Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy!

Nếu như Giáo dục Việt Nam xuất hiện trong chương trình Táo Quân – Gala Cười cuối năm thì sẽ được nhắc đến với câu: Một năm giáo dục buồn!

01. Gian lận thi cử, sửa điểm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 1.

Tại buổi công bố kết quả công tác kiểm tra việc gian lận thi cử THPT ở Hà Giang, đoàn công tác của Bộ GĐ&ĐT nêu rõ, có 330 bài thi được nâng điểm so với mức bình thường. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí là 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Người trực tiếp can thiệp vào kết quả của các thí sinh là ông Vũ Trọng Lương – Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, sở giáo dục Hà Giang. Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan.

Các tỉnh Sơn La, Hòa Bình cũng bị phát hiện có nhiều sai phạm liên quan đến sửa điểm của nhiều quan chức trong ngành từ cấp sở, phòng hoặc hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông…


02. Cô giáo chỉ đạo lớp tát học sinh 231 cái

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 3.

Ngày 26/11, Đại tá Đoàn Thanh Tuyên, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), xác nhận cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án “Hành hạ người khác” theo điều 140 Bộ Luật hình sự để điều tra việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh), chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái.

Vào chiều ngày 19/11, em H.L.N. (11 tuổi, học sinh lớp 6.2 – Trường THCS xã Duy Ninh) có lỡ miệng nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi vào sổ.

Cô Thủy liền đưa ra hình phạt là ép toàn bộ học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má N. Theo lời N., tổng cộng mà em học sinh này phải nhận là 231 cái tát từ 23 bạn (mỗi bạn 10 cái) và lĩnh 1 tát từ cô chủ nhiệm. Ngoài ra, qua tìm hiểu, có 10 học sinh khác cùng lớp bị cô Thủy trừng phạt theo cách này. Tổng cộng 11 học sinh trong lớp mà đã hứng trọn 901 cái tát rất mạnh (vì tát nhẹ sẽ bị cô Thủy bắt tát lại).


03. Cô giáo Hải Phòng phạt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong lớp

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 5.

Vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng). Bà Trần Thị Ngọc Bảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng cho biết, chiều 3/4, bà Ngọc Bảo nhận được phản ánh việc nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương – Chủ nhiệm lớp 3A5 phạt học sinh hay nói chuyện trong lớp bằng hình thức vắt nước giẻ lau bảng để học sinh uống.

Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, bà Bảo yêu cầu nữ giáo viên này đến gặp gia đình em Phạm Phương A. – học sinh bị cô Hương bắt uống nước giẻ lau bảng để xin lỗi.


04. Làm học sinh sợ đến trường, một giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 7.

Ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An), xác nhận vụ việc cô giáo tên Nhung, áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối nên có một số em sợ không đi học, từ đó khiến phụ huynh bức xúc đến trường tạo áp lực dẫn đến “chuyện không đáng có”.

Ngày 28/2, có 4 phụ huynh tới Trường Tiểu học Bình Chánh lớn tiếng phản ánh cách giáo dục của cô giáo Nhung vượt quá chuẩn mực sư phạm. Biết mình sai, cô Nhung nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Dù vậy, một phụ huynh không đồng tình. Cô Nhung đành xuống nước:“Vậy tôi sẽ quỳ tại đây”.


05. Phụ huynh có hành vi đánh cô giáo thực tập đang mang thai tại Trường Mầm non Việt – Lào

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 9.

Chiều 23/3, Công an TP Vinh (Nghệ An) đã triệu tập vị phụ huynh có hành vi hành hung cô giáo P.T.H. (SN 1997), là sinh viên đang thực tập tại trường Trường Mầm non Việt – Lào lên làm việc.

Danh tính vị phụ huynh này là chị Phan Thị Nghĩa (35 tuổi, trú khối 3, phường Trung Đô). Được biết, sáng 22/3, thấy con đang học tại trường Việt – Lào có vết bầm ở chân, chị Nghĩa cho rằng do cô giáo gây ra. Tới trường, chị Nghĩa to tiếng với nữ sinh viên 21 tuổi đang thực tập tại đây vì cho rằng người này đánh con mình.

Sau đó, phụ huynh này mắng chửi và hành hung cô H. Thấy vậy, hai phụ huynh khác và cô phụ trách lớp chạy lại can ngăn. Sau khi bị đánh, cô H. được đưa vào Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An cấp cứu.


06. Cô giáo dạy Toán im lặng suốt 3 tháng lên lớp, không giảng bài!

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 11.

Em Song Toàn bật khóc khi chia sẻ về cô Trần Thị Minh Châu

Em Phạm Song Toàn, học sinh của trường Trường THPT Long Thới đã bật khóc khi chia sẻ về một cô giáo dạy toán lên lớp chỉ viết bài, chép bài mà không nói chuyện một lời nào với học sinh.

