Ông sẽ thực hiện nghi lễ này trong một bộ đồ màu trắng.
(ND: Một số người dự đoán rằng thời điểm 10h09′ được lựa chon do số 10 là triều đại Quốc vương Rama X, còn số 9 trong tiếng Thái đồng âm với ‘tiến bộ’.)
Abhisek – Lễ quán đỉnh
Nghi lễ thứ hai – Abhisek (lễ quán đỉnh) – sẽ được thực hiện khi Quốc vương mặc lễ phục và ngồi trên ngai vàng hình bát giác làm từ gỗ cây vả.
Trong lễ quán đỉnh, sẽ có 8 người từ 8 hướng lần lượt dâng nước thiêng để Quốc vương Vajiralongkorn nhúng tay và xoa lên mặt, trong đó bao gồm Công chúa Maha Chakri Sirindhorn – em gái của Quốc vương, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, các giáo sĩ Bà La Môn và các học giả hoàng gia.
Theo chuyên gia Komkrit Uitekkeng từ Đại học Silpakorn, 8 người và 8 hướng trong nghi lễ này tượng trưng cho việc “Quốc vương được công nhận hợp pháp từ tất cả mọi hướng của vương quốc”.
Lễ tấn phong và chuyển giao bảo vật hoàng gia
Sau khi hoàn thành lễ tắm nước thiêng và lễ quán đỉnh, Quốc vương Vajiralongkorn sẽ bước lên ngai vàng Bhadrapitha, dưới chiếc ô 9 tầng – tượng trưng cho cố Quốc vương Rama IX – và nhận các Bảo vật hoàng gia, bao gồm Đại Vương miện Chiến thắng, Đôi hài Hoàng gia, Quạt và Phất tử Hoàng gia, Gươm chiến thắng và Quyền trượng Hoàng gia.
Đại Vương miện Chiến thắng được tạo ra vào năm 1782, dưới thời Quốc vương Rama I. Trong số 5 bảo vật thì Đại Vương miện Chiến thắng là bảo vật quan trọng nhất. Vật phẩm này có kích thước khá ấn tượng: cao 66 cm, nặng 7,3 kg, được đúc bằng vàng, đính kim cương và là biểu tượng cho trọng trách cao cả đặt trên vai Quốc vương, theo Giáo sư Tongthong.
Trong các lễ đăng cơ ở những triều đại đầu tiên, Quốc vương Rama I, II và III không đội chiếc vương miện 7,3 kg này mà chỉ đặt bên cạnh mình. Tuy nhiên kể từ thời Quốc vương Rama IV, dưới ảnh hưởng của văn hóa châu Âu, nghi lễ đội vương miện bắt đầu được cử hành.
Như vậy, sắp tới, Quốc vương Vajiralongkorn cũng sẽ phải đội chiếc vương miện 7,3 kg này trong nghi lễ rước kiệu trên quãng đường dài 6,5 km.
Thanh gươm Chiến thắng tượng trưng cho khả năng bảo vệ đất nước của Quốc vương. Theo truyền thuyết, thanh gươm báu này được tìm thấy ở đáy hồ Tonle Sap tại Siem Reap, Campuchia từ thời Khmer và được tặng lại cho Quốc vương Rama I. Cũng theo truyền thuyết này, khi thanh gươm được đưa tới Bangkok, đã có 7 tia sét cùng đánh xuống thành phố.
Chiếc Quyền trượng Hoàng gia làm từ gỗ Javanese Cassia dát vàng, tượng trưng cho những quy tắc sẽ đưa Quốc vương tới thành công.
Với chiếc quạt và phất tử, Quốc vương có nhiệm vụ xua tan những vấn đề của thần dân, tuy nhiên ông sẽ làm điều này khi đi đôi hài Hoàng gia – là vật biểu tượng cho sự ủng hộ và bảo vệ của thần dân đối với vị vua của mình, theo The Bangkok Post.
Các vị cố Quốc vương Thái Lan trong lễ đăng cơ. Ảnh: THAILANDPRD
Chiếu chỉ đầu tiên và nghi thức tiếp quản hoàng cung
Sau lễ tấn phong, Quốc vương Vajiralongkorn (Rama X) sẽ đưa ra chiếu chỉ đầu tiên trước sự chứng kiến của các thành viên hoàng thất và các đại thần.
Năm 1950, khi cố Quốc vương Adulyadej đăng cơ, ông đã tuyên bố: “Tôi sẽ trị vì đất nước với sự công bằng, vì lợi ích và hạnh phúc của người dân Thái Lan”.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ đăng cơ, vị tân Quốc vương sẽ thực hiện nghi thức tiếp quản Hoàng cung – mà theo ngôn ngữ thông thường là “.
Ông sẽ được các thành viên nữ trong hoàng thất tháp tùng vào phòng ngủ cùng những vật mang tính biểu trưng cho sự dồi dào và thuận lợi về đường con cái, bao gồm: đá mài, một khay quả bầu, một khay gạo, một khay đậu và một khay vừng.
Ngoài ra, Quốc vương cũng sẽ nhận được một chiếc chìa khóa vàng, một bó hoa bằng vàng – biểu thị sự sở hữu – cùng một chú mèo và một chú gà trống lông trắng trong lễ tiếp quản hoàng cung.
Sau đó, Quốc vương sẽ nhận được những lời chúc từ các thành viên hoàng gia, quan chức và hội đồng cơ mật, trước khi di chuyển tới Chùa Phật Ngọc với tư cách là người bảo trợ cho Phật giáo của Hoàng gia Thái Lan.
Sau các nghi lễ chính, vị tân Quốc vương sẽ tham gia lễ diễu hành quanh Bangkok, xuất hiện trước người dân Thái Lan và thực hiện một số nghi lễ phụ khác trong 2 ngày tiếp theo.