Thái Lan liên tục diễn “trò lố” và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam

(Ảnh: Đông Anh)

Có ai ngờ nền bóng đá Thái Lan làm mưa làm gió tại Đông Nam Á suốt bao năm qua, từng tính “buông” cả SEA Games lẫn AFF Cup để ôm mộng World Cup giờ chật vật đến thế.

Thời gian qua, giới lãnh đạo bóng đá Thái Lan liên tục có những quyết định gây tranh cãi, thậm chí lố bịch. Mới nhất chính là vụ liên quan tới cầu thủ Sanrawat Dechmitr.

Cụ thể, cầu thủ này đã bị phạt treo giò 8 trận vì lỗi đấm vào bụng trọng tài. Tuy nhiên, FAT sau đó lại quyết định xóa án cho cầu thủ này để anh tiếp tục được lên ĐTQG chuẩn bị thi đấu King’s Cup.

LĐBĐ Thái Lan tạo ra tiền lệ chưa từng có vì “cay cú” ăn thua ở King’s Cup nhưng bản thân Sanrawat Dechmitr lại không thể mặt dày đến thế. Chính cầu thủ này mới đây đã xin rút khỏi ĐTQG để xám hối về sai lầm của mình.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Ngược về trước đó, FAT cũng từng xin AFC chuyển án cho Supachai Jaided. Vì lỗi đánh nguội Đình Trọng ở vòng loại, cầu thủ Buriram bị treo giò 2 trận ở VCK. LĐBĐ Thái Lan lo ngại thiếu Supachai Jaided sẽ giảm sức mạnh U23 nước này nên đánh liều xin AFC chuyển án phạt sang giải King’s Cup hoặc vòng loại World Cup. Tất nhiên, lời đề nghị này cũng không được chấp thuận.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Một đề nghị khác cũng rất “dị” của LĐBĐ Thái Lan liên quan tới HLV Sirilak. Ông này chưa có bằng HLV chuyên nghiệp của FIFA (ProLicence) nên về lý thuyết không được dẫn dắt ĐTQG. Chính bởi vậy, FAT đã 3 lần phải xin AFC cho “nợ” bằng với trường hợp này (lần đầu ở Asian Cup, lần 2 ở China Cup và lần 3 là cho King’s Cup).

Phía Thái Lan hứa hẹn rằng ngay sau King’s Cup sẽ để ông Sirilak theo học hòng có chứng chỉ phù hợp của LĐBĐ châu Á.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Vụ việc liên quan tới HLV Sirilak cho thấy bóng đá Thái Lan đang mất định hướng, thiếu kế hoạch về ĐTQG.

Từ lâu, bóng đá Thái Lan vẫn được xem đứng đầu ĐNÁ cả về thành tích các cấp đội tuyển lẫn nền móng vững chắc. Mới ở vòng loại World Cup 2018 vừa rồi, Voi chiến còn cùng HLV Kiatisak tiến tới vòng loại cuối cùng một cách rất đáng khen ngợi.

Sau chiến tích ấy, người Thái đã từng bàn đến chuyện để lứa U21 đá SEA Games, còn lứa U23 đá AFF Cup, hòng rèn luyện tối đa cho thế hệ trẻ, hướng tới các kì World Cup sau đó.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 4.

Vậy mà thời gian trôi qua chưa lâu, bóng đá Thái Lan bất ngờ chìm trong bất ổn. Họ liên tiếp thất bại ở các lứa trẻ, ĐTQG cũng thất bại ở AFF Cup và Asian Cup gặp đầy bất ổn.

Trong một bài báo tổng kết năm 2018, tờ Bangkok Post giật title: “Đây là một năm ngập tràn những cơ hội bị bỏ lỡ”. Và thật đáng tiếc mọi chuyện vẫn đang tiếp diễn với họ.

Chính bởi thế, người Thái đang vô cùng lo lắng khi hướng về King’s Cup hay VCK U23 châu Á, từ đó mới dẫn đến các đề xuất hài hước về Supachai Jaided và Sanrawat Dechmitr đã nói ở trên.

Vậy câu chuyện của bóng đá Thái Lan liên quan gì đến Việt Nam?

