Người dùng lo sợ Instagram sẽ mất đi chất riêng vốn có, còn đối với Facebook, khoảng trống mà 2 nhà đồng sáng lập để lại cũng rất khó lấp đầy.
Chuyên gia Omar Akhtar từ công ty nghiên cứu công nghệ Altimeter nhận định, việc 2 nhà đồngsáng lập Instagram rời đi sẽ khiến Facebook sa vào rắc rối lớn hơn mọi người có thể tưởng. “Instagram là nền tảng duy nhất tiếp tục tăng trưởng của công ty mẹ Facebook. Và rất nhiều người chỉ xài Instagram mà không cần nhớ gì đến Facebook”, ông Omar nhận xét.
Instagram chỉ có 31 triệu người dùng khi được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD năm 2012 – một trong những thương vụ thành công nhất lịch sử. Chỉ trong vòng 6 năm, đến nay Instgram đã thu hút đến 1 tỷ người dùng. Facebook chưa bao giờ tiết lộ số tiền Instagram đóng góp cho tổng doanh thu. Nhưng theo chuyên gia Michael Pachter từ công ty đầu tư Wedbush, trong năm nay Instagram đã đem về 6 tỷ USD, tương đương hơn 10% tổng doanh thu Facebook – khoảng 55,7 tỷ USD.
Không chỉ vậy, Instagram còn là chiến binh quyết liệt, cập nhật nhanh các tính năng mới giống như đối thủ Snapchat, lại đối đầu với Youtube bằng cách cho phép đăng những video long-form (thời lượng dài). Đây đều là những chuyện mà Facebook tỏ ra đuối sức hoặc chậm chân.
CEO Kevin Systrom và đội ngũ Instagram giúp ứng dụng này vẫn “chiến” tốt với Snapchat
Instagram là ví dụ điển hình về cách vận hành 1 công ty con gần như độc lập với công ty mẹ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong lúc Facebook bị lên án về quyền cá nhân của người dùng và hàng loạt lùm xùm khác.
Dù vậy, Facebook ngày càng muốn kiểm soát Instagram nhiều hơn: điều phối nhân sự liên tục từ Facebook sang, quá chú trọng yếu tố thương mại… Đây được cho là nguyên nhân khiến 2 nhà lãnh đạo Instagram quyết định rút khỏi công ty.
Cũng như khi Instagram sáp nhập vào Facebook, thời điểm 2 nhà lãnh đạo Instagram rời đi khiến các fan trung thành của ứng dụng chia sẻ ảnh hết sức lo lắng. Ngày ấy, Instagram hoàn toàn không có quảng cáo. Bây giờ, họ chạy quảng cáo dưới nhiều định dạng khác nhau, dù cho tần suất vẫn còn “dễ thở” hơn Facebook nhiều.
Instagram ngày càng có nhiều quảng cáo, thậm chí trên cả Stories
Mặt khác, đối với nhiều người, từ lâu Facebook đã hết “cool” rồi, đó là mạng xã hội mà ai ai cũng sử dụng. Ngược lại, Instagram vẫn giữ nguyên thiết kế đơn giản – một bộ sưu tập những bức ảnh và video về buổi chiều đẹp trên biển, những kì nghỉ mộng mơ, bữa ăn sáng hay các “boss” chó mèo vui nhộn… Yếu tố tưởng đơn giản này lại giúp Instagram tiếp tục chinh phục trái tim người dùng sau khi đã sáp nhập vào Facebook từ lâu.
Ở Mỹ, nếu mọi người vào Twitter để cãi nhau vặt về cái gì đang diễn gia, lên Facebook để xem người bạn cũ sống sao rồi, thì Instagram chính là nơi để họ thư giãn, quét màn hình và ngắm nhìn những bức ảnh “đã con mắt”.
Tiếp theo, chuyện gì sẽ xảy ra với Instagram?
Điều mà fan trung thành của Instagram đang lo lắng: Liệu nó sẽ tràn ngập quảng cáo và là nơi mọi người cập nhật status liên tục? Không còn giữ được chất riêng? Trở thành 1 bản sao không hơn không kém của Facebook?
Văn phòng mới của Instagram ở New York
Chuyên gia Omar Akhtar cho rằng những điều trên ít có nguy cơ xảy ra. Ông nói: “Tôi không nghĩ Zuckerberg là một kẻ ngốc. Anh ta biết rằng sự phổ biến của Instagram là do nó khác biệt. Sẽ là 1 quá trình dài nếu muốn đồng nhất Instagram nhiều hơn nữa vào Facebook”.
Tuy nhiên, Omar cũng không phủ nhận những dấu hiệu của sự hợp nhất đã xảy ra. Vào tháng 5 vừa qua, Zuckerberg đưa nhân sự kỳ cựu của Facebook là Adam Mosseri sang điều hành sản phẩm của Instagram. Mosseri thay thế cho “người của Instagram” là Kevin Weil – hiện đã về công ty mẹ Facebook.
Việc “hoán đổi nhân sự” này có lẽ không hợp ý 2 nhà đồng sáng lập Instagram – chuyên gia Omar Akhtar và nhiều nhà phân tích khác nhận xét. Bây giờ, khi 2 nhà đồng sáng lập đã đi khỏi, rất có thể Mosseri sẽ là người dẫn dắt mới của Instagram.
Dù thế nào, Facebook vẫn đứng trước 1 bài toán khó: Làm sao tiếp tục giúp Instagram tăng trưởng mà không đánh mất chất riêng của nó?
Tham khảo: Daily Mail