Người giỏi thì thường bị ghen ghét đố kỵ, thậm chí là đánh gục – đó là một trong những thói xấu đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người. Nhưng đến khi được đưa vào đề văn thi vào lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người mới chợt giật mình nhận ra.
“Tớ là cái cây cao nhất, tớ nổi bật nhất”.
“Cậu đừng tự tin như thế, tớ sẽ có cách để cưa bớt cậu, làm cho cậu thấp hơn. Và tớ sẽ nổi bật nhất”.
“Còn tớ thì sẽ không làm gì cậu. Tớ sẽ cố gắng từng ngày để mình cao hơn. Và đến lúc nào đó tớ sẽ nổi bật nhất”.
“Với tớ thì việc cậu cao hay thấp hơn tớ không quan trọng. Tớ không thích so sánh mình với người khác”.
Đó là một đoạn trích trong đề thi Văn vào lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề bài yêu cầu học sinh phải viết bài ngắn khoảng một trang bàn về cách ứng xử của 4 cái cây ấy.
Khi những đề thi Văn đã không còn gò mình trong khuôn mẫu văn bản sách giáo khoa hay những chủ đề lặp đi lặp lại, người ta thấy sự cập nhật, mới mẻ và sáng tạo trong từng câu hỏi.
Với tôi, câu chuyện của 4 chiếc câu trong đề thi Văn năm nay như câu chuyện cuộc đời của mỗi người – chúng ta, và có lẽ các em học sinh sẽ tự soi vào câu nói của 4 cây đó và thấy mình phảng phất đâu đó trong mỗi câu chuyện. Một đề thi khiến bao người phải ngẫm nghĩ: Rằng nếu mình là một thí sinh ngồi trong phòng đó, bạn sẽ chọn mình là cây nào?
Không mấy người sẽ dám tự nhận mình là cây số hai, cành cây của sự đố kỵ và ghen ghét, nhưng hóa ra, đó không phải câu chuyện hiếm gặp. Đôi lúc trong cuộc sống, tôi thấy cành cây số 2 vươn lên dần trong bản thân mình hoặc những người xung quanh.
Đề văn khiến tôi nghĩ đến một trích đoạn trong bộ phim “Thiên Nga Đen”. Khi Lily thông báo với Nina rằng cô sẽ diễn vai Thiên Nga Đen, Nina đã tìm cách hãm hại cô và trở lại sân khấu, diễn trọn vai Thiên Nga Đen. Dù bộ phim phảng phất dấu ấn của những câu chuyện tâm lý phức tạp, người xem vẫn thấy sự đố kỵ và cạnh tranh của những cô gái – và một màn “cưa bớt” ảo tưởng khiến người xem không khỏi sững sờ.
Nhưng đó có phải chỉ là câu chuyện của một bộ phim không? Không, đó là câu chuyện của hàng trăm bộ phim, tiểu thuyết, những bài báo. Ghen ghét, đố kỵ, hạ gục nhau chỉ đơn thuần là tính cách của con người nhưng dường như, người ta hay thấy phụ nữ bì tị, ganh ghét nhau. Đơn giản là vì đàn ông có thể che giấu cảm xúc của mình tốt hơn còn phụ nữ hay thể hiện ra bên ngoài với nhiều ồn ào.
Trớ trêu thay, cuộc đời lại cứ gán cho phụ nữ những câu nói như “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”. Bảo sao người ta không so bì với nhau với những thứ định hình lên giá trị của họ – như một tấm chồng?
Bạn sẽ thấy đề văn này quen thuộc, sẽ ngập ngừng một chút khi tự vấn bản thân, rằng mình đã từng có những câu nói hoặc thậm chí là suy nghĩ như vậy. Phụ nữ so bì với nhau trong từng thứ nhỏ nhặt của cuộc sống mà tôi có dịp thấy: Một chiếc váy mặc trùng nhau khi đi đám cưới, tóc cùng cắt một kiểu nhưng ai đẹp hơn, đi du lịch ai chụp ảnh đẹp hơn. Dĩ nhiên, những thứ to tát hơn sẽ luôn bùng thành cuộc chiến: Công việc, con cái, gia đình và cả chuyện tình cảm, gia đình. Đã có không ít những câu chuyện thương tâm xuất phát từ tư tưởng kia, khiến sự ghen ghét thực sự trở nên nguy hiểm.
