Bác sĩ dù nỗ lực cứu chữa nhưng vẫn đinh ninh anh khó lòng sống sót. Kỳ diệu thay, Sỹ Luân hồi phục không ngờ dù sau đó, anh rơi vào trạng thái mất trí nhớ tạm thời.
Mua xe hơi từ năm 2 đại học nhờ đi hát và sáng tác
Nhìn ngoại hình của Sỹ Luân, ít ai nghĩ rằng cha anh là người gốc Campuchia sinh trưởng và sinh sống tại đất nước Chùa Tháp. Ông cưới mẹ anh là một phụ nữ gốc Việt sinh sống tại đó. Nạn diệt chủng Pol-pot gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân nên cha của Sỹ Luân đã dìu dắt cả nhà về Việt Nam.
Ở độ tuổi thiếu niên, cha anh đã vào chùa tu trả hiếu 2 năm. Chính vì vậy, mà cả cha và mẹ Sỹ Luân có một nền tảng đạo đức rất vững chắc. Ông khuyên dạy anh phải sống hiền lành, thật thà và tránh xa những trận đánh nhau của tuổi học trò.
Sỹ Luân lớn lên trong môi trường gia đình như thế nên anh sớm quy y Phật pháp. Thầy của anh chính là hòa thượng Thích Thanh Từ trụ trì Trúc Lâm thiền viện. Vì bản chất nhu hòa nên ngoài giờ học, Sỹ Luân chỉ biết về nhà lo học bài hoặc theo cha mẹ vào chùa.
Ca sĩ Sỹ Luân. (ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)
Ngoài các việc ấy, Sỹ Luân có một niềm đam mê lớn nhất đó là âm nhạc. Nhà nghèo không có điều kiện đi học thầy hay vào trường nên Sỹ Luân tự mày mò học chơi nhạc cụ, hoc sáng tác. Tưởng rằng đó chỉ là niềm vui nhỏ nhoi và riêng tư, nhưng đến một ngày tài năng của Sỹ Luân được phát hiện.
Anh được mời đi hát. Tuổi đôi mươi với tâm hồn trẻ trung đã giúp cho Sỹ Luân tạo ra những âm điệu vui tươi, hồn nhiên phảng phất sự lãng mạn của tuổi chớm yêu.
Khởi đầu Sỹ Luân được mời hát trong phạm vi trường học, sau đó, anh bắt đầu mở rộng ra sân khấu chuyên nghiệp.
Khi Sỹ Luân tung ra ca khúc “Áo dài ơi“, rồi sau đó là bản hit “Mắt nai chachacha”, anh đã trở thành một ca nhạc sĩ nổi tiếng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Mới năm 2 đại học, từ một chàng trai nghèo, Sỹ Luân đã có tiền mua xe hơi nhờ lịch làm việc dày đặc: từ đi hát tới sáng tác ca khúc, thu âm và biên tập âm nhạc.
Sỹ Luân nhớ lại: “Tôi sắm được xe thuận tiện đi làm nhưng nhìn lại thấy cha mẹ ở trong căn nhà đã xuống cấp, mục nát, tôi quyết định bán xe xây nhà mới.
Cha mẹ cản nhưng tôi thấy điều đó cần thiết và cha mẹ thực sự hạnh phúc khi có chỗ trú khang trang hơn trước. Hơn nữa, ngôi nhà ấy chính là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên của gia đình tôi“.
Điều đặc biệt hơn, ngay từ những ngày đầu đi hát, Sỹ Luân tình nguyện hát phục vụ tại chùa. Anh cũng hăng hái tham gia hát cho các chương trình từ thiện của nhà nước, nhà thờ hay các nhóm tổ chức xã hội. Trong các chương trình ấy, hầu như Sỹ Luân không nhận catse.
Sỹ Luân thường xuyên hát cho các chương trình từ thiện và không nhận catse.
Tai nạn thảm khốc và sự hồi sinh kỳ diệu
Người đời thường nghĩ người ăn ở hiền lành sẽ luôn được ơn trên che chở an toàn. Sỹ Luân sống hiếu đạo với cha mẹ, một lòng phục vụ cho cộng đồng nên mọi người nghĩ rằng những điều khắc nghiệt sẽ không đến với anh.
