Đồng tính không phải điều gì đáng tự hào, nhưng đồng thời, chẳng có lý do gì khiến người ta phải mặc cảm vì giới tính!
Sẽ chẳng có cuộc chiến nào về giới tính của con, nếu mỗi người mẹ có thể đặt ra câu hỏi: Giới tính có thực sự quan trọng hơn hạnh phúc cả cuộc đời con?
Tôi vẫn nhớ mãi cảm giác khó tả của mình khi biết con khác biệt. Đó là khi tôi thấy con lén tô thỏi son xí muội lên môi. Tôi cũng đã lờ mờ nhận ra điều đó từ rất lâu rồi, nhưng bởi nhiều lý do, tôi thậm chí đã không muốn đối mặt cùng thực tế ấy. Nhưng hành động của con đã khiến tôi hiểu ra rằng, tôi phải đối mặt với câu chuyện đó, cùng con!
Điều đầu tiên bật ra trong đầu tôi khi đó chính là: Hãy để con sẻ chia “bí mật” đó với mình. Là “sẻ chia”, chứ không phải là “thú nhận”, bởi đó không phải tội lỗi hay điều gì đáng chê bai cả. Đồng tính không phải điều gì đáng tự hào, nhưng đồng thời, chẳng có lý do gì khiến người ta phải mặc cảm vì giới tính! Nếu chính bố mẹ còn mặc cảm về giới tính của con, thì đứa con ấy làm sao có thể sống bình thường.
Sinh nhật 18 tuổi của Tin, tôi dắt anh chàng lên bar. Hai mẹ con uống rượu, chọc ghẹo và tám về đủ mọi chuyện trong cuộc sống. Tửu lượng của anh chàng 18 tuổi tất nhiên chẳng thể nào đọ với mẹ, nhất là khi chủ ý của tôi là muốn… chuốc rượu để Tin kể chuyện.
Rượu không phải lựa chọn cần khuyến khích, nhưng ở trong những trường hợp như thế này, nó như một người dẫn chuyện. Ít nhất thì anh chàng cũng can đảm hơn, bạo dạn hơn và… nói nhiều hơn lúc đang say.
Lời sẻ chia đầu tiên về giới tính của con đã diễn ra như vậy đó. Nói không buồn thì không đúng, nhưng cảm giác đó chỉ xuất hiện trong thoáng chốc mà thôi. Tại sao ư? Tại tôi đã có 4 năm trời chuẩn bị cho lần sẻ chia đó của con!
Khi Tin 14 tuổi, con đã tâm sự với một người bạn thân của tôi về giới tính thứ 3, nhưng kèm theo lời dặn: “Cô đừng nói với mẹ, con sợ mẹ buồn, khi nào con 18 tuổi, con sẽ tự nói với mẹ.
Sau đó tôi đã phải chờ đợi 4 năm trời, cho đến sinh nhật lần thứ 18 của con. Tôi chọn thời điểm đó vì muốn ở độ tuổi trưởng thành của đời người, Tin sẽ học được cách đối diện với tất cả và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình!
Phản ứng của tôi có lẽ khiến anh chàng có đôi chút bất ngờ. Tại tôi chỉ nở nụ cười tỉnh rụi và bảo rằng “chuyện có vậy mà giấu hoài!” Chủ đề “tuyệt mật” ấy dừng lại ở đó. Không hỏi thêm một câu nào về tâm tư, tình cảm hay những mối quan hệ hiện tại của con, bởi tôi biết sau này, hai mẹ con còn rất nhiều thời gian làm điều đó.
Thứ tôi muốn tranh thủ “ghi dấu” vào trong tâm trí của con ngay trong thời điểm xúc động của anh chàng chỉ đơn giản là một bài học cũ xì: “Con phải bằng mọi cách thành công”. Có điều, tôi chọn cách diễn đạt đơn giản nhất.
Thay vì những bài học lê thê dạng con phải là người có ích cho xã hội, phải thành ông này ông nọ, tôi chỉ bảo với con rằng: Ráng tạo cho mình một thứ tài đi. Khi con có tài, không bao giờ lo phải giữ chân người khác hết. Tài năng của con sẽ làm điều đó dùm con!