Tình trạng này đã kéo dài suốt một học kỳ. Em Toàn cho biết chúng em chỉ mong được một lần cô giáo trò chuyện. Nhưng không, cô lên lớp chỉ viết bài. Suốt một thời gian dài, chúng em phải tự học, tự làm bài. Không một ai dám nói gì và bản thân em cũng sợ. Cô giáo chủ nhiệm biết sự việc và đã tìm cách giải quyết nhưng dường như mọi cố gắng đều không có kết quả.

Trước khi về dạy tại Trường THPT Long Thới, cô Trần Thị Minh Châu từng dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4. Tại đây, học sinh và phụ huynh của trường cũng đã từng phản ánh việc cô Trần Thị Minh Châu dùng những lời lẽ phản cảm trong tiết học. Học sinh ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ mà cô Trần Thị Minh Châu phụ trách khi đó từng phản ánh, trong giờ giảng, khi nghe tiếng ồn, cô quay xuống hỏi “Ai sủa trong lớp”. Ở nhiều tiết học khác, cô C. cũng thường đuổi học sinh ra ngoài hành lang. Cô Trần Thị Minh Châu cũng từng bắt nhiều học sinh chép phạt 200 lần.


07. Ông Đinh Bằng My – hiệu trưởng dâm ô hàng chục học sinh ở Phú Thọ

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 13.

Ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Đinh Bằng My (SN 1961, trú ở phố Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ), Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thanh Sơn đã ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can đối với Đinh Bằng My.

Ông Đinh Bằng My được cho là đã có hành vi dâm ô các học sinh ngay tại phòng làm việc của mình. Các học sinh cho biết vị hiệu trưởng thường gọi các nam học sinh vào phòng trong giờ lên lớp và thực hiện hành vi dâm ô, sau đó đe dọa các nam sinh sẽ hạ điểm hay đuổi học nếu nói với người khác.

Một số nam học sinh cũng được thầy hiệu trưởng cho từ 20 – 30 nghìn đồng để giữ kín chuyện mỗi lần bị “gọi vào phòng”.


08. Nam sinh trường Nguyễn Khuyến tự tử vì “không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình”

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 15.

Học sinh nam H.T.C. (16 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk), học sinh khối lớp 10 Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, phường 13, quận Tân Bình nhảy lầu tử vong và có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực trong học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn nam sinh này có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10.

Trước đó, vào khoảng 15h15 ngày 10/4, thầy cô giáo trường Nguyễn Khuyến phát hiện C. đứng trên mái tôn của tầng 4 (dãy phòng học của trường) nên gọi em C. xuống đất nhưng em không đồng ý. Dù được thuyết phục bởi nhiều thầy cô giáo, bạn thân của C. nhưng tâm trạng lúc đó của C. bất ổn, vừa khóc, vừa cười rồi chạy thẳng về phía mép tôn để lao xuống đất.

C. đã để 2 bức thư tuyệt mệnh, 1 bức gửi cho gia đình, 1 bức gửi cho lớp với nội dung liên quan đến áp lực học tập từ gia đình. Vì gia đình muốn em có điểm học tập cao hơn, đạt học sinh giỏi khiến em buồn bã, áp lực.


09. 2 trường Đại học VN lọt top 1000 trường tốt nhất thế giới

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 17.

Tháng 6/2018, tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố kết quả xếp hạng trường tốt nhất thế giới năm 2019. Theo đó, lần đầu tiên hai Đại học Quốc gia của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM có tên trong top 1000 các đại học hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, cũng có 7 trường ĐH Việt Nam lọt top 500 trường tốt nhất Châu Á, lần lượt là: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) – Anh Quốc. Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới.


10. Thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 19.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, hầu hết các thí sinh của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều giành huy chương, đem về thành tích vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà. Cụ thể, toàn bộ 38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự thi Olympic đều đạt huy chương trong đó có 18 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 11 huy chương đồng.

Đặc biệt, bạn Nguyễn Phương Thảo trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên; Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh. Đây là lần đầu tiên của đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi.

Lý giải về thành tích của học sinh Việt Nam tham dự các Olympic khu vực và quốc tế, Bộ GD-ĐT cho rằng những đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD-ĐT chính là lý do quan trọng đem lại thành tích xuất sắc trong năm nay.


11. Những đổi mới đáng chú ý trong thi THPT Quốc gia 2019

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 21.

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ có những điều chỉnh trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập. Cụ thể, nội dung đề thi nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Về công tác coi thi, Bộ GD-ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Bên cạnh đó, các quy định về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do sẽ được thắt chặt hơn; đồng thời có hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật. Sẽ có camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và bộ cũng sẽ tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.

Một điểm mới quan trọng nữa là năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).


12. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tăng cao

Giáo dục Việt Nam 2018: Chưa bao giờ xảy ra nhiều bê bối dâm ô, đánh đập học sinh như vậy! - Ảnh 23.

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2018 ghi nhận sự cải thiện về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Thông qua phỏng vấn trực tiếp 25.000 sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng của 50 trường đại học ở cả ba miền cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình là 84% (chưa tính số người đi học tiếp), nhiều trường đạt từ 85 – 97%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề và mức thu nhập khá cao đã đóng góp đáng kể trong việc tăng năng suất lao động cũng như mức tăng trưởng GDP trong cả nước.