Mới đây, trong cuộc họp của UBTVQH cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024, có 5 chuyên đề được đưa ra xin ý kiến xem xét để chọn ra 4. Một trong số đó là quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc ngày 22/5, Quốc hội sẽ thảo luận, chọn 2 chuyên đề trong số 4 chuyên đề được chọn để giám sát tối cao trong năm 2024. Hai chuyên đề còn lại sẽ do UBTVQH giám sát.
Nêu ý kiến, lãnh đạo Quốc hội cho rằng chuyên đề giám sát về quản lý thị trường bất động sản “rất thời sự và cần thiết trong giai đoạn hiện nay”. Hiện 4 luật liên quan đến thị trường bất động sản, gồm Luật Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đang giao thoa, chồng lấn. Các luật này sẽ được sửa đổi trong năm nay và năm sau nên “bây giờ phải vào cuộc rà soát”.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản liên quan đến nhiều thị trường khác như trái phiếu DN, tín dụng, vốn, tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế và phát triển nhà ở xã hội.
Ảnh: quochoi.vn
Theo lãnh đạo Quốc hội, tăng trưởng quý I sụt giảm, nguyên nhân một phần do thị trường bất động sản khó khăn. “Thị trường này đang rất vướng mắc, Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, ngành đang nỗ lực tháo gỡ, cơ quan của Quốc hội cũng cần hỗ trợ”, lãnh đạo Quốc hội nói.
Theo một ĐBQH, bất động sản và nhà ở xã hội đều là những vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn, cần tăng cường giám sát. Dự án Luật Kinh doanh bất động sản và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát tổng thể. “Chuyên đề về kinh doanh bất động sản cũng là một trong những chuyên đề được đa số thành viên Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan lựa chọn”, ĐBQH này thông tin.
Bất động sản đóng góp khoảng 11% GDP, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác; đang đối mặt khó khăn do vướng mắc về pháp lý, dòng tiền. Cuối 2022, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường này. Giữa tháng 3/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội. Đây là hoạt động mang tính chất chính trị, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Như lãnh đạo Quốc hội đã nhận xét, hiện 4 luật liên quan thị trường bất động sản đang giao thoa, chồng lấn.
Lĩnh vực bất động sản từ nhiều năm nay đã là vấn đề “nóng” ảnh hưởng tới cả xã hội. Vì vậy, chuyên đề giám sát quản lý bất động sản là rất cần thiết. Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Minh Khang
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/khi-quoc-hoi-vao-cuoc-giam-sat-d192413.html