Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: N.T
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong chừng mực, cần xem xét giảm số lượng đại biểu HĐND cho hợp lý, nhưng không nên chỉ nhìn việc giảm một đại biểu thì giảm bao nhiêu tiền.
Sáng 10/6, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy và giảm đại biểu HĐND.
Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa Luật phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan, sát với thực tiễn, yêu cầu đề ra, tránh chủ quan, duy ý chí.
Bà ví dụ, trong đánh giá tác động, chỉ có 1 tỉnh đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND, nếu chỉ dựa vào một ý kiến đó mà đưa vấn đề này ra thì liệu có hợp lý?
“Mặc dù Đảng đã có Nghị quyết về vấn đề này, nhưng cũng phải dựa trên thực tiễn để đánh giá”, bà cho hay.
Theo bà Quyết Tâm, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, có vị trí rất quan trọng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND cũng có vị trí, vai trò quyết định những vấn đề quan trọng cho sự phát triển của địa phương, có chức năng giám sát, đưa pháp luật vào cuộc sống…
“Vì vậy, đi kèm theo đó, phải tổ chức ra HĐND các cấp như thế nào cho phù hợp, chứ không phải chỉ đưa ra mục tiêu giảm biên chế, rồi đi ngược lại với mục đích xây dựng Luật cũng như quan điểm Chính phủ đưa ra”, bà Tâm nêu.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, hai nội dung quan trọng trong lần sửa đổi lần này là cơ chế ủy quyền và vấn đề tổ chức bộ máy.
Bà nói, khi đặt ra vấn đề này, cần xem năng lực, bộ máy ở địa phương có thể làm gì? Phân định, phân công ra để làm tốt công việc, chứ không phải “tranh giành” lẫn nhau, cơ quan này làm việc này, cơ quan kia làm việc kia.
Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý trong chừng mực nào đó cần phải xem xét giảm số lượng đại biểu cho hợp lý. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, không nên chỉ nhìn vào việc giảm một đại biểu thì giảm bao nhiêu kinh phí.
“Đánh giá tác động như vậy là phiến diện. Mặc dù đồng tiền của dân, đóng thuế trong dân rất quan trọng, nhưng để nói giảm bao nhiêu tiền khi giảm số lượng đại biểu thì có gì đó rất thiển cận, đau lòng. Tại sao lại đưa ra cái nhìn như vậy?
Điều quan trọng, phải đánh giá xem có làm đúng vai trò của người đại diện cho dân hay không? Với Phó Chủ tịch HĐND cũng vậy, phải đánh giá trên hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy đó để tính toán, chứ không phải vấn đề tiền, hay chỉ máy móc là vấn đề biên chế…
Cần xem xét trên tinh thần khách quan. Đừng vì yếu tố nào đó mà chúng ta đánh mất đi vai trò vị trí của cơ quan dân cử”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, không nên cứng nhắc quá mà chỉ “cứng” quy định quản lý về biên chế chuyên trách HĐND. Tuỳ tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch sao cho phù hợp.
“Số lượng cấp phó sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó quy định từng cấp”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu.
Giải trình ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, đối với Thường trực HĐND, nếu Chủ tịch HĐND chuyên trách thì có thể có 1 Phó Chủ tịch chuyên trách. Như vậy, trong các lãnh đạo của HĐND có không dưới 2 người chuyên trách. Không để chỉ có 1 người vì khi vắng còn có người khác.
“Còn nếu Chủ tịch không chuyên trách sẽ có 2 Phó Chủ tịch chuyên trách. Như vậy là phù hợp”, ông Tân nói, đồng thời cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp thu, nghiên cứu.