Tết Trung thu đang đến thật gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm các hành vi vi phạm như sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), làm giả, làm nhái bánh của các thương hiệu lớn… dễ trà trộn, xuất hiện nhằm mục đích kiếm lời.
Đội QLTT số 3, Cục QLTT Phú Thọ kiểm tra, kiểm soát mặt hàng bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu 2024.
Vì vậy, để có một mùa Trung thu an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nhất là trẻ em, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà sản xuất chân chính, các lực lượng chức năng, nhà quản lý đã tăng cường giải pháp, kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường kết hợp sự chung tay của xã hội nhằm ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, không để nỗi lo hàng giả.
Những “nẻo đường”… vi phạm
Qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và cảnh báo của ngành chức năng, không khó để nhận ra các hành vi phạm xung quanh câu chuyện… bánh Trung thu, gây bức xúc cho xã hội. Bằng các phương thức, thủ đoạn khác nhau, kể cả “lối cũ ta về” nhưng điểm đến cuối cùng của những chiếc bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP… vẫn là có mặt trên thị trường, đến tay người tiêu dùng, mang lại tiền bạc cho những kẻ kinh doanh bất lương nhưng lại lấy đi sức khỏe cộng đồng, làm ảnh hưởng, thậm chí giảm sút niềm tin vào người sản xuất chân chính nếu bị mạo danh, lợi dụng thương hiệu. Dù với động cơ, mục đích gì, nguyên nhân nào thì bao trùm vẫn là sự coi thường pháp luật và mục tiêu lợi nhuận.
Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tạ Quyết, thị xã Phú Thọ chú trọng đảm bảo ATVSTP, là địa chỉ được nhiều khách hàng lựa chọn.
Đơn cử như một số trường hợp vi phạm điển hình mà báo chí đã từng đề cập. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai cao điểm kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu 2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT TP Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm, trong đó có 4 vụ là bánh Trung thu nhập lậu, buộc tiêu hủy gần 5.000 chiếc, tổng giá trị hàng hóa gần 50 triệu đồng. Vào khoảng 11h50 ngày 3/9, khi tuần tra trên tuyến vành đai 3 trên cao, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một xe ô tô chở khoảng 9 tấn bánh, kẹo, thực phẩm, rượu ghi nhãn mác bằng chữ Trung Quốc, không có hóa đơn, tem phụ, không chứng minh được nguồn gốc, trong đó có 200 thùng bánh Trung thu Trung Quốc với khoảng 1.600 chiếc bánh.
Trước đó, vào cuối tháng 8, lực lượng QLTT Hưng Yên kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh bánh, kẹo do bà N.T.N làm chủ tại xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên phát hiện 2.760 chiếc bánh Trung thu nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính số tiền 13,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số bánh nói trên. Trung tuần tháng 8, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra đột xuất cửa hàng bán bánh, kẹo trên đường Kỳ Đồng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng phát hiện, xử lý gần 1.800 bánh Trung thu nhập lậu. Cũng qua kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu 2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã phát hiện, tịch thu 2.031 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý theo quy định…
Sức mua các loại bánh Trung thu tăng cao tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn tỉnh.
Động thái từ phía lực lượng chức năng, nhà quản lý
Theo bà Chu Thị Thu Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương, ngay từ thời điểm tháng 8, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024. Theo đó, tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo ATVSTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh Trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em… Đồng thời, công bố công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Trong cùng động thái, Cục QLTT Phú Thọ cũng đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Trong đó, riêng với mặt hàng bánh Trung thu, giai đoạn trước Tết Trung thu kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Trong dịp tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đại lý, cửa hàng về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng…
Cửa hàng thương mại Vị Thi, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy bán nhiều loại bánh Trung thu có nguồn gốc xuất xứ, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
“Bên cạnh triển khai đồng bộ các biện pháp, quán triệt, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác QLTT trong thực thi công vụ, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các cấp chính quyền đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi cá nhân, tổ chức, đi đôi với kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm…”, ông Hà Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục QLTT Phú Thọ khẳng định.
Để trở thành “người tiêu dùng thông thái”, mỗi người khi mua bánh Trung thu cần lưu ý đến “cẩm nang” sau đây: Quan sát kỹ bao bì, nhãn mác sản phẩm, lựa chọn bánh được đóng gói kỹ lưỡng, không thủng, rách; hình ảnh, nhãn hiệu được in sắc nét, không mờ nhạt, có ghi hạn sử dụng, thành phần của bánh, thông tin cụ thể về hãng, cơ sở sản xuất. Quan sát hình dạng, nếu có điều kiện kiểm tra thử chất lượng của bánh, nhân bánh mềm, đủ vị, có hương thơm đặc trưng, không bị chảy, nhớt. Nên mua bánh ở những cửa hàng, siêu thị uy tín, có thương hiệu, tuyệt đối không mua bánh trôi nổi trên thị trường…