Khi đi họp phụ huynh cho con, mẹ của một bé khác nhìn sang bảng điểm của con tôi, khen rằng cháu học giỏi quá, tôi chỉ cười cảm ơn, trong lòng có chút tự hào. Câu chuyện qua lại vài lời với nhau thôi mà hôm sau, con bé nhà tôi đi học về khóc thút thít, nói là bạn kia – con của vị phụ huynh đó, nói với con tôi rằng vì tôi quen biết nhà cô giáo nên con tôi được điểm cao.
Phụ nữ ghen ghét đố kỵ – chao ôi chắc có phải viết cả một cuốn sách cũng không kể hết. Người tổn thương sau những câu chuyện như vậy, suy cho cùng vẫn là họ mà thôi – những người phụ nữ tự làm tổn thương nhau. Nhìn đâu cũng thấy đầy chuyện như vậy, đặc biệt trong môi trường công sở.
Đã không biết bao lần, tôi được chứng kiến những bạn gái trẻ, từng chơi rất thân thiết với nhau, làm chung một công ty rồi đến một ngày không còn nhìn mặt. “Nó thấy em được sếp quý nên hay bắt em làm nhiều việc rồi mách với sếp em đi làm muộn”, “Lương thấp hơn lương em nên lúc nào nó cũng lấy cớ lương thấp rồi đùn đẩy việc cho em làm”, “Mới ra trường có tí kinh nghiệm mà vênh váo, coi chừng đi làm rồi người ta dìm cho không ngóc đầu lên nổi” – bạn từng nghe được những câu chuyện như vậy rồi đúng không? Chắc chắn là rất nhiều vì đó chỉ là số ít lời xì xào, xầm xì sau lưng tôi được nghe.
Tôi hiểu những người như vậy, họ không sống trong thế giới của mình hay niềm vui của bản thân mà bằng sự công nhận của người khác nên luôn mải miết ganh đua với cuộc đời. Trong văn phòng công ty, trong lớp học, trên mạng xã hội, ở quán cà phê thậm chí là cả đi chợ, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười của những người phụ nữ cò kè nhìn nhau xem nhà nào ăn sang hơn cũng thành chủ đề để móc mỉa.
Tôi biết có những người thực sự vươn lên với sự nghiệp của bản thân hay chọn cách sống lánh xa những rối ren, vòng ganh đua luẩn quẩn. Có những người muốn thành công bằng cách giẫm lên sự cùng cực của người khác. Từ thái độ ghen ghét, đố kỵ, có nhiều người lựa chọn chà đạp lên người khác, nhưng có người lấy đó làm động lực để vượt lên.
Con đường tới thành công có nhiều cách, câu hỏi đặt ra là tại sao họ chọn cách bần tiện nhất? Vì rõ ràng, bạn không nhất thiết phải chọn cuộc sống của cây số hai khi cuộc đời còn mở ra cho bạn câu chuyện của cây ba và cây bốn – những khía cạnh tích cực, tử tế, tốt đẹp của mỗi người.
Đây không phải câu chuyện về nguyên nhân – giải pháp – hậu quả cho bài học về sự đố kỵ, ghen ghét. Chúng ta không có một mẫu số chung cho vấn đề này mà chỉ cố gắng nhìn nhận những điều tích cực từ đó. Đôi khi tôi cũng tặc lưỡi cho qua, “ghen tị với nhau một chút cũng không sao”. Bản chất của con người là vậy, ai biết điều chỉnh sao cho phù hợp với cuộc sống sẽ thấy thoải mái, còn kỳ thực, không ai có thể thoát ra được khỏi những khoảnh khắc như vậy.
Cuộc đời mỗi người cũng sẽ như những chiếc cây. Việc chúng ta lớn lên không phải điều quan trọng vì sớm hay muộn, những chồi non sẽ vươn lên như con người dần trưởng thành. Điều quan trọng là cách chúng ta hành xử với những cây khác khi cùng vươn lên và cách thức để đạt được thành công trong cuộc sống – như một “ngọn cây cao nhất”.
Sẽ không ai có thể chắc chắn rằng, chúng ta sẽ mãi là một cây hai xấu xa, cây ba nỗ lực hay cây thứ tư không màng đến mọi thứ xung quanh, chẳng đố kỵ hay ghen ghét. Ở mỗi thời điểm khác nhau, một mầm cây của sự tử tế hay đố kỵ sẽ vươn lên trong lòng mỗi người, ai biết tưới tắm, vun vén những mầm như nào thì sẽ có câu trả lời trọn vẹn cho đề thi Văn kia và cuộc đời mình.
Còn bạn, ở thời điểm hiện tại, bạn thấy mình đang là cây nào?