Nguồn: The Guardian
“Cả thế giới như đang sụp đổ trước mắt tôi”, một người dân chia sẻ về vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Chiều 15/4 vừa qua (theo giờ địa phương), một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame), khiến công trình kiến trúc nổi tiếng này bị hư hại nặng nề.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hỏa đã khống chế được ngọn lửa. Phần đỉnh tháp đã bị sập, tuy nhiên phần trụ chính của Nhà thờ đã được cứu, theo Thứ trưởng Nội vụ Pháp Laurent Nunez.
Theo Reuters, vụ hỏa hoạn xảy ra trước sự bàng hoàng của người dân Paris cũng như những khách du lịch nước ngoài có mặt tại đây. Nhiều người cho biết họ rất sốc, và cảm thấy sụp đổ khi chứng kiến biểu tượng của Thiên chúa giáo bị ngọn lửa “nuốt chửng”.
“Tôi cảm thấy tim mình tan nát. Đó là biểu tượng của Paris, và là biểu tượng của Thiên chúa giáo. Cả thế giới như đang sụp đổ trước mắt tôi”, bà Elizabeth Caille, một công dân Pháp 58 tuổi sống ở khu vực lân cận chia sẻ.
Paris và cả nước Pháp đã nhuốm màu tang thương khi nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa ngày hôm qua. Nhiều người thậm chí đã bật khóc trước cảnh tượng kinh hoàng ấy.
“Nó sẽ không bao giờ trở lại như trước nữa”, cô Samantha Silva, một công dân Pháp 30 tuổi nghẹn ngào. Silva cho biết cô thường xuyên đưa những người bạn nước ngoài của mình tới thăm Nhà thờ Đức Bà khi họ đến Paris.
Khi vụ việc xảy ra, phóng viên Eleanor Beardsley đã có mặt tại hiện trường cùng với những người dân Pháp và những khách du lịch. Cô chia sẻ về sự tuyệt vọng của mọi người vào thời điểm đó:
“Họ chỉ yên lặng. Mọi người không la hét, mà chỉ đứng nhìn lửa cháy trong nỗi bàng hoàng. Phía ngoài khu vực này, mọi hoạt động đã bị đình trệ, và cảnh sát có mặt ở khắp nơi. Nhưng ở gần nhà thờ, thì chúng tôi chỉ đứng nhìn ngọn lửa”.
Một người phụ nữ quỳ gối cầu nguyện trước Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Reuters.
Người dân bàng hoàng khi chứng kiến Nhà thờ Đức bà Paris chìm trong biển lửa. Ảnh: AP
Chứng nhân lịch sử
Được bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 1160 và hoàn thành trong hơn một thế kỷ, các nhà sử học coi Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những ví dụ điển hình nhất về kiến trúc nhà thờ Gothic tại Pháp.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã trụ vững sau cuộc nổi loạn cướp phá của người Huguenots theo đạo Tin Lành vào thế kỷ 16, bị đốt phá trong Cách mạng Pháp những năm 1790 và gần như bị lãng quên cho đến khi cuốn tiểu thuyết năm 1831 của đại văn hào Victor Hugo ra đời. Một cuộc trùng tu lớn đã được tiến hành vào năm 1844, đưa tôn giáo đường này trở lại với công chúng.
Ngày nay, Nhà thờ Đức Bà Paris tiếp tục được sử dụng làm nơi tổ chức tang lễ quốc gia ở Pháp. Các nhà lãnh đạo thế giới đã dự các buổi lễ tưởng niệm được tổ chức cho các cựu Tổng thống Charles de Gaulle và Francois Mitterrand tại nhà thờ này.
“Thật khủng khiếp, 800 năm lịch sử đã chìm trong khói lửa,” du khách Đức Katrin Recke nói.
Hình ảnh đau lòng tại Nhà thờ Đức Bà Paris chiều ngày 15/4. Ảnh AFP.
Khi lực lượng lính cứu hỏa chạy đua với thời gian để cứu những báu vật lịch sử vô giá trong nhà thờ, các nhà lãnh đạo thế giới đã chia buồn cùng nước Pháp:
“Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về nhân loại. Thật là một cảnh tượng bi thảm. Thật kinh hoàng Tôi xin chia sẻ nỗi buồn của quốc gia Pháp”, Chủ tịch của Ủy ban điều hành Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker chia sẻ trên Twitter.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã viết: “Trái tim tôi hướng về Paris. Nhà thờ Đức bà Paris là biểu tượng của sự đoàn kết toàn nhân loại vì mục đích cao cả hơn: xây dựng những công trình ngoạn mục làm nơi thờ phụng, mà không cá nhân nào tự mình làm được điều đó”.
Mạng xã hội Twitter đã ngay lập tức bùng nổ chia sẻ liên quan tới sự cố ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Từ khóa #Notredame nhanh chóng trending (được nhắc tới nhiều trong các tweet) khắp thế giới. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối và đau buồn trước hình ảnh tang thương của nhà thờ.
Tài khoản Twitter Melanie Gouby chia sẻ: “Lửa bùng lên xuyên qua những ô cửa sổ kính màu. Gần một nghìn năm lịch sử chìm trong lửa. Vô cùng đau lòng #Notredame”.
Đăng tải trên Twitter, ông Macron nhấn mạnh: “Nhà thờ Đức Bà Paris đang bị cháy. Tôi xin được cùng chia sẻ với tất cả các tín đồ Công giáo và toàn thể người dân Pháp. Giống như tất cả đồng bào, tôi rất buồn khi thấy một phần của mình bị thiêu rụi”.