Không biết anh chàng có nhớ câu chuyện đó hay không, nhưng tôi đã tin rằng trong khoảnh khắc đó, con hiểu được điều quan trọng nhất đối với mình không phải là giới tính, mà là tài năng và bản lĩnh. Có đủ tài năng, dù con có là ai và ra sao, hạnh phúc cũng sẽ đến theo cách đơn giản nhất!
Tôi không phải một bà mẹ tâm lý cho lắm. Tôi luôn nghĩ vậy. Bằng chứng là tôi không có quá nhiều thời gian để chăm sóc, tâm sự cùng con. Những căng thẳng, stress trong công việc không dễ chịu chút nào và đôi khi, nó còn làm tôi mất đi kiểm soát. Bởi vậy, nếu bắt tôi phải làm một bà mẹ hiền hậu, sẵn sàng ôm con vào lòng thủ thỉ cả đêm mỗi khi con buồn bã, chắc chắn tôi không làm nổi!
Tin cũng đã trải qua sự “lạnh lùng” đó của mẹ rồi. Anh chàng sống nặng về tình cảm và đôi khi khá ngây thơ. Tôi vẫn nhớ cú shock tình cảm lớn đầu đời của Tin kinh khủng lắm. Anh chàng như bị mất sạch niềm tin, mất sạch ý chí và khóc lóc như một đứa trẻ.
Tôi không trách con, bởi tôi hiểu đó là bản chất, tính cách trời sinh của nó. Chỉ là, tôi không muốn con như vậy. Có bà mẹ nào muốn nhìn thấy con đau khổ và suy sụp theo cách đó hay không?
Nhưng tôi cũng rất khó mở lời cùng con. An ủi, động viên chắc chắn sẽ phải có, nhưng rõ ràng tôi không có đủ thời gian để dành cho con suốt cả ngày. Còn cả trăm nhân viên, chuỗi thẩm mỹ viện và vô số công việc đang chờ tôi xử lý. Nếu cứ ôm lấy con để ve vuốt, vỗ về mọi lúc con buồn, e rằng người khóc còn là cả mẹ!
Tôi chọn cách an ủi con “lạnh lùng” hơn. Tranh thủ quãng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của cả gia đình, tôi lên kế hoạch cho một chuyến du lịch nước ngoài. Không phải vì Tin đang buồn, mà là vì chuyến du lịch đó là phần thưởng và lời hứa tôi đã dành cho cả nhà từ trước. Và Tin sẽ buộc phải cất nỗi buồn của mình sang một bên nếu không muốn ảnh hưởng tới tâm trạng của cả gia đình!
Chuyến đi rất vui và thoải mái. Anh chàng nhanh chóng quên đi những câu chuyện buồn tuổi trẻ nhờ những niềm vui suốt chặng hành trình.
Con cảm nhận một cách rõ ràng nhất rằng cuộc sống này còn rất nhiều điều đáng quan tâm, còn rất nhiều niềm vui có thể kiếm tìm. Và gia đình quan trọng hơn là những người xa lạ…
Đó là cách tôi vực con dậy. Để con hiểu rằng tự mình có thể kiếm tìm những niềm vui khác trong cuộc sống, rằng con còn có gia đình, có nghĩa vụ và trách nhiệm với người thân.
Rằng khi con cười, mọi người sẽ vui và ngược lại. Đôi khi, khóc cùng con chỉ là giải pháp tệ hại so với việc cùng mỉm cười bước qua những nỗi buồn!
Với Tin, tôi hiểu rằng cuộc sống của con sẽ phức tạp và nhiều chông gai hơn người khác. Đó là điều tôi đã xác định sẵn ngay từ khi biết sự thật về giới tính của con. Chính bởi vậy, tôi sẽ càng phải lạnh và cứng rắn hơn nữa, đủ để con có khả năng đề kháng trước những khó khăn. Con buộc phải mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, như một cách bù đắp lại cho số phận!
Anh chàng nào cũng có thời nổi loạn của mình. Tin cũng vậy. Công bằng mà nói, anh chàng có kinh nghiệm khá phong phú so với những bạn cùng độ tuổi. Từ khi còn đi học, Tin đã được làm quen với công việc chạy bàn, phụ việc ở nhà hàng của mẹ.
