Ảnh minh họa.
Sự kiện máy bay trinh sát RQ-4 tối tân của Mỹ bị Iran bắn hạ đã khiến cộng đồng quốc tế thót tim, bởi theo lẽ thường, Washington sẽ sớm có đòn đáp trả khốc liệt luôn và ngay.
Và điều này có thể dẫn tới leo thang căng thẳng và thậm chí là chiến tranh giữa các bên. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump sau đó đã tuyên bố hủy kế hoạch không kích trả đũa Iran vào phút chót.
Vậy liệu Mỹ có chịu thất thế trước Iran kể cả khi đã mất chiếc UAV trị giá gần 200 triệu USD hay Washington đã có tính toán thiệt hơn và đòn thù chắc chắn sẽ có vào thời điểm thích hợp trong tương lai?
RQ-4 bị hạ là “lời cảnh báo” từ Iran
Việc UAV trinh sát tầm cao của Quân đội Mỹ bị hạ trong thời điểm nhạy cảm, khi quan hệ giữa Mỹ và Iran trên bờ vực chiến tranh không chỉ đơn thuần là một biến cố quân sự thông thường, mà có thể chính là lời cảnh báo của Iran dành cho Mỹ.
UAVRQ-4 hiện làm một trong những thiết bị bay trinh sát tối tân bậc nhất của Mỹ hiện nay với những công nghệ hàng không quân sự tối tân. Chắc chắn Mỹ phải có những phương án bảo vệ cho chiếc UAV trị giá hàng trăm triệu USD này, nhất là khi hoạt động ở khu vực nhiều nguy cơ như Iran.
Nhưng trong thực tế, nó lại bị hệ thống phòng không của Iran bắn hạ. Với những thông tin được công khai, chiếc UAV bị bắn hạ khi đã chuyển vào chế độ tàng hình và hoạt động ở trần bay gần như tối đa khoảng 18km.
Tư lệnh Không quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Amir Ali Hajizadeh thị sát mảnh vỡ của chiếc UAV Mỹ bị bắn rơi tại Tehran ngày 21/6/2019. Ảnh: AP
Với bất kỳ lý do gì, điều này chứng minh năng lực phòng không của Iran rất đáng gờm và có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản xung đột.
Cần biết thêm rằng, rút kinh nghiệm từ các cuộc xung đột gần đây của Mỹ và đồng minh, Iran có mạng lưới phòng không tầm thấp và tầm trung rất mạnh và đông đảo như Tor-M1E, HQ-7 hay tổ hợp nội địa Khordad-15…
Đây chính là những loại vũ khí nhằm mục tiêu chống lại các mục tiêu bay thấp hay những cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình thường thấy của Mỹ và đồng minh.
Ngoài ra, Iran còn sở hữu vũ khí sắc bén khác là những tổ hợp S-300PMU-2 nhập khẩu từ Nga để đối phó với những mục tiêu tàng hình hay phương tiện bay cấp chiến lược của đối phương.
Dù Iran công bố tổ hợp tên lửa phòng không thực hiện vụ tấn công bắn hạ chiếc UAV RQ-4 của Mỹ là Khordad-15, nhưng dường như có sự phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa vũ khí phòng không nội địa của Iran với hệ thống radar cảnh giới và chỉ thị của các tổ hợp S-300PMU-2 vốn đã được triển khai tai khu vực duyên hải từ trước đó.
Ngoài ra, năng lực phản kích bằng tên lửa của Iran cũng là một lý do khiến Nhà Trắng chùn tay. Nếu Mỹ và đồng minh không kích Iran, kịch bản mất kiểm soát và bùng phát chiến tranh toàn diện sẽ rất khó dự đoán.
Ở tình huống này, các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Cận Đông vốn thiếu sự chuẩn bị sẽ đều nằm dưới tầm tên lửa của Iran.
Tuy nhiên, không phải vì những lý do trên Mỹ không chuẩn bị cho các đòn trả đũa. Vấn đề chỉ là việc Washington cần nhiều thời gian chuẩn bị cho một kế hoạch chu đáo hơn…
Iran diễn tập bắn đạn thật tên lửa phòng không S-300PMU2.
Đòn thù đến muộn thường đau
Để trả đũa, ngoài việc thực hiện không kích chớp nhoáng nhằm vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Iran, Mỹ còn có nhiều sự lựa chọn khác nguy hiểm không kém.
Mỹ và đồng minh hoàn toàn có thể tổ chức các đợt không kích nhằm vào lực lượng Iran đang hoạt động ở nước ngoài. Sự hiện diện quân sự của Iran tại Iraq và Syria đều nằm trong tầm với của lực lượng quân sự Mỹ.
Đòn trả đũa của Mỹ nhằm vào các đơn vị này khiến Iran chỉ có thể ngậm bồ hòn, khi sự hiện diện của các đơn vị này tại Syria và Iraq không mang tính chính danh. Tại Syria, các căn cứ của lực lượng Iran không ít lần bị Israel không kích. Với sự tham gia của Mỹ, đòn tấn công chắc chắn sẽ uy lực và hiệu quả hơn nhiều lần.
Ngoài ra, Mỹ có thể tiếp tục gia tăng áp lực lên Iran với việc tăng cường lực lượng tại hệ thống căn cứ bao vây Iran tại Trung Đông. Việc đẩy cao căng thẳng sẽ khiến lực lượng quân sự Iran luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Quá trình này kéo dài có thể khiến Tehran mắc sai lầm và đây chính là cơ hội để Mỹ ra đòn thù với sự chuẩn bị đầy đủ cả thế và lực.
Kịch bản Mỹ thực hiện đòn tấn công nhằm vào máy bay quân sự hoặc chiến hạm Iran tại vùng Vịnh với lý do khiêu khích hoặc gây nguy hiểm cho lực lượng quân sự đồn trú trong khu vực là hoàn toàn có thể.
Điều này từng có rất nhiều tiền lệ trong quá khứ. Tuy nhiên, hành động này chỉ xảy ra khi Mỹ đã có chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và trang bị trong khu vực.
Có thể nói, việc Mỹ chưa có đòn trả đũa ngay sau sự việc chiếc MQ-4C bị bắn rơi không phải là điều tốt cho Iran. Washington chắc chắn đang chuẩn bị và sẽ ra đòn khi có cơ hội. Tehran nên cẩn thận…