Theo kịch bản gốc, bé Mai bị mắc bệnh tim. Đồng thời là một cô bé tự kỷ, hay than trách.
Sau gần 1 tuần công chiếu, bộ phim “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân đã gây được nhiều chú ý với khán giả. Bên cạnh những lời khen ngợi về diễn xuất, các pha hành động võ thuật trong “Hai Phượng”, vẫn có không ít ý kiến cho rằng kịch bản phim quá nhạt nhẽo.
Đặc biệt là cái kết của “Hai Phượng” khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì hơi quá “cổ tích” trong một bộ phim hành động đậm sệt như thế.
Mới đây, “đả nữ” Ngô Thanh Vân – nhà sản xuất đồng thời là người đóng vai chính trong “Hai Phượng” đã hé lộ một kịch bản hoàn toàn khác về bộ phim này.
Theo lời Ngô Thanh Vân, ban đầu, kịch bản “Hai Phượng” đã được xây dựng theo hướng day dứt hơn. Cụ thể là về số phận của bé Mai – con gái nhân vật Hai Phượng.
Trong bản công chiếu, Mai là một cô bé rất dễ thương và đáng yêu. Thế nhưng trong kịch bản gốc, Mai là một em bé tự kỷ và hay tự trách mẹ. Không những vậy, bé Mai còn mắc bệnh tim vì thế khoảng thời gian Hai Phượng phải cứu sống được con chỉ tính được bằng phút bằng giây.
Thế nhưng cuối cùng, vì cảm thấy cái kết đó quá bi thương, đồng thời gặp phải sự phản đối của nhà đầu tư vì liên quan đến tính nhân văn của bộ phim nên đã sửa chữa kịch bản.
Đó cũng có thể là lý do khiến một số cảnh quay về bé Mai đã giới thiệu trong trailer nhưng không được xuất hiện trong bản công chiếu.
Một cảnh quay trong phim “Hai Phượng”
Dưới đây là những chia sẻ của Ngô Thanh Vân liên quan đến vấn đề này:
“Bé Mai trong Hai Phượng đáng lý đã có cái kết bi thảm hơn.
Cách đây một năm khi bắt đầu lên kịch bản để viết nên hành trình Hai Phượng, chúng tôi nhận ra một việc rằng hầu hết các bộ phim Việt chiếu rạp đều có chung một kiểu kết cục đại đoàn viên.
Điều này nhìn chung không có vấn đề gì to lớn, nhưng muốn để lại trong lòng khán giả một nỗi ray rứt, trăn trở sau khi ra khỏi rạp thì Hai Phượng cần có một kiểu kết cục khác đi.
Khi xây dựng kịch bản gốc. Bé Mai đã không mạnh mẽ như những gì chúng ta chứng kiến hiện tại. Vốn dĩ cơ thể ốm yếu sức khỏe không đủ mạnh, cộng thêm hay bị ăn hiếp ở trường, nên những điều trên làm nên một bé Mai hay tự kỷ và tự trách.
Thêm vào đó, Bé Mai trong phiên bản cũ lại có chứng bệnh tim khó chữa từ khi lọt lòng và cuộc sống của hai mẹ con Hai Phượng cũng vất vả hơn vì phải đối diện với cái chết của Mai bất cứ khi nào.
Từ lúc bị bắt cóc, là chính khi căn bệnh tim của bé Mai trở thành chiếc đồng hồ đếm ngược, thúc đẩy Hai Phượng phải vượt qua tất cả mọi khó khăn để tìm con cho bằng được trong khoảng thời gian nhất định.
Chính vì lẽ đó mà hành trình của Hai Phượng không có điểm nghỉ ngơi, vì mỗi lần nghĩ đến bé Mai thì Hai Phượng được tiếp thêm sức mạnh.
Và cuối cùng, sau khi chiến đấu đến cùng và tìm ra được bé Mai, thì thật bất hạnh vì bé Mai đã chết vì căn bệnh tim và không chờ được nữa.
Cảnh tượng này sau khi test tất cả nhóm biên kịch cảm thấy quá bi thương. Và có quá nhiều sự phản đối từ nhà đầu tư cũng như công ty đại diện mua phim ở nuớc ngoài vì liên quan đến tính nhân văn của bộ phim cũng như không muốn khán giả có cái nhìn quá tiêu cực, bi quan cho tác phẩm cuối cùng.
Vì lẽ đó, trong phiên bản cuối cùng chiếu rạp, khán giả đã thấy bé Mai có một cái kết hạnh phúc bên Hai Phượng…”.