Theo TS Khiêm, sau khi cập nhật điều kiện khí quyển ban đầu, hệ thống cao cận nhiệt đới, các mô hình dự báo đều cho rằng quỹ đạo di chuyển của bão Mangkhut lệch lên phía Bắc hơn.
Sau khi quét qua Philippines và đổ bộ vào Trung Quốc, siêu bão Mangkhut (bão số 6) đều gây ra những thiệt hại nặng nề với sức gió giật từ 160 – 250 km/h. Thống kê ban đầu cho thấy, trước khi tiến về Quảng Đông (Trung Quốc) siêu bão Mangkhut đã khiến ít nhất 64 người thiệt mạng tại Philippines và hơn 200 người bị thương tại Hồng Kông.
Trước khi siêu bão Mangkhut vào Biển Đông, các mô hình dự báo trên thế giới và Việt Nam đều cho rằng cơn bão này sẽ di chuyển lệch xuống phía Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, bão số 6 lại đi lệch lên phía Bắc và đổ bộ vào Trung Quốc.
Lý giải về việc này, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho hay, đường đi của bão về mặt lý thuyết khá phức tạp vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong đó, có các yếu tố chính như: Yếu tố ngoại lực – yếu tố này phụ thuộc vào dòng dẫn đường quy mô lớn, cụ thể chính là cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương. Do đó, bão chủ yếu đi theo dòng dẫn đường quy môn lớn, chính xác là bão đi ở rìa khí áp của cao cận nhiệt đới.
Bên cạnh ngoại lực còn có yếu tố nội lực gồm có quán tính, cụ thể, bản thân khi bão dịch chuyển luôn có yếu tố quán tính.
Cảnh đổ nát, hoang tàn tại Hồng Kông. Ảnh: Carl Jones.
Yếu thố thứ 3 là ma sát, khi bão di chuyển ở vùng biển hay vùng đệm đất liền thì quỹ đạo dịch chuyển sẽ khác.
Đối với cơn bão số 6 (Mangkhut), hướng dịch chuyển cũng phụ thuộc vào các yếu tố như quán tính, ma sát và dòng dẫn đường như trên.
TS Khiêm nói, đối với cơn bão mạnh như Mangkhut, dòng dẫn đường đóng vai trò rất quan trọng.
Cụ thể, khi bão Mangkhut bắt đầu hình thành ở vùng biển ngoài khơi phía Đông của Philippines, trên hệ thống khí quyển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tồn tại hệ thống cao cận nhiệt đới, lúc đó hệ thống cao cận nhiệt đới nằm lệch và sâu xuống phía Nam.
Chính vì vậy, hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới sử dụng điều kiện khí quyển ban đầu như thế và kết quả dự báo dài trước 3-5 ngày đều cho rằng quỹ đạo của bão Mangkhut có xu hướng đi lệch xuống phía Nam, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, 2-3 ngày sau, tất cả các mô hình phải cập nhật lại điều kiện khí quyển ban đầu, hệ thống cao cận nhiệt đới nói trên lại có xu hướng đi lệch lên phía Bắc một chút.
Các mô hình dự báo sau khi cập nhật các điều kiện đó, thì hầu hết lại cho rằng quỹ đạo di chuyển của bão Mangkhut lệch lên phía Bắc hơn so với dự báo trước đó 2-3 ngày.
“Đây cũng chính là lý do mà dự báo ban đầu so với dự báo sau 2-3 ngày của hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới đều khác và cho thấy cường độ cơn bão Mangkhut này giảm hơn.
Thông thường bão di chuyển lệch lên hướng Bắc thì nguồn năng lượng cung cấp cho bão cũng thấp hơn do ma sát với nhiều vùng đệm đất liền”, TS Khiêm nêu rõ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, hiện nay, việc dự báo quỹ đạo bão, đường đi của bão, vị trí của bão đã được cải thiện rất nhiều.
Theo đó, dự báo trước 3 ngày, sai số về quỹ đạo bão là ở bán kính trên dưới 200km, tức khi ta dự báo bão sẽ ở vị trí điểm A, nhưng bão lại ở vị trí điểm B hoặc C trong bán kính 200km; còn dự báo trước 2 ngày thì sai số khoảng 150km; dự báo trước 1 ngày thì sai số khoảng 100km.
Còn đối với cường độ bão thì khó dự báo hơn vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố tương tác giữa các hoàn lưu địa hình dẫn đến sai số.
Cảnh báo mưa to, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo KTTV QG, dù không đổ bộ vào Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ sáng sớm ngày 17/9 đến ngày 19/9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150-200mm.
Khu vực Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50- 100mm, riêng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có mưa 100-150mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.
Trung tâm cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang.