Phát ngôn lầm lẫn, tấn công chính quyền của chính mình, ông Trump vẫn băng băng tiến về nhiệm kỳ 2

Tổng thống Trump đã có 9451 tuyên bố sai hoặc gây hiểu lầm trong 801 ngày, theo The Washington Post. Ảnh: AP.

Theo khảo sát mới nhất của Rasmussen, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump ở mức 51%, chứng tỏ các chỉ trích của giới tinh hoa nhắm vào ông, không là gì so với sư ủng hộ của cử tri.

Phát ngôn lầm lẫn, vô nghĩa

Những tuần gần đây đã chứng kiến một loạt các Tweet, phát ngôn cường điệu và quá khích của ông Trump trong các cuộc họp báo. Đôi khi, là cả những từ vô nghĩa, chẳng hạn như khi ông Trump gọi CEO của Apple là Tim Apple thay vì Tim Cook.

Ban đầu, ông Trump đã cố gắng giải thích rằng ông thực ra đã nói Tim Cook, Apple với từ “Cook” được phát âm nhỏ, nhưng sau đó lại đăng một lời giải thích thậm chí còn rắc rối hơn trên Twitter cá nhân: ông đã gọi Tim Apple là để tiết kiệm thời gian và từ ngữ.

Ngoài ra, ông Trump còn liên tục dùng sai từ “nguồn gốc” (origin) thành “quả cam” (orange) trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước khi ông đặt câu hỏi về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử của công tố viên Mueller.

“Tôi hy vọng bây giờ họ xem xét vào những quả cam, những quả cam của cuộc điều tra”, ông nói. Cũng trong phiên họp này, khi ngồi cạnh tổng thư ký Nato, ông Trump tuyên bố, cha ông là người Đức và được sinh ra tại một nơi rất tuyệt vời ở Đức.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump dựng lên một câu chuyện về nguồn gốc của cha mình, người sinh ra ở New York.

Theo số liệu mới nhất của The Washington Post, ông Trump đã đưa ra 9.451 tuyên bố sai hoặc gây hiểu nhầm trong 801 ngày. Trong 200 ngày, ông đưa ra trung bình 22 tuyên bố sai/ngày, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ được ghi nhận trong năm đầu tiên nhậm chức.

Như Tony Schwartz, tác giả viết tiểu sử của Trump, người chấp bút cho cuốn tự truyện Nghệ thuật đàm phán (The art of deal) đã nói, thực tế là hầu hết chúng ta đều bị ràng buộc bởi sự thật, điều đó mang lại cho Trump một lợi thế kỳ lạ, thông qua việc ông hoàn toàn coi thường nó. Nhưng điều này hiệu quả với cử tri của ông.

Phong cách lãnh đạo đơn phương

Khi hướng tới chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Trump hành xử hoàn toàn không giống bất cứ người tiền nhiệm nào. Các Tổng thống Mỹ, biết rõ rằng họ sẽ sớm phải đối mặt với các cử tri một lần nữa, thường đã dành năm thứ 3 tại vị để tìm kiếm những thành tựu lập pháp. Ví dụ như Tổng thống George W. Bush đã ký thông qua việc cắt giảm thuế lớn.

Trong 2 tuần qua, Tổng thống Trump đã cho thấy tín hiệu rằng ông sẽ theo đuổi một chiến lược tái tranh cử cho phép Tổng thống hành động đơn phương, xoay quanh hai trụ cột là chính sách kiếm tiền dễ dàng và đàn áp cứng rắn đối với người nhập cư.

Trong 6 tháng qua, Tổng thống Trump đã chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell vì đã tăng lãi suất và thiếu nhạy cảm đối với thị trường và cân nhắc việc sa thải ông Powell vì ông Trump muốn giảm lãi suất, trái ngược với ông Powell.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đầu năm nay, tín hiệu FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất đã đẩy cổ phiếu lên mức cao gần kỷ lục. Điều này làm cho thị trường ủng hộ ông Trump nhiều hơn.

Các đồng minh của ông Trump đang thúc đẩy điều này hơn nữa. Vào Chủ nhật, một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy, phần lớn những người tham gia thị trường mong đợi Trump sẽ giành được nhiệm kỳ thứ hai.

Về vấn đề an ninh nội địa, động thái gần đây nhất là Bộ trưởng Kirstjen Nielsen và các quan chức hàng đầu khác của Bộ An ninh Nội địa từ chức vì phản đối chính sách nhập cư của ông Trump.

Không muốn mặc cả với đảng Dân chủ để cải cách luật nhập cư, ông Trump đang ngày càng trở nên kích động. CNN đưa tin rằng ông đã gây áp lực với người thay thế Nielsen, Kevin McAleenan, để ngăn những người xin tị nạn vào Mỹ. Nhưng việc có những động thái cứng rắn để hạn chế nhập cư, mặc dù là vi hiến, đóng vai trò quan trọng trong bầu cử hơn cả việc liệu điều đó có thực hiện được không.

Từ một góc độ, cách tiếp cận của Trump đối với việc tái tranh cử trông giống như một thảm họa: có được tỷ lệ ủng hộ trung bình và đang tấn công chính quyền của mình. Ngày bầu cử vẫn còn một chặng đường dài. Nhưng theo Gallup, tỷ lệ ủng hộ hiện tại của Trump (45%) cao hơn người tiền nhiệm Barack Obama cùng trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ (44%) và chỉ kém Tổng thống Bill Clinton (48%). Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, chiến lược đi một mình của Trump, có vẻ hoàn toàn khả thi, Joshua Green, nhà bình luận của Bloomberg nhận định.