Để doanh nghiệp thành công trên sân nhà

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng có xu hướng sản xuất, khai thác và tận dụng triệt để thị trường trong nước, trong tỉnh.

Số liệu thống kê Quý I- 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh đạt 24.797,4 tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 29,6%; nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng tương ứng 3,1 lần và 48,3%, do nhu cầu hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Con số này cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt. Việc khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm dư địa duy trì tăng trưởng dài hạn.

Công ty Cổ phần May Đông Bình cung cấp các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa.

 

Khoảng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong bắt đầu quay trở lại với thị trường trong nước. Nếu như trước kia, hơn 60% sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một số khách hàng ở châu Âu đã tìm đến tham quan và đặt mua sản phẩm, đồng thời, những khách hàng này còn khuyến khích một số doanh nghiệp mở văn phòng giao dịch tại Châu Âu. Song từ khi thị trường Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng băng kéo theo các doanh nghiệp nhập khẩu tại Đồng Kỵ cũng lao đao. Ông Vũ Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Mỹ nghệ Hưng Long (Đồng Kỵ) cho biết: Để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ đã thay đổi đối tượng mua bán hàng, ưu tiên khách nội địa. Mặc dù mặt hàng tiêu dùng chính của thị trường nội địa chỉ là các sản phẩm từ gỗ hương, gỗ mun có giá thành vừa phải, song nhu cầu khá ổn định, có thể coi là giải pháp tốt để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu của làng nghề truyền thống trong thời gian tới.
Tương tự, trước đây Công ty CP May Đông Bình (huyện Gia Bình) chỉ tập trung gia công các đơn hàng xuất khẩu thì từ 3-5 năm trở lại đây, đơn vị cũng chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, chú trọng đến các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước. Do ứng dụng giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing để nâng cao chất lượng, mẫu mã, phát triển những thương hiệu mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Song song với đó là đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm về cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử, dịch vụ hậu mãi ngày càng tốt hơn nên sản phẩm của Công ty từng bước được người tiêu dùng đón nhận…
Theo đánh giá, thị trường nội địa tỉnh với quy mô gần 1,5 triệu dân còn thị trường trong nước quy mô gần 100 triệu dân, cùng với đó, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên đây là “miếng bánh” hấp dẫn để doanh nghiệp khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải có giá cả, chất lượng cạnh tranh hàng ngoại nhập. Vì vậy, với nhiều doanh nghiệp để quay trở lại sân nhà đòi hỏi Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng mối liên kết với nhà bán lẻ… Qua đó kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.
Để doanh nghiệp đưa ra sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, ngành Công Thương nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, qua đó doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Chính quyền các địa phương ưu tiên hỗ trợ thủ tục thuê mặt bằng, tổ chức các chương trình bình ổn giá, giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi… giúp doanh nghiệp nội địa đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm. Tương tự, cũng cần có giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước, tăng tiêu dùng nội địa. Bởi chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.
Có thể khẳng định trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa là cứu cánh cho các doanh nghiệp trong nước. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm dư địa duy trì được tăng trưởng dài hạn. Để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thành công trên sân nhà, ngoài những hỗ trợ của các cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp nội địa cũng cần  củng cố lại sản phẩm của mình sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt. Đồng thời lựa chọn cho mình một phần khúc phù hợp để có được dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.

Lâm Dương
Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/-e-doanh-nghiep-thanh-cong-tren-san-nha