Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Nhìn gương sụp đổ của Nokia, Yahoo để biết rằng ngay cả khi thành công, chúng ta vẫn cần đổi mới mỗi ngày!

Câu chuyện đổi mới sáng tạo không chỉ diễn ra ở một thời điểm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh tại Diễn đàn CEO 2019. Ông Duy sinh năm 1978 và từng là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009.

“Phải khẳng định rằng đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu của mọi doanh nghiệp trong mọi thời kỳ”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói. Theo ông, thực tiễn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 đến nay, nếu thiếu điều này, sự lụi tàn sẽ đến “gõ cửa”.

Dẫn ra trường hợp của Nokia, Thứ trưởng Duy cho biết một thời, cả đất nước Phần Lan tập trung nguồn lực để nghiên cứu, phát triển sản phẩm của Nokia. “Tuy nhiên, khi họ ngừng thay đổi, chuyển tiếp, ngay lập tức nó sụp đổ”, ông nói, “Yahoo, một đế chế ở Mỹ thành quá vãng cũng bởi vấn đề tương tự”.

Do vậy, ông Duy khẳng định việc đổi mới sáng tạo không chỉ diễn ra ở một thời điểm mà ngay cả khi thành công vẫn phải tiếp tục làm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Nhìn gương sụp đổ của Nokia, Yahoo để biết rằng ngay cả khi thành công, chúng ta vẫn cần đổi mới mỗi ngày! - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy

Theo đó, Thứ trưởng KH&CN nêu ra một số lưu ý trong quy trình đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp trong nước.

Cấp độ đơn giản nhất là đầu tư tiền bạc để mua sắm thiết bị, thay đổi dây chuyền sản xuất. “Các doanh nghiệp hiểu rất rõ điều này, vì khi làm việc trên dây chuyền cũ, sản phẩm không thể cạnh tranh được với thế giới”, ông nói. Vì thế, đây cũng là giai đoạn được hầu hết doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhuần nhuyễn.

Thế nhưng, nếu chỉ đổi mới dây chuyền thì mới chỉ tận dụng được lợi thế cạnh tranh về nhân lực, tài nguyên, nhiên liệu nên bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển sang bước thứ hai. “Khi đủ tiềm lực thì phải chuyển sang thời kỳ hấp thụ công nghệ”, ông Duy cho biết.

Điều này hàm nghĩa máy móc, hệ thống dây chuyền, công nghệ khi được mua về cần phải được nắm bắt và cải tiến theo yêu cầu của từng doanh nghiệp. Tức việc sử dụng công nghệ linh hoạt, đơn vị sử dụng thực sự làm chủ công nghệ và nâng cao nó lên.

Sau giai đoạn này, các doanh nghiệp phải tiến đến bước thứ 3: Nếu người ta không bán công nghệ, doanh nghiệp sẽ tự nghiên cứu, phát triển thứ mình cần.

“Mỗi doanh nghiệp dù nhỏ hay vừa, đầu tàu hay trong bất cứ lĩnh vực nào đều phải chọn lựa quy trình hợp lý cho đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Duy nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đổi mới sáng tạo không chỉ đơn thuần là tập trung về công nghệ số, nó còn là về quy trình kinh doanh, phương thức sản xuất… “Công nghệ thông tin chỉ giúp tối ưu lên”, ông nói.

Việt Nam với lực lượng DNNVV chiếm từ 96 – 98% do vậy, ở thời điểm hiện tại không thể đi vào sáng tạo công nghệ mới. Thay vào đó, nhóm này chỉ nên tập trung vào giai đoạn 1 – 2.

Đối với nhóm doanh nghiệp được xem là “đầu đàn”, ông Duy nhận định nên tập trung vào giai đoạn 3 của quy trình.

“Còn 2 nhóm nữa là doanh nghiệp khoa học công nghệ và startup thì nhóm startup cần bước ngay vào các công nghệ mới nhất của thế giới vì có lợi thế phát triển nhanh, ý tưởng mới, không bị bộ máy cồng kềnh kèm theo”, ông nói và cho biết đã có những chính sách hướng đến từng nhóm doanh nghiệp cụ thể để tạo lực cho việc nghiên cứu, sáng tạo đổi mới.

Kinh tế số được nhận định sẽ trở thành một phần của kinh tế Việt Nam. Theo nghiên cứu, kịch bản tốt nhất của Việt Nam là sẽ chuyển đổi số thành công đến năm 2045, đóng góp 1,3% GDP. Ở những kịch bản thấp hơn, Việt Nam sẽ trở thành một nước xuất khẩu số (thuần tuý đi làm thuê) hoặc mua sắm số (tiêu dùng số), sự đóng góp cho nền kinh tế sẽ vào khoảng 0,4 – 0,5% GDP.