Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn ‘dành ghế’ ở Quốc hội cho đại biểu chuyên trách

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Hà đồng tình với quan điểm nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần 50-60% để “đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi”.

Góp ý về dự Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) tại tổ vào sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, đã đến lúc xem xét lại tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Ông nói, Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý ngành và lĩnh vực, nhưng thực tế các Bộ phân cấp cho các địa phương rất lớn. Vì vậy, đôi khi trên nghị trường đại biểu đưa ra những câu hỏi mà Bộ trưởng không nắm được để trả lời, bị nhân dân phê bình, “trong khi thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho UBND, HĐND và Chủ tịch UBND các địa phương”.

Ông Hà cho rằng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND là ĐBQH thì khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn. “Chúng tôi rất khó khăn”, ông Hà nói và đặt vấn đề, Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng cứ Bộ trưởng, Chủ tịch UBND là đại biểu Quốc hội không?

“Chúng tôi muốn chuyển phần này để Quốc hội không tăng số lượng, nhưng tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hà đồng tình với quan điểm nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần 50-60% để “đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi”.

Ông đề nghị tới đây đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải đóng vai trò lớn hơn trong công tác lập pháp, cụ thể là soạn thảo và trình các dự án luật, chứ không nên để đại đa số dự án luật do cơ quan lập pháp trình như hiện nay.

“Ở các Nghị viện trên thế giới họ có quyền chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào, chất vấn cả Chủ tịch UBND các địa phương nữa. Tôi nghĩ lần này sửa luật nếu thay đổi cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta”, ông Hà nêu quan điểm.

Ông nói thêm, tuy Quốc hội họp mỗi năm 2 lần nhưng thực tiễn vận động thường xuyên, do đó các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cần được trao vai trò, thẩm quyền để xử lý công việc.

Ông lấy ví dụ, trong thực tế có những luật mới ban hành xong nhưng lại gặp vướng mắc, chồng chéo nên chậm đi vào cuộc sống, có khi lại cản trở hoạt động. Không nên chờ đến khi Quốc hội họp mới giải quyết, mà nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ.

Cùng với đó, hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế, an ninh Quốc gia hệ trọng, cần giải quyết ngay, trong lúc Quốc hội không họp nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho kịp thời.

Cũng phát biểu tại tổ về việc cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, thực tế hoạt động Quốc hội cho thấy những người chuyên trách hoạt động hiệu quả do “họ làm việc toàn thời gian, nghiên cứu chuyên sâu”.

Theo bà Tâm, nhiều đại biểu không chuyên trách “ngay việc phát biểu ý kiến cũng e ngại vì sợ đụng chạm; điều này phần nào hạn chế khả năng nêu chính kiến”.

“Cảm nhận của tôi là cán bộ chuyên trách ở các Uỷ ban hiện nay ít quá, ví dụ tại Uỷ ban Tài chính ngân sách, nếu có thêm cán bộ chuyên môn thì thẩm tra ngân sách sẽ tốt hơn”, bà Tâm nêu.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 37-40% và quy định cứng trong Luật.

Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Trần Văn Quý cho hay, có Vụ trưởng khối các Bộ, ngành quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách, có thể quy hoạch là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội nhưng vẫn không phấn khởi, thậm chí có trường hợp “nằng nặc” xin ở lại.

“Với các nước phát triển khi được bầu là nghị sĩ chuyên nghiệp, đại biểu chuyên trách, người ta thấy rất vinh dự, hăng say gắn bó lâu dài.

Nhưng chúng ta không đạt được suy nghĩ như vậy. Rất nhiều cán bộ làm ĐBQH chuyên trách, kể cả Trung ương, địa phương đều mong muốn mình được chuyển sang vị trí công tác khác”, ông Quý nói.

Từ đó, ông Quý cho rằng, cần phải suy nghĩ để xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội cho tốt, để những người được quy hoạch là ĐBQH, nhất là hoạt động chuyên trách nhiệt tình hơn, tâm huyết gắn bó hơn.

Cũng theo ông Quý, cần xem đoàn ĐBQH là một bộ phận của Quốc hội đặt tại địa phương chứ không thể là một cơ quan của địa phương. “Do vậy, quy định tất cả các điều kiện đảm bảo hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH đều đẩy hết về địa phương tôi nghĩ không hợp lý”, ông nói.