Hải Phòng: Quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành uỷ về chuyển đổi số

Ngày 21/4, Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị cán bộ thành phố trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ-TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND TP Hải Phòng ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025.

Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND TP Hải Phòng ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; ông Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 327 điểm cầu trên địa bàn TP Hải Phòng tới các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các đảng bộ trực thuộc Thành uỷ, với tổng số 11.345 đại biểu tham dự.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng chia sẻ những nội dung liên quan đến chương trình chuyển đổi số quốc gia, hoạt động chuyển đổi số tại Hải Phòng, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường nêu rõ: Nghị quyết số 03 Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã xác định rõ chuyển đổi số là “động lực”, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, trong toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị.

Qua quá trình triển khai thực hiện, Hải Phòng đã đạt được một số kết quả bước đầu: Ứng dụng các nền tảng công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19; ban hành kế hoạch xây lắp hạ tầng chung, xoá 16/67 vùng lõm sóng; triển khai mạng chuyên dùng đến 100% cơ quan nhà nước 4 cấp; nâng cấp hệ thống thông tin của UBND TP; triển khai phương án học bạ điện tử, số điểm điện tử dùng chữ ký số từ xa; hoàn thành 6/22 nhiệm vụ trọng tâm Bộ Thông tin và Truyền thông giao (như nền tảng số quốc gia, đưa hộ nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nền tảng điện toán đám mây, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, tổ công nghệ số cộng đồng, trợ lý ảo…).

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi số còn gặp phải một số khó khăn trong thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào hạ tầng số, dịch vụ số, thương mại điện tử; đưa dịch vụ công lên trực tuyến nhưng tỷ lệ hồ sơ còn thấp, chưa minh bạch, chưa hiệu quả, chưa được tự động hoá; TP chi ngân sách lớn nhưng chưa có phương pháp chuẩn hoá để đánh giá hiệu quả; người dân chưa nhìn thấy rõ ràng lợi ích, tác dụng của chuyển đổi số…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao quà lưu niệm tặng TP Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao quà lưu niệm tặng TP Hải Phòng.

TP Hải Phòng kiến nghị, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số tại Hải Phòng trong việc xây dựng cáp quang biển, cáp đất liền, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, hạ tầng thương mại điện tử. Lựa chọn Hải Phòng làm địa bàn thí điểm các công nghệ, dịch vụ mới. Đồng thời, hỗ trợ Hải Phòng lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số nhanh và hiệu quả các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, giao thông, xây dựng…

Bí thư Thành uỷ Trần Lưu Quang trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bí thư Thành uỷ Trần Lưu Quang trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND TP Hải Phòng về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025 với 11 nội dung: Tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách của TP. Phát triển đô thị thông minh. Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển xã hội số phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số tại cấp huyện, cấp xã. Triển khai bộ công cụ giám sát, quản lý trẻ em truy cập Internet. Hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin. Phát triển dữ liệu số, kết nối và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm công nghệ số tạo sự bứt phát cho nền kinh tế…

 

Theo Nguyên An (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-phong-quan-triet-tuyen-truyen-va-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-03-cua-ban-thuong-vu-thanh-uy-ve-chuyen-doi-so-d180483.html