Là vùng “địa linh, nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, Lệ Thủy có tiềm năng, lợi thế phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng, nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Tiềm năng khai mở…
Sau rằm tháng giêng hàng năm, huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo và nhiều hoạt động văn hóa thể thao độc đáo của người dân Lệ Thủy. Lễ hội dần hình thành nên nét văn hóa mỗi khi Tết đến, xuân về trên quê hương Lệ Thủy, thu hút du khách, góp phần thúc đẩy du lịch tâm linh trên địa bàn.
Đại đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc cho rằng: Lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc là cơ hội để người dân Lệ Thủy khôi phục lại những truyền thống, phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật lâu đời của miền quê sông nước Kiến Giang, để tình làng, nghĩa xóm được duy trì dài lâu, để mỗi con người chúng ta gắn bó hơn với quê hương mình…
Theo chia sẻ của Đại đức Thích Khải Đạo, chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung được hình thành cách đây hơn 700 năm. Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát tâm đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, phật tử và nhân dân, chùa được xây dựng khang trang, bề thế. Năm 2015, chùa Hoằng Phúc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Hàng năm, chùa Hoằng Phúc đón hơn 10.000-15.000 lượt du khách thập phương đến thắp hương và vãn cảnh chùa, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Hiện nay, chùa Hoằng Phúc cũng đã “ghi tên” trong bản đồ du lịch tâm linh của đông đảo du khách cả nước…
“Lễ hội chùa Hoằng Phúc không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà bên cạnh đó còn ghi đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất Quảng Bình, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Ngoài phần lễ được tổ chức uy nghiêm, trang trọng; phần hội cũng được diễn ra với đa dạng các trò chơi. Đây là cầu nối vững chắc giữa truyền thống và hiện đại giúp mọi người hiểu rõ hơn về nét đẹp trong đời sống văn hóa của ông cha ta…”, Đại đức Thích Khải Đạo cho hay.
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thôn An Xá, xã Lộc Thủy) từ nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ vô cùng gần gũi và thân thiết với đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Ông Võ Đại Hàm (81 tuổi), người trông coi nhà lưu niệm của Đại tướng nhiều năm qua cho biết: Khách đến dâng hương tại đây ngày nào cũng có, đặc biệt là những ngày lễ. Hàng năm, có khoảng hơn 10.000 lượt người đến dâng hương. Nhà lưu niệm của Đại tướng đang trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử để mọi người tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình, Lệ Thủy chứa nhiều trầm tích giá trị văn hóa truyền thống, những di tích lịch sử văn hóa có giá trị, như: Miếu Thần Hoàng, chùa An Xá, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, miếu An Sinh… Lệ Thủy còn được biết đến là quê hương của ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Hò khoan Lệ Thủy; lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang; lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy và đang nắm giữ rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh…”.
Để du lịch văn hoá tâm linh xứng tầm…
Huyện Lệ Thủy hiện có 20 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của các di tích lịch sử, văn hóa, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo, tu bổ các di tích, bảo đảm giữ nguyên trạng và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng, phát triển các tuyến du lịch văn hóa tâm linh.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình thông tin, việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các tiềm năng loại hình du lịch tâm linh được địa phương chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; có sự phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo chí trong nước, bước đầu đã có sự kết nối với các đơn vị xúc tiến, đầu tư, khám phá các thế mạnh của Lệ Thủy.
Bên cạnh đó, địa phương đã tăng cường quảng bá về lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang, về di sản hò khoan Lệ Thủy, gần đây là lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thuỷ và một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, góp phần tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch…
Đặc biệt qua hàng năm, việc rà soát, thu thập cứ liệu lịch sử đối với một số địa danh có giá trị về văn hóa lịch sử, tâm linh được huyện quan tâm chú trọng, từ đó đề nghị các cơ quan chức năng xếp hạng, công nhận di tích; đồng thời hướng đến việc phát triển du lịch trên sông Kiến Giang kết nối đến các điểm du lịch tâm linh ở địa phương, như: Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, miếu Thần Hoàng, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh… để thu hút khách du lịch.
“Nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển du lịch còn hạn chế; sức hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch tâm linh chưa thu hút được các nhà đầu tư; sản phẩm du lịch còn ở dạng tiềm năng, chưa đi vào hoạt động nên chưa thu hút khách du lịch; chưa kết nối được với các đơn vị lữ hành để xây dựng các chương trình du lịch có điểm đến Lệ Thủy…đó là những vướng mắc mà địa phương đang gặp phải…”, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết.
Hy vọng, với tiềm năng và lợi thế trong phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục nhận được quan tâm, đầu tư đúng mức của Nhà nước, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch tỉnh; đồng thời, quảng bá, lan tỏa truyền thống văn hóa lâu đời, những hình ảnh đẹp về đất và người Lệ Thủy đến với du khách…
Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, huyện Lệ Thủy đặt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xem đây là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2025, huyện Lệ Thủy phấn đấu lượt khách du lịch tăng bình quân 16%/năm; tổng lượt khách đến huyện trung bình đạt khoảng 170.000 lượt/năm; có 30 cơ sở lưu trú du lịch; tạo việc làm cho 4.000 lao động trong ngành du lịch-dịch vụ, trong đó có 50% lao động trực tiếp… |
Ngọc Hải
Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202303/khoi-nguon-du-lich-vung-dia-linh-nhan-kiet-2207920/