Bưng bê đồ, dọn bàn, bị khách mắng, nhận tiền tip, đó là những điều Tin trải qua suốt nhiều năm. Đó không phải là trải nghiệm vui, mà là công việc kiếm tiền để trang trải cho mọi thứ Tin cần. Không chỉ riêng Tin, tất cả thành viên trong gia đình đều có cách thực hiện mong muốn của mình giống hệt nhau: Lao động!
Đến khi 18 tuổi, Tin đã sở hữu số tiền kha khá trong tài khoản – do tự tay mình kiếm được.
Sự “giàu có”, tự tin cùng một vài mâu thuẫn trong công việc cùng mẹ đã khiến anh chàng có khát khao được khẳng định mình. Tốt thôi, mẹ hoàn toàn ủng hộ. Thời điểm Tin khăn gói lên đường với kế hoạch kinh doanh của mình, tôi không ngăn cản hay buộc con ở lại, mà chỉ nghiêm túc hỏi về những dự định sắp tới của con.
Chỉ để tham khảo mà thôi, còn khi con đã đủ lớn để tự đưa ra quyết định, mẹ sẽ tôn trọng hoàn toàn!
Trên thực tế, tôi thừa hiểu việc kinh doanh của con sẽ diễn biến ra sao. Hiểu luôn cả lý do tại sao Tin nằng nặc đòi “tự lập”. Hiểu rằng không phải tự dưng những mâu thuẫn giữa mẹ và con lại được ra đời trong thời điểm đó. Nhưng tôi chấp nhận, như một lần trả học phí dùm con!
Thời điểm đó, tôi không giữ Tin ở cạnh mình. Phần vì tôi muốn để con có cơ hội chứng tỏ khả năng, phần vì muốn con có thêm những trải nghiệm thực tế. Dù có thất bại, thứ con có được cũng sẽ là những điều vô cùng giá trị.
Ở tuổi 18 – 20, gia đình luôn là một khái niệm đầy mâu thuẫn đối với các chàng trai trẻ. Nhất là khi những mối quan hệ bên ngoài đủ cám dỗ và đầy hứa hẹn, tâm lý của những người đàn ông trẻ sẽ là muốn “bay cao, bay xa” để chứng tỏ mình. Tin cũng vậy. Thời điểm đó, Tin khao khát chứng tỏ mình đúng, mình sẽ thành công và mẹ cũng có lúc sai!
Tôi đồng ý với Tin. Rằng ok, con có quyền tự lập và mẹ thích điều đó. Nếu con có thể chứng minh mẹ đã sai, đó còn là điều tuyệt vời hơn. Mẹ mong con thành công, hơn là con nghĩ. Nhưng điều mẹ muốn ở con chỉ đơn giản là: Hãy luôn dành sự tôn trọng cho mẹ và gia đình, con nhé. Chừng nào con còn làm được điều đó, con sẽ vẫn là thành viên của gia đình mình.
Tin làm được điều đó. Đó cũng là điều tôi tự hào và sung sướng nhất về cậu con trai. Rằng khi ở trong mớ mâu thuẫn, xung đột, con vẫn chưa bao giờ quên rằng mình là thành viên của một gia đình. Ngay khi sợi dây liên kết giữa mẹ và con bị tác động, chia cắt bởi người khác, Tin vẫn không bao giờ để tình cảm của mình bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Rằng trong mọi trường hợp, trái tim của anh chàng vẫn luôn có mẹ và những người thân!
Đối với tôi, chừng đó là quá đủ rồi. Phép thử khó khăn đó rốt cuộc cũng trả lại cho cả tôi lẫn Tin những điều giá trị. Với tôi, đó là niềm tin và sự tự hào về bản lĩnh, tình yêu thương của con. Còn với Tin, những gì con nhận lại nhiều hơn thế.
Vài tháng sau khi “khởi nghiệp” cùng những người bạn, Tin thất bại. Thực ra dù rất hiếm khi liên lạc, nhưng từng chuyện về Tin tôi đều nắm rõ. Con buồn bán ra sao, gặp phải khó khăn gì, bị ai xúi bẩy, ai dụ dỗ hay chơi xấu, tôi đều biết cả. Chỉ là, tôi không làm bất cứ điều gì. Tôi nhường nó cho Tin.
