Nếu muốn trở thành cao thủ trong các mối quan hệ, hãy áp dụng ngay 4 nguyên tắc này các bạn nhé!
Con người sống trên đời không thể không có các mối quan hệ. Khi còn nhỏ, quan hệ bó hẹp trong quan hệ gia đình, người thân, dần lớn lên, con người sẽ hòa mình vào các mối quan hệ rộng hơn như quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, quan hệ xã hội…
Vì vậy, làm thế nào để có thể hòa hợp trong các mối quan hệ được xem là một bài học quan trọng cho tất cả mọi người.
Xét về mặt xã hội học, sự phát triển của mỗi chúng ta không thể tách rời các mối quan hệ, thậm chí có những lúc, quan hệ xã hội là động lực, trợ lực cho chúng ta.
Sở hữu những mối quan hệ xã hội tốt đẹp không chỉ giúp sự nghiệp của chúng ta cao hơn một nấc mà còn có thể giúp chúng ta có được những điều tốt đẹp ngoài mong đợi, có được những người bạn thực sự đáng kết giao.
Tuy nhiên, muốn “hấp dẫn” được những người xung quanh hay nói cách khác, muốn có được những mối quan hệ xã hội thuận lợi, bền vững, không phải là điều ai cũng có thể làm được.
Hãy kiên trì áp dụng 4 nguyên tắc dưới đây, tin rằng mỗi chúng ta sẽ cải thiện được các mối quan hệ của mình.
1. Cần hiểu rõ mình muốn trở thành người như thế nào
Đây là nguyên tắc đầu tiên nếu bạn muốn sở hữu những mối quan hệ bền vững.
Theo đó, trước khi kết giao, nhất định phải nghĩ cho kỹ xem bản thân muốn trở thành người như thế nào, hay nói cách khác, cần nghĩ kỹ xem con đường mình sẽ đi là gì.
Việc này được đánh giá là quan trọng nhất bởi như thế, chúng ta có thể hấp dẫn được những người bạn tương đồng với mình.
Ảnh minh họa.
Trước đây có một anh chàng sống thiếu ý chí, tiêu cực, những người bạn anh ta quen biết cũng chẳng ra sao.
Về sau, anh ta cảm thấy sống như vậy thật lãng phí cuộc đời, anh ta quyết định thay đổi bản thân để trở thành một người ưu tú. Vì thế, anh ta quyết định cắt đứt quan hệ với những người bạn cũ, tìm kiếm những người bạn mới, làm mới hoàn toàn bản thân.
Câu chuyện của chàng trai nói trên muốn đề cập đến vấn đề tự kiểm điểm, đánh giá lại bản thân trước khi kết bạn, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Việc xác định mình muốn trở thành người thế nào quan trọng hơn việc chủ động kết giao với người khác.
Khi đã biết mình muốn đi đâu, chúng ta sẽ tìm thấy đường đi nước bước, những người bạn tương xứng cũng sẽ tìm đến với mình.
Nếu chúng ta muốn trở thành người ưu tú, chúng ta sẽ thu hút được những người ưu tú. Bạn bè thực ra chính là tấm gương phản chiếu một cách chân thực cả nội tâm và tâm tư của chúng ta.
2. Hãy tính toán những việc lớn, bỏ qua những việc nhỏ nhặt
Trong các mối quan hệ xã hội, cần phải học và áp dụng nguyên tắc tính toán những chuyện lớn và bỏ qua những chuyện nhỏ.
Thế nào là tính toán chuyện lớn? Hiểu một cách đơn giản nghĩa là khi việc gì đó đã chạm đến nguyên tắc làm việc, làm người hay chạm đến giới hạn, chúng ta cần kiên quyết không thỏa hiệp. Ngược lại một số tiểu tiết trong cuộc sống, chúng ta không nên tính toán mà hãy bỏ quan.
Ví dụ, khi chúng ta kết giao với người khác, có thể tạo ra những tiêu chuẩn có liên quan, không phải ai ta cũng kết giao mà phải lập ra nguyên tắc kết bạn rõ ràng như: Không chân thành, trung thực tuyệt đối không làm bạn…
Ảnh minh họa.
Trên đời không có ai toàn diện. Cổ nhân có câu: Nước trong không có cá, người yêu cầu cao quá sẽ không có bạn.
Với bạn bè, những chuyện nhỏ nhặt, không làm tổn thương đến quan hệ đôi bên, chúng ta nên bỏ qua, nên bao dung.
Thế nhưng với những trường hợp vi phạm nguyên tắc tối thượng, chúng ta quyết không thỏa hiệp. Có như thế, chúng ta mới có thể có được những mối quan hệ chân chính, bền vững.
3. Tôn trọng người khác, hòa nhập nhưng không hòa tan
Nguyên tắc thứ ba trong cần áp dụng để có những mối quan hệ tốt đẹp, đó là tôn trọng người khác, hòa nhập vào mối quan hệ đó nhưng không đánh mất bản chất riêng của mình.
Trong các mối quan hệ giữa người với người, chúng ta phải hiểu rằng mỗi cá thể là khác nhau, sự khác biệt đến từ xuất thân, gia đình, quá trình trưởng thành và môi trường sống…
Được giáo dục theo những cách khác nhau tư duy của mỗi người cũng sẽ khác nhau, tính cách cũng sẽ khác nhau. Sự khác biệt này cho thấy mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị.
Vì vậy khi kết giao, cần hết sức tôn trọng người khác, tôn trọng cả sự khác biệt của giữa chúng ta và họ. Như thế, khi bạn bè xuất hiện những quan điểm bất đồng, chúng ta sẽ không bị sự cảm xúc chi phối, không cảm thấy khó chịu mà thay vào đó, chúng ta sẽ biết bao dung.
Ảnh minh họa.
Tôn trọng người khác cũng chính là chìa khóa để mỗi người duy trì các mối quan hệ xã hội của mình.
Chỉ khi từ tận đáy lòng chúng ta hiểu rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt, chúng ta mới thực sự hiểu và thông cảm cho người khác chứ không vội vã kết luận tính khí người đó quái dị hay yêu cầu họ buộc phải duy trì cùng một lối suy nghĩ với mình.
Khi chúng ta hiểu người khác và hiểu bản thân mình, chúng ta sẽ tích cực phát huy những điểm chung của đôi bên, cùng xây dựng nên mối liên kết sâu sắc.
4. Duy trì một khoảng cách nhất định
Duy trì một khoảng cách nhất định, đảm bảo không gian riêng của mỗi người, đó là nguyên tắc thứ tư cần phải duy trì xuyên suốt các mối quan hệ.
Trong tâm lý học có một từ gọi là “giới hạn”, đề cập đến việc kết giao giữa người với người cần phải đảm bảo không gian độc lập và giá trị độc lập. Cho dù là yêu đương hay bạn bè, đều cần phải có một khoảng cách nhất định để dòng chảy tình yêu, tình bạn mãi mãi được lưu thông.
Trong quan hệ bạn bè, việc quá thân thiết, đánh mất khoảng cách cần thiết sẽ tạo điều kiện cho những hành vi quá trớn nảy sinh, ví dụ như lỡ lời, làm việc cũng không cẩn thận… những yếu tố này sẽ giết chết tình bạn một cách âm thầm, lặng lẽ.
Nói tóm lại, nếu muốn thu hút được những người khác, tạo ra những mối quan hệ gắn bó bền chặt, từ đó tạo ra những cơ hội mới cho cuộc sống, sự nghiệp, mỗi chúng ta hãy kiên trì áp dụng triệt để những nguyên tắc trên.