Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: kremlin.ru.
Kết quả của một cuộc khảo sát mới đây cho thấy Tổng thống Putin chỉ được 31,7% người dân Nga tín nhiệm.
Chỉ số tín nhiệm thấp kỷ lục
Theo một khảo sát mới được Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga (VTsIOM) công bố hôm 24/5 vừa qua, chỉ số tín nhiệm của công chúng Nga đối với Tổng thống Vladimir Putin đã tiếp tục giảm xuống mức thấp “kỉ lục” mới trong vòng 13 năm qua, báo The Moscow Times đưa tin.
Trước đó, theo kết quả khảo sát hồi tháng 1 năm nay, mức tín nhiệm của người dân Nga đối với ông Putin vốn đã ở mức thấp kỷ lục là 33,4%. Kết quả của cuộc khảo sát mới cho thấy chỉ số này lại tiếp tục giảm xuống còn 31,7%.
Mặc dù vậy, chỉ số đồng thuận của người dân đối với ông Putin vẫn được duy trì ổn định ở mức khá: 65,8%.
Theo The Moscow Times, cho dù chỉ số tín nhiệm trên chưa có ảnh hưởng trực tiếp tới nhà lãnh đạo Nga – người đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 3 năm ngoái; tuy nhiên điều đó có thể trở thành thách thức lớn đối với người kế nhiệm của ông Putin.
Mức tín nhiệm của người dân Nga đối với ông Putin đã tăng mạnh và đạt mức 71% vào tháng 7/2015, sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào 1 năm trước đó. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, VTsIOM đã ghi nhận mức tín nhiệm 57,2% dành cho Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, sự tin tưởng của người dân dành cho nhà lãnh đạo Nga bắt đầu giảm dần kể từ tháng 5/2018 (47,4%), do kinh tế Nga bắt đầu giảm tốc, và những điều chỉnh gây tranh cãi về chính sách tuổi hưu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục giữ vị trí thứ 2 và thứ 3 – sau Tổng thống Putin – trong bảng xếp hạng các chính trị gia được tín nhiệm nhất tại Nga, với các chỉ số lần lượt là 14,8% và 13%.
Mức tín nhiệm của người dân Nga đối với ông Putin từng đạt mức 71%, vào thời điểm 1 năm sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Ảnh: Google.
Điều gì khiến chỉ số tín nhiệm của người dân đối với ông Putin liên tục giảm?
Bình luận về kết quả nói trên, người đứng đầu của trung tâm nghiên cứu VTsIOM, ông Valery Fedorov, đã chỉ ra lí do người dân Nga ngày càng ít tin tưởng nhà lãnh đạo của họ: đó là do họ ngày càng mất niềm tin vào triển vọng cuộc sống của họ được cải thiện, sau rất nhiều lời hứa của ông Putin và chính quyền Nga.
“Tôi cho rằng việc người Nga mất niềm tin vào viễn cảnh có ‘cuộc sống tốt đẹp hơn’ là lí do chủ yếu dẫn tới điều này. Cuộc sống tốt hơn là như thế nào? Khi nào thu nhập của chúng ta mới được tăng lên? Theo những nhà thống kê học, thì không có nhiều người Nga tin rằng thu nhập của chúng ta đã tăng lên trong suốt 5 qua”, ông Fedorov trả lời trên kênh truyền hình Dozhd của Nga.
Người này cho biết, nhiều người Nga đã trở nên hoài nghi vì cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này đã kết thúc từ năm 2016, nhưng cuộc sống của họ hầu như vẫn chưa được cải thiện nhiều: “Vấn đề chủ yếu là nhiều người không còn tin tưởng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay”.
Về vấn đề cải cách tuổi hưu, thì người đứng đầu trung tâm nghiên cứu VTsIOM cho biết đó chỉ là chính sách “có tính biểu tượng”, trong khi những kỳ vọng về nền giáo dục, y tế, an sinh xã hội tốt hơn… của người dân lại không được đáp ứng: “Trong tương lai, chúng ta [người Nga] sẽ phải làm việc nhiều hơn dù số tiền nhận được vẫn không đổi”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng điều này có liên quan tới tình hình kinh tế-xã hội tại nước Nga hiện nay. Trong quý đầu tiên của năm 2019, theo số liệu của chính phủ, thì GDP của Nga chỉ tăng 0,5% – thấp hơn nhiều so với những dự báo được giới chuyên gia đưa ra trước đó.
Theo một khảo sát gần đây của Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính công Nga trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANKHiGS), có tới 29,6% người dân Nga cho rằng mình thuộc diện nghèo. Và theo một cuộc khảo sát khác của Trung tâm phân tích Levada, thì có tới 65% các gia đình Nga không sở hữu bất cứ khoản tiết kiệm nào, tính đến tháng 4 năm nay.
Ảnh: Reuters.
Những con số khiến Kremlin “bối rối”
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov từng cho biết ông “không thể hiểu nổi” khi nhận được kết quả cuộc khảo sát về cuộc sống của người dân Nga được Ủy ban Thống kê nhà nước Nga (Rosstat) công bố, hãng tin Interfax (Nga) đưa tin hồi tháng 4 vừa qua.
Cuộc khảo sát với chủ đề “quan sát mức sống của người dân” đã được Rosstat thực hiện trong năm 2018 (2 năm 1 lần), với sự tham gia của 60.000 hộ gia đình Nga.
Theo khảo sát này, các hộ gia đình Nga phải đạt mức thu nhập tối thiểu 58.500 rúp thì mới có thể mua được những món đồ thiết yếu nhất. Gần 50% số gia đình ở Nga không đủ khả năng chi trả cho một kỳ nghỉ dài mỗi năm.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng 1/3 số hộ gia đình Nga tham gia cuộc thăm dò không đủ khả năng mua 2 đôi giày/năm cho mỗi người trong gia đình.
Ngoài ra, 80% số gia đình tham gia khảo sát cũng chia sẻ rằng họ cảm thấy việc mưu sinh “khó khăn”. 10% trong số các hộ gia đình tham gia cho biết họ không đủ tiền để ăn thịt/cá hơn 2 lần/tuần, 12,6% phải dùng nhà vệ sinh công cộng hoặc không có nhà vệ sinh khép kín bên trong nhà.
Đặc biệt, ở vùng nông thôn của Nga, hơn 38% hộ dân vẫn chưa có nhà vệ sinh khép kín trong nhà.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy trong năm 2018, có đến 52,9% hộ gia đình không đủ khả năng chi trả các khoản phí bất ngờ như sửa nhà hay chi phí dịch vụ y tế. Trong khi đó, con số này hồi năm 2016 là 44,2%.