Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: “Nếu không có anh, tôi không sống nổi”

Chị đã từng rất tủi thân cho số phận của mình suốt 10 năm qua và nghĩ đến con đường xấu nhất, là 2 vợ chồng “cùng nhau đi một thể”. Chị có thể tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng lại không đủ can đảm để làm điều đó với anh. Mỗi ngày đi làm về, vẫn được nhìn thấy anh là chị mãn nguyện lắm rồi.

Trong căn phòng trọ nhỏ khoảng 15m2 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Trang (39 tuổi) vừa mở phim hài trên điện thoại, vừa bón cơm cho chồng ăn. Thỉnh thoảng, anh Nguyễn Văn Trung (39 tuổi) lại bật cười thành tiếng, chị thấy thế cũng cười theo. 

Cuộc hôn nhân của anh chị bắt đầu cách đây 10 năm, cũng là bấy nhiêu thời gian chị một tay chăm chồng bệnh tật. 2 kẻ xa lạ, quen biết rồi đến với nhau, nhưng số phận lại muốn thách thức tình yêu đó bằng một thứ “trò chơi” nghiệt ngã. Anh gặp tai nạn chỉ sau 3 tháng kết hôn, chấn thương sọ não, liệt toàn thân, không thể nói. Người đời khuyên, nhưng chị nhất quyết không bỏ anh. Chị nói, một ngày là vợ chồng, cả đời là vợ chồng.  

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: Nếu không có anh, tôi không sống nổi - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị Trang đến với nhau từ sự đồng điệu về hoàn cảnh sống, nhưng cuộc hôn nhân của họ gặp phải nhiều khó khăn.

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân: “Tôi có thể tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó với anh”.

Cuộc hôn nhân trọn vẹn 3 tháng 

Năm 2008, anh từ quê nhà Yên Bái, xuống Việt Trì (Phú Thọ) theo học một lớp chụp ảnh. Anh gặp chị, thời điểm đó đang là cô thu ngân xinh xắn của tiệm, rồi 2 người đem lòng thương yêu nhau. Một năm sau, anh chị tiến đến hôn nhân, dọn về ở chung một nhà. Cuộc sống tân hôn chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 tháng, trước khi tai họa ập đến. 

Một buổi chiều tan làm, chị gửi tin cho chồng, nhắn anh tới đón về nhà. 30 phút sau, trước cửa tiệm ảnh xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Một người đàn ông ngoại quốc điều khiển xe ô tô đâm trúng người đi xe máy. Dân cư xung quanh ào chạy tới, đỡ nạn nhân dậy đưa đi cấp cứu.

Bên trong tiệm, chưa thấy chồng đến, chị hơi lo lắng. Nghe người ta bàn tán về vụ tai nạn, chị không mảy may quan tâm vì nghĩ đó không phải chồng mình, nhưng lòng chị như có lửa đốt. Lúc sau, một nhân viên hớt hải chạy vào báo: “Chị Trang ơi, anh Trung bị tai nạn nằm ngất xỉu giữa đường”. Chị chết lặng, vội chạy ra thì anh đã bất tỉnh nhân sự.

Nạn nhân được nhanh chóng đưa tới bệnh viện Phú Thọ trong tình trạng chấn thương sọ não nặng, máu chảy chèn lên trung tâm các dây thần kinh gây liệt toàn thân. Chị tính đưa anh lên Hà Nội điều trị, nhưng bác sĩ lo ngại anh sẽ không qua khỏi dọc đường. Chị chỉ có một mình, không đủ tiền, buộc phải nghe lời bác sĩ. 

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: Nếu không có anh, tôi không sống nổi - Ảnh 3.

Anh Trung gặp nạn, bị liệt toàn thân.

Mọi sinh hoạt của anh đều một tay chị chăm sóc. 

Liên tục trong 3 tháng, anh Trung phải thở máy. Đôi lúc anh tỉnh lại, nhưng chỉ là ánh mắt vô hồn. Không còn khả năng bám trụ tại Phú Thọ, chị đưa anh về Yên Bái điều trị 1 năm. 

