ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về hàng hóa bị cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ô tô nhập khẩu, phục vụ triển lãm bị cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam là hiện tượng mới xuất hiện.

Tịch thu ô tô trưng bày có “đường lưỡi bò” phi pháp

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 6/11, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, vừa qua báo chí đăng nhiều thông tin về việc cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc vào hàng hóa ở Việt Nam như quả địa cầu, ô tô gắn định vị, phim ảnh; vậy trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao và có biện pháp gì để không tái diễn?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù đã xảy ra ở một số sản phẩm văn hóa, phim ảnh nhưng việc các phần mềm điện tử trong ô tô nhập khẩu, ô tô phục vụ triển lãm bị cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia Việt Nam là hiện tượng mới xuất hiện.

Ngay sau khi phát hiện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, kiểm tra. Trước mắt, Bộ thống nhất với Tổng Cục Hải quan là đối với ô tô phục vụ tổ chức triển lãm có cài cắm “đường lưỡi bò” trái phép trong phần mềm sẽ tiến hành tịch thu, xung công.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý về mặt pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn, tránh những trường hợp tương tự.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về hàng hóa bị cài cắm đường lưỡi bò phi pháp - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, đối với một doanh nghiệp tổ chức nhập khẩu xe ô tô vào Việt Nam kinh doanh, có phần mềm dẫn đường bị cài cắm bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, Bộ đã làm việc và yêu cầu triệu tập, thu hồi tất cả các sản phẩm này.

Bộ đã tạm thời dừng giấy phép nhập khẩu ô tô, kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi doanh nghiệp thực hiện xong phần trách nhiệm xử lý của mình.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hiện có lỗ hổng trong pháp lý trong vấn đề này và Bộ Công Thương, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin – Truyền thông cần rà soát, hoàn thiện để đảm bảo không xảy ra vụ việc tương tự trong tương lai.

Có doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt để xuất khẩu

Đại biểu Phạm Văn Hòa sau đó đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trước thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến phức tạp.

Ông Trần Tuấn Anh trả lời, Chính phủ đã chủ động xây dựng các đề án phòng vệ thương mại và có 5 nhóm giải pháp phân công cho các Bộ, ngành. Bộ Công Thương công bố danh sách 25 mặt hàng cảnh báo sớm có nguy cơ bị lợi dụng gian lận thương mại, chẳng hạn có 25 mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có mặt hàng có nguy cơ cao như điện tử, gỗ dán…

Bộ xây dựng cũng có Thông tư về dừng nhập, xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ, vì đây là mặt hàng có nguy cơ lớn về gian lận thương mại khi tăng trưởng hơn 400% năm qua.

Cũng trong phiên chất vấn chiều 6/11, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi xuất khẩu sang nước khác, dù được cảnh báo từ lâu song chậm xử lý, nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hàng Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu vào các nước trên thế giới với ưu đãi thuế quan thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, cũng đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng Việt Nam để tranh thủ ưu đãi về thuế quan.

Ông dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Ngoài ra, loạt lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày… cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện.

“Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các Bộ, ngành xử lý. 

Chúng ta không chậm trễ và không gây tổn hại, ảnh hưởng đến quan hệ với các đối tác của ta. Như với Hoa Kỳ, chúng ta có tăng trưởng xuất khẩu mạnh và cũng có thể có tình trạng lợi dụng xuất xứ do Hoa Kỳ cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ chứ không sử dụng chứng nhận xuất xứ của cơ quan chức năng nước xuất khẩu, nhưng với chỉ đạo mạnh mẽ, chặt chẽ, ta đã phối hợp với cơ quan chức năng Hoa Kỳ xử lý”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, đồng thời cho biết và chúng ta có tăng trưởng rất cao ở thị trường Hoa Kỳ và vẫn giữ quan hệ thương mại thuận lợi trong hợp tác với nước này cũng như các đối tác khác.