Thời điểm Tin về nhà sau một thời gian dài “tự lập”, Tin thay đổi rất nhiều. Gầy hơn, luộm thuộm hơn, nhưng chững chạc và hiểu chuyện hơn nhiều. Trước khi trở về, Tin có nhắn qua Bảo (cậu em út) để xin phép mẹ. Tôi đồng ý. Con muốn đi đâu cũng hay xin phép mẹ và tương tự vậy, đừng tự ý trở về nhà nếu chưa nhận được sự đồng ý từ phía mẹ.
Lúc Tin bước về nhà, tôi đang chuẩn bị bữa cơm. Thật ra bữa cơm đó cũng không vô tình đâu, mà toàn là những món Tin rất thích. Có cố lạnh lùng tới mấy, thì cũng có bà mẹ nào ngăn nổi mong muốn được nhìn con ăn đồ mình nấu?
Câu nói đầu tiên tôi nói với Tin là “dọn dùm mẹ đồ ăn đi”. Chỉ đơn giản vậy. Không phải hỏi han, trách móc hay bất cứ điều gì hết, chỉ là một câu nói rất đỗi bình thường. Nhưng đủ để tạo cho con cảm giác mình đã trở về nhà.
Tôi không quay lại nhìn Tin, để con tự lúi húi dọn đồ ăn, chén đũa. Tôi không muốn Tin nhìn thấy sự xúc động của mình và muốn con đủ thời gian để bình tĩnh lại. Bữa cơm diễn ra ấm cúng và đơn giản hơn tưởng tượng. Y như thể con chỉ vừa trở về nhau sau buổi cà phê…
Ăn cơm xong, Tin lại gần và lễ phép hỏi: “Con muốn dọn về nhà có được không mẹ?” Tới lúc đó, tôi thực sự mới có thể mỉm cười. Không phải vì con đã “thua” trong lần mâu thuẫn cùng mẹ, mà bởi tôi biết con đã hoàn thành khoá học đầu đời. Tôi không hỏi con bất kì điều gì đã xảy ra, cũng không căn vặn con rằng “đó con thấy chưa, mẹ đã nói nhưng con không chịu nghe”.
Bởi đó là những điều thừa thãi. Khi con quyết định trở về nhà, con đã tự có lý do của riêng mình. Những bài học con có được về người ngoài, về cạm bẫy, dối trá rất đáng giá, nhưng không đáng giá bằng việc con nhận ra không đâu bằng được nhà mình.
Trong mọi trường hợp, con phải luôn cư xử với trách nhiệm của một thành viên trong gia đình – đó là thứ tôi tin con sẽ không quên, suốt cuộc đời! Con có thể đúng, có thể sai, có thể thành công hay thất bại, nhưng tất cả không thay đổi được một điều: Con thuộc về gia đình này. Trừ khi, chính bản thân con không muốn vậy!
Trong suốt những câu chuyện về con, tôi rất hiếm khi nhắc về giới tính, về khó khăn hay sự khác biệt của con. Không phải vì tôi sợ hãi, ngại ngần, mà bởi tôi cảm thấy điều đó là vô nghĩa.
Con vẫn đang có một cuộc sống bình thường, hệt như bao nhiêu người khác. Con vẫn lao động, học cách kiếm tiền, biết cách cư xử và tôn trọng những người mình gặp. Còn giới tính và những chuyện yêu đương vốn chỉ là một góc riêng tư mà con không có nghĩa vụ phải công khai!
Tôi chọn cách đối xử với con theo cách bình thường nhất. Không cần dang tay bảo vệ bằng mọi giá, không phải bênh vực chằm chặp vì sợ con thiệt thòi. Đó không phải là cách yêu thương.
Hãy để con tận hưởng cuộc sống bình thường, bằng cách không đối xử khác biệt cùng con. Và chẳng có lý do gì, một chàng trai lại cần phải đối xử theo cách khác thường, chỉ vì đối tượng họ yêu thương không giống phần còn lại…
Giờ này, Tin đang là giáo viên tại trung tâm đào tạo thẩm mỹ của mẹ. Anh chàng đang rất hạnh phúc với lựa chọn của mình. Mỗi khoá học của Tin đều thu hút rất đông học viên và ở độ tuổi này, anh chàng cũng đang có một sự nghiệp tương đối ổn định.
Chưa quá thành công hay giàu có, nhưng ít nhất thì mẹ cũng có thể tự tin khẳng định rằng: Tin đã đủ bản lĩnh để tự lập và đủ tự tin để sống hạnh phúc, theo cách mà con muốn!