Thời gian sau, người gây tai nạn chủ động liên hệ, tài trợ chi phí để chị đưa chồng xuống Hà Nội chữa bệnh. Trong khoảng 4 tháng châm cứu, anh cử động được tay trái, miệng bập bẹ vài từ. Bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tiến triển tốt, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ hạn hẹp như thế. 

Người đàn ông ngoại quốc ngỏ ý tìm cho anh chị một công việc có thu nhập ổn định, lo nơi ăn chốn ở, nhưng chị từ chối. “Khác nào mình đang ăn vạ người ta. Tôi còn khỏe, còn xoay sở được, không muốn trở thành gánh nặng của người khác”. 

Rời viện, chị tìm thuê một căn phòng trọ chật hẹp ở Hà Nội để bám trụ, mỗi tháng hết 1 triệu rưỡi. Chị làm đủ nghề, bán nước, bán ngô,… cố gắng kiếm tiền nuôi chồng bệnh tật. Gần đây, chị được tuyển vào làm công nhân bán thời gian cho một xưởng giấy bên Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, có mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Chị nghỉ ngày nào, bị trừ lương ngày đó.

Tình cờ quen được một người phụ nữ làm trong Hội chữ thập đỏ, đồng cảm với câu chuyện của vợ chồng, người này đón anh chị về ở, chỉ lấy tiền phòng 500 nghìn đồng mỗi tháng. 

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: Nếu không có anh, tôi không sống nổi - Ảnh 5.

Những lúc xem phim hài, anh lại phá lên cười khoái chí.

Mỗi sáng, chị thức dậy vào 5h30, gọi anh rồi xoa bóp chân tay cho chồng. Sau đó, với thân hình chỉ nặng 35kg, chị xốc nách anh, kéo lê tới chiếc ghế trong góc phòng để anh ngồi chơi. Chị lủi thủi ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng, về nhẹ nhàng bón cho chồng ăn, trước khi dắt chiếc xe máy cũ mèm phóng hơn 6km đến chỗ làm. 

12h trưa tan ca, chị về nhà, hết hơn 20 phút, chưa kịp nghỉ ngơi đã vội lao vào nấu cơm cho anh. Nếu anh ăn nhanh, chị sẽ có thời gian “đánh” vội bát cơm. Còn không, chị phải ăn tạm bánh ngọt hoặc nhịn đói, để kịp 13h30 ca làm chiều. 

Những lúc chị đi làm, anh ở nhà một mình, mấy người hàng xóm bên cạnh thay nhau qua hỏi thăm, chăm sóc và cho anh uống nước. Họ pha trò cười, anh không hiểu gì, nhưng cứ cười phá lên, cảm tưởng bên trong căn phòng trọ chật hẹp kia là cuộc đời của 2 con người hẳn phải hạnh phúc lắm. 

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: Nếu không có anh, tôi không sống nổi - Ảnh 6.

Bên trong căn phòng trọ nhỏ, có 2 kẻ yêu nhau, đến với nhau bằng tình thương và chẳng nỡ rời xa nhau.

“Tôi có thể tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó với anh”

– “Anh có thương vợ không?”. Chị hỏi lần đầu tiên, anh chỉ gật đầu, nước mắt anh trào ra. 

– “Anh có thương vợ không? Trả lời rõ ràng cho vợ nghe nào!”. Lần này, anh “có” rõ to, khuyến mãi thêm cho chị một nụ cười thật tươi.

Đó là động lực, niềm vui giản đơn mỗi ngày của người vợ tần tảo. Chị không muốn trong tổ ấm này chỉ có cuộc đối thoại một chiều, chị hỏi, nhưng anh mãi không nói gì. Anh hiểu mọi chuyện, anh nhận thức được cuộc sống xung quanh, chị vẫn nghĩ như thế. Nhưng thỉnh thoảng, anh mới bật ra được lời nói, vài từ ngắt quãng không liền mạch. 

Hơn 9 năm bên nhau, anh chị không thể có con. Chị nói rằng thật tiếc nuối, nhưng bất lực không biết làm sao. “Nếu có con, ai sẽ nuôi nó, ai sẽ chăm sóc nó. Bố mẹ tôi và bố mẹ anh đều đã li hôn, gia cảnh phức tạp. Tôi biết, sau này khi về già, 2 vợ chồng sẽ rất đau khổ, vì không có ai bầu bạn và chăm sóc. Tôi không còn con đường nào khác, hay có thể bấu víu vào ai, chỉ mình tôi cố gắng từng ngày bên anh”. 

