Để gia đình thực sự là tổ ấm yêu thương

Ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 6 chương, 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Đây cũng là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của năm 2022 được ngành VH,TT&DL lựa chọn. Sự lựa chọn này được đánh giá là rất chính xác bởi Luật được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả trong ngăn chặn các hình thức bạo lực gia đình.

Tham luận tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VH,TT&DL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 29/11/2022, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhấn mạnh cần thiết phải có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân; các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng.

eo TS. Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn khẳng định sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, các văn bản về gia đình và công tác gia đình chưa thực sự nhấn mạnh đến vai trò then chốt của hệ giá trị gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng giá trị gia đình ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam hiện nay.

Nhận thức đúng về việc chống bạo lực gia đình

Tại Ngôi nhà bình yên thuộc Hội LHPN Việt Nam ở Cần Thơ, người được hỗ trợ này mang ký hiệu viết tắt NTT 59B. Trước khi đến với Ngôi nhà bình yên, NTT 59B đã được người qua đường cứu mạng cùng hai đứa con (một 3 tuổi, một chưa chào đời) khi ba mẹ con nhảy cầu Cần Thơ tự vẫn.

Sau thời gian ly hôn với chồng đầu, chị NTT 59B gặp được người mới. Anh B biết rõ hoàn cảnh và rất yêu thương chị cùng đứa con gái riêng. Nhưng niềm vui cũng chỉ ngắn ngủi khi anh B dần trở nên ghét bỏ con chị chỉ vì nhìn mẹ con chị làm anh nhớ và thương xót con riêng của anh đang sống ở quê nhà với ông bà nội. Thấy con mình bị hắt hủi, chị NTT 59B quyết định bế con về nhà mẹ đẻ. Nhưng thay vì nhận được sự yêu thương máu mủ, mẹ đẻ chị cũng hắt hủi mẹ con chị vì xót số tiền các con trai gửi về cho bà nay lại phải sẻ chia cho con gái và cháu ngoại. Chuyện đến tai các anh trai của chị NTT 59B, họ liền về đánh đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. Cùng đường, không còn nơi để đi, không còn ai để nương tựa, chị khi ấy đang mang thai ở tháng thứ 6 đã ôm con gái lớn gần 3 tuổi nhảy cầu Cần Thơ mong kết thúc cuộc sống khổ đau. May mắn là ba mẹ con được người đi đường cứu sống.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình-sửa đổi. (Ảnh TTXVN)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình-sửa đổi. (Ảnh TTXVN)

Có một thực tế đang diễn ra rằng, nhà là nơi để về, gia đình là tổ ấm để yêu thương, nhưng với không ít người, tiếc rằng đó không khác gì địa ngục, khi mà ngày ngày họ bị đối xử bằng bạo lực và phải chịu những giày vò đau đớn dai dẳng cả về thể xác lẫn tinh thần. Chẳng phải cứ “thượng cẳng chân, hạ chẳng tay” mới là bạo lực. Có không ít hành vi bạo lực là những lời nói, sự nhiếc móc, sỉ vả, hoặc là sự im lặng tuyệt đối ngày này qua ngày khác cũng khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là khủng hoảng như trường hợp của chị NTT 59B nói trên.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng thực hiện khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, kết quả: cứ bốn gia đình có tình trạng bạo hành, thì có một theo kiểu bạo hành tinh thần “hộp đen” – tức là bạo hành không nhìn thấy được, không ầm ĩ, không gây sự chú ý khiến cho người ngoài nhìn vào tưởng rằng gia đình ấy vẫn “cơm lành, canh ngọt”. Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam,tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tinh thần chiếm tới hơn 50%, một con số khiến không ít người phải giật mình.

Chính vì thế, khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực gia đình, nhất là bạo lực về tinh thần để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Theo đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang), việc nhận diện được những hình thức bạo hành là rất quan trọng, đây là cơ sở để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật, bảo vệ người bị bạo hành. Tuy nhiên, theo Đại biểu, thực tế cho thấy, hiện nay mới khảo sát, đo lường được bạo hành về thể chất, còn bạo lực về tinh thần rất khó phát hiện nhưng lại mang hậu quả khó lường. Vì vậy, cần phải có thang đo cũng như phương pháp khảo sát đặc thù của các cơ quan chức năng để nhận diện đúng, rõ hơn các hình thức và hành vi bạo lực gia đình trong thực tế, từ đó có giải phóng phòng chống hiệu quả.

Để gia đình thực sự là tổ ấm yêu thương (ảnh minh hoạ).

Để gia đình thực sự là tổ ấm yêu thương (ảnh minh hoạ).

Nâng cao hiệu quả trong ngăn chặn bạo lực gia đình

Ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật bạo lực gia đình sửa đổi với 6 chương 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Đây cũng là 1 trong10 sự kiện nổi bật của năm 2022 được ngành VH,TT&DL lựa chọn. Sự lựa chọn này được đánh giá là rất chính xác bởi Luật được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả trong ngăn chặn các hình thức bạo lực gia đình với 5 nhóm điểm mới.

Đó là, thứ nhất, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng với nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Thứ hai, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống“, trong “chống” có “phòng“.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thứ tư, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. Quá trình xây dựng luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

Các yếu tố về văn hoá, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng đã được quan tâm, xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.