Vậy mà, Sỹ Luân đã gặp một tai nạn giao thông tưởng chừng như vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời.
“Diễn xong trở về nhà, tôi chạy xe máy đến khúc cua, bất ngờ có hai người băng ngang đường nên tôi phải thắng gấp.
Cả người tôi nhấc bổng lên cao rồi rơi tự do cắm đầu xuống đường bất tỉnh. Sọ não tôi bị chấn thương nghiêm trọng phải phẫu thuật hai lần.
Bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng trong thâm tâm họ cảm nhận khả năng tôi chết nhiều hơn có thể sống sót. Nhưng kỳ diệu thay tôi đã hồi phục.
Khi tỉnh dậy, tôi không còn nhận ra người xung quanh. Mọi chuyện đã xảy ra trong quá khứ bị xóa sạch“, Sỹ Luân nhớ lại tai nạn kinh hoàng xảy ra vào năm 2009.
Theo Sỹ Luân, anh chỉ còn nhớ mỗi mẹ của mình. Khi đi dạo trong bệnh viện, thấy mọi người chào hỏi mình thân thiện, anh không biết vì sao nhiều người yêu mến mình. Trong thời gian đó, Sỹ Luân thường chìm vào những giấc mơ tiền kiếp.
Những giấc mơ trong trạng nửa hư, nửa thực ấy như mách bảo Sỹ Luân rằng ở một khoảng thời gian nào đó anh từng là một tu sĩ. Trong lúc Sỹ Luân mất sạch trí nhớ, mẹ anh cho anh nghe kinh Phật. Kỳ diệu thay đến một lúc anh dần dần nhớ lại mình là ai.
Rồi Sỹ Luân tập chơi nhạc và tập hát lại. Âm nhạc đã in sâu trong tiềm thức nên khi được khơi gợi lại thì tuôn trào. Nhưng Sỹ Luân rất hay quên. Anh quên lời hát. Quên lịch đi hát. Quên cả đường đi. Phải mất thêm một thời gian tập luyện, trí nhớ của Sỹ Luân mới ổn định lại hoàn toàn.
Theo lời Sỹ Luân thì gia đình anh có truyền thống theo đạo Phật.
Khi được hỏi nghĩ gì sau tai nạn chết người ấy. Sỹ Luân suy ngẫm: “Tôi nghĩ mỗi người có một định số. Nếu hồng phước của tôi không đủ, có thể sinh mệnh của tôi đã được định đoạt ở tai nạn ấy. Thế nhưng tôi may mắn vượt qua và giờ đây tôi thấy an lành“.
Theo Sỹ Luân, sau cuộc hồi sinh đó, anh không còn có thể sáng tác thể loại âm nhạc như trước đây. Anh đi sâu vào nhạc đạo, có sự suy niệm về đạo lý nhân sinh và nhiều khán giả thích phong cách nhạc này của anh.
Trái tim yêu thương
Tính đến năm 2019, Sỹ Luân đã đi hát tròn 20 năm. Để đánh dấu cho sự kiện đặc biệt này Sỹ Luân thực hiện dự án âm nhạc Trái tim yêu thương. Theo đó, Sỹ Luân sẽ hướng tới mục tiêu quyên góp 500 triệu đồng để ủng hộ cho trẻ em mồ côi bệnh tật và người già neo đơn.
Các nghệ sĩ sẽ trình diễn trong dự án này gồm rất nhiều ngôi sao nổi tiếng. Trong đó có NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Thanh Thủy, MC Thanh Bạch, ca sĩ Phương Thanh, Lam Trường…
Dự kiến show diễn đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 8/2019 tại Singapore. Kế đến sẽ diễn phục vụ tại Việt Nam.
Theo Sỹ Luân dự án âm nhạc này sẽ cố gắng phục vụ định kỳ 1 năm 2 lần. Một lần tại các nước có cộng đồng người Việt sinh sống và một lần diễn ra trong nước. Toàn bộ tiền thu được đều phục vụ công việc thiện nguyện.