Chị kết thúc một ngày làm việc trọn vẹn, vượt mưa gió về đến nhà, khi đó đồng hồ đã điểm 21-22h tối. Nhiều đêm, anh đau đớn và kêu la, chị bất lực, chẳng thể chợp mắt nổi. Sáng hôm sau, dù mệt, chị vẫn phải đứng dậy đi làm. Chị không đi, thì không có tiền trang trải cuộc sống 2 vợ chồng. 

“Tôi đã từng rất tủi thân cho số phận của mình và nghĩ đến con đường xấu nhất, là 2 vợ chồng cùng nhau đi một thể. Bản thân tôi có thể tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó với anh”.

Nghe đoạn, như hiểu ra câu chuyện, anh gào lên. Chị đưa tay vòng qua ôm anh, vỗ về. 

“Nên tôi vẫn phải tiếp tục sống, còn nước còn tát. Tôi sẽ cảm thấy tội lỗi, cắn rứt lương tâm nếu để anh phải chịu “cái chết nhân đạo”. Sự việc đã xảy ra rồi, tôi cũng đã khổ rồi, được đến đâu hay đến đấy. Tôi chấp nhận với cuộc sống hiện tại” – chị nói. 

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: Nếu không có anh, tôi không sống nổi - Ảnh 7.

Chị yêu và thương anh, nhiều đến mức không thang đo nào đong đếm nổi.

Mỗi lần chị cho anh xem phim hài, anh đều bật cười khanh khách, như muốn “tán gẫu” với vợ, nhưng bất lực không thể mở lời. Chị không tiếc tuổi xuân của mình mỗi khi nhìn lại những bức ảnh cưới được chụp bởi chính tiệm ảnh cưới nơi 2 anh chị làm việc. Thời điểm đó, anh chưa gặp nạn, còn chị vẫn hẵng “béo tốt”, như lời chị nói. 

Người đời khuyên chị nên “tái giá”, tìm cho mình một con đường hạnh phúc mới. Chị tận nghĩa với anh 10 năm qua, thế là đủ rồi. Nhưng chị chỉ im lặng. 

“Bây giờ nếu không có anh, tôi không sống nổi, vì đến nay chúng tôi đã gắn bó với nhau trên một chặng đường dài. Dẫu rằng người ta muốn tốt cho tôi nên mới khuyên như thế, nhưng quyền quyết định lại ở tôi. Tôi không thể bỏ anh, tôi không muốn lương tâm mình bị cắn rứt. Mỗi ngày trôi qua, không ai có thể nói trước được điều gì”.

Chị từng tưởng tượng chiều chiều có thể đưa anh thoát khỏi căn phòng trọ chật hẹp, vượt ra thế giới ngoài kia ngắm nhìn trời đất, hưởng thụ từng tia nắng ấm áp của thiên nhiên, cảm nhận những hạt mưa tí tách rơi xuống. Nhưng thật khó với cơ thể cơ cứng hiện tại của anh. 

Xúc động người vợ 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân ở Hà Nội: Nếu không có anh, tôi không sống nổi - Ảnh 8.

Chị không có ước mơ cho riêng mình, vì chị nói cuộc đời chị đến giờ không còn gì phải hối tiếc. Chị có một người chồng luôn bên cạnh nghe chị tâm sự đủ thứ chuyện. Mỗi ngày đi làm về, vẫn được nhìn thấy anh là chị mãn nguyện lắm rồi. 

“Chúng ta, trong tình yêu, nếu hợp thì ở với nhau, không thì đành tan rã. Nhưng nếu trong lúc nửa kia ốm đau bệnh tật, đừng từ bỏ người mình từng thương rất nhiều. Tôi hy vọng anh sẽ khỏe lại, để ở bên tôi mãi mãi”. 

Bên trong căn phòng trọ nhỏ, có 2 kẻ yêu nhau, đến với nhau bằng tình thương và chẳng nỡ rời xa nhau.