Câu chuyện của bóng đá Thái Lan cho thấy bóng đá thật sự là sân chơi khốc liệt. Trò chơi tập thể này không chỉ cần vài cá nhân xuất sắc mà cần cả một tập thể xuất sắc để dẫn tới thành công.

Việc liên tục đào tạo ra được các thế hệ cầu thủ xuất sắc là không hề đơn giản và một nền bóng đá vững chắc như Thái Lan cũng chưa thể đảm bảo được. Ngay cả Đức, nền bóng đá hàng đầu thế giới cũng vừa thất bại thê thảm tại VCK World Cup 2018.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 5.

Hiện tại, Việt Nam đang có một lứa cầu thủ cực kì xuất sắc. Nhưng công bằng mà nói, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một nền móng vững chắc như Thái Lan. Sau lứa U23 năm 2018, các thế hệ cầu thủ trẻ của Việt Nam cũng đang khan hiếm nhân tài. Sẽ ra sao khi các Công Phượng, Quang Hải qua thời kì đỉnh cao? Liệu bóng đá Việt Nam có còn vươn tới được thành công?

Mới đây, HLV Lê Thụy Hải đã nói:

“Theo tôi ĐTVN muốn bước vào VCK World Cup thì trước mắt cần nhìn lại mình. Mơ ước thì ai cũng có nhưng với chúng ta hiện vẫn chỉ là mơ ước thôi. 48 hay 32 đội, với chúng ta cũng vậy thôi.

Chúng ta cần trở thành đội đứng đầu ĐNÁ đã, hoặc không được thì ít nhất cũng luôn luôn nhất nhì tức ổn định đẳng cấp rồi. Thứ hai là chúng ta phải đứng top 5, 6, 7, 8 của châu Á thì mới mong tranh chấp một suất dự VCK World Cup, dù khi đó quy định là bao nhiêu đội tham dự.

Tất nhiên mở ra 48 đội thì chúng ta yên tâm hơn. Nhưng thực tế hiện nay chúng ta chưa làm được những điều trên, nên World Cup cũng chỉ là mơ ước thôi.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 6.

Hiện chúng ta đang vô địch ĐNÁ, nhưng mới chỉ là lần thứ 2, mà cách nhau 10 năm. SEA Games thì chúng ta chưa nhất bao giờ. Thế thì chúng ta hãy làm cái đó đi đã. Ở châu Á chúng ta đứng thứ 16 thì chắc không vào được VCK World Cup được rồi.

Nếu chúng ta chỉ là sự xuất thần thôi thì tất nhiên sẽ rất vui, nhưng vào VCK lại bị “vùi dập” thì còn buồn gấp nhiều lần. Vì thế theo quan điểm của tôi, chúng ta cần là đội bóng ổn định, phải là một thế lực mạnh mẽ ở trong khu vực, châu lục đã. Khi đó chúng ta hãy mơ ước World Cup.

Vì thế khi báo chí đăng 32 hay 48 đội, tôi cũng không mặn mà lắm đâu. Tôi muốn trước hết đội tuyển của chúng ta phải mạnh mẽ đã, phải làm nên điều gì đã. Tôi không mong vào rồi lại bị loại một cách đau đớn, như một viên gạch lót đường thì buồn lắm”.

Thái Lan liên tục diễn trò lố và lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 7.

Ngoài tài năng, HLV Park Hang-seo là người cực kì tận tâm. Ông không chỉ hướng tới các thành tích nhất thời cho bóng đá Việt Nam mà còn suy tính về tương lai lâu dài. Nhưng liệu thầy Park sẽ gắn bó với bóng đá Việt Nam bao lâu? Và cũng cần phải biết để phát triển cả một nền bóng đá, một HLV dĩ nhiên không đủ.

Giữa đỉnh cao vinh quang là muôn vàn cơ hội và thách thức. Đây là lúc chúng ta cần tận dụng các cơ hội, ví dụ như sự quan tâm từ chính phủ, từ các nhà tài trợ để xây dựng nền móng cho bóng đá nước nhà, bên cạnh việc chinh phục các giải đấu trước mắt.