Kỳ 2: Mang “hơi thở” cuộc sống vào nghị quyết
Đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm… Những quyết sách được HĐND các cấp ban hành đã, đang mang lại giá trị, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh.
“Trái ngọt” từ quyết sách đúng
Được vay vốn từ Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh để cải tạo vườn tạp giúp chị Hậu Thị Hương, xã Phú Linh (Vị Xuyên) vươn lên thoát nghèo. |
Chị Hậu Thị Hương, thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) là hộ nghèo. Năm 2021, chị được vay 30 triệu đồng để cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 58/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Nghị quyết 58) về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Chị Hương đầu tư trồng Dưa hấu, các loại rau ngắn ngày, nuôi gà giống địa phương.
Sau 1 năm chịu khó lao động, học tập kinh nghiệm, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng quy trình kỹ thuật, mảnh vườn của chị đã mang lại hiệu quả. Dưa hấu được thương lái vào mua tận vườn, các loại rau bán cho trường học và người dân trên địa bàn. Những khoản thu nhập đầu tiên được chị tái đầu tư, mở rộng diện tích, trồng thêm Thanh long ruột đỏ, gừng và nhiều loại rau, củ theo mùa, tăng quy mô đàn gà. Năm 2022, tổng thu nhập của gia đình chị Hương đạt trên 100 triệu đồng và vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá.
Là tỉnh nông nghiệp với khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý, tập quán canh tác truyền thống, năng suất, giá trị kinh tế từ vườn hộ thấp, chưa tạo thu nhập bền vững cho người dân. Thực hiện khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” vào điều kiện thực tiễn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 58, đối tượng áp dụng là hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế vườn hộ với lãi suất bằng 0%, mức vay vốn từ 10 – 30 triệu đồng/hộ, thời gian vay vốn tối đa 30 tháng. Sau 2 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, toàn tỉnh có 2.325 hộ được vay vốn theo Nghị quyết 58, tổng số tiền giải ngân trên 60 tỷ đồng; có 1.935 vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế, bình quân đạt 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2 – 3 lần so với trước đây.
Người dân xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) làm đường bê tông nông thôn. |