Những chiếc đèn lồng cao gần 2,5m, lớn hơn người và to hơn cả những chiếc xe ô tô nhỏ.
Để sản xuất được một chiếc đèn lồng khổng lồ, những người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chọn tre cho đến ngâm nước muối và in bạt rồi dán để thành chiếc đèn lồng mùa trung thu.
Đến hẹn lại lên, từ trung tuần tháng 7 (âm lịch), làng đèn lồng Mật Sơn (TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa) lại tất bật hơn bao giờ hết. Đây được xem như “thủ phủ” sản xuất đèn lồng, đèn kéo quân phục vụ dịp Tết trung thu lớn nhất ở xứ Thanh.
Vốn nổi tiếng từ lâu, làng Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) từ những năm 60 của thế kỷ trước được nhiều người biết đến bởi nghề làm hương, hoa giấy và các sản phẩm được làm từ chất liệu giấy cho ngày lễ tết, ngày xá tội vong nhân…
Hơn 10 năm nay trở lại đây, nhận thấy nhu cầu thị trường đèn lồng đem lại lợi nhuận tốt, người dân nơi đây đã chuyển sang hướng làm đèn ông sao, đèn kéo quân phục vụ Tết Trung thu. Những ngày kế cận Tết trung thu, tại làng Mật Sơn tấp nập không khí các lái buôn về đây mua hàng.
Đa số các loại đèn trung thu ở làng nghề này khác biệt vì những chiếc đèn lồng đủ kích cỡ, màu sắc, chủng loại. Có những chiếc đèn khổng lồ lớn hơn cả những xe ô tô nhỏ, lớn hơn cả chiếc đầu xe tải.
Là một trong những hộ dân có truyền thống làm đèn lâu đời ở Mật Sơn, gia đình ông Mai Văn Minh (Mật Sơn 2, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) được xem như “nghệ nhân” sản xuất đèn lồng. Mùa trung thu này ông đã chuẩn bị gần 2000 chiếc đèn lồng lớn nhỏ đủ loại.
“Tuy nhìn thì thấy dễ nhưng phải tận tay làm mới hiểu được độ kỳ công và thẩm mỹ để tạo ra 1 chiếc đèn ưng ý. Từ công đoạn nguyên liệu đến thiết kế khung, giấy in, bản vẽ … tất cả phải được chuẩn bị khá kỹ càng. Nếu không tình toán kỹ thì chiếc đèn bị lệch, méo mó, mất thẩm mỹ” Ông Minh chia sẻ.
Nguyên liệu chủ yếu để làm đèn lồng, đèn kéo quân chủ yếu là tre hoặc thân gỗ được xẻ đều thanh.
Tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi. Để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt, người thợ phải nấu tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối. Tiếp đến, phải phơi khô, vót thành từng thanh nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn.
Trước kia, khi chưa có bạt in màu thì mặt đèn được trang trí bằng giấy màu, giấy nilon có in các hình thù bắt mắt hợp với ngày tết thiếu nhi. Ngày nay, khi xã hội phát triển, mặt đèn xung quanh được bao bọc bởi những tấm bạt in họa tiết. Việc dùng bạt in sẽ tạo nhiều ưu điểm như tính chịu mưa, in hình dễ dàng và đính ghim tiện lợi.
Hầu hết các hình được in trên đèn lồng được lựa chọn là các hình ảnh về thiếu nhi, mang không khí vui tươi.
Mỗi chiếc đèn lồng cỡ nhỏ có giá dao động từ 100 – 150 nghìn đồng/1 chiếc, đèn cỡ lớn từ 200 – 300 nghìn đồng/1 chiếc. Có những thời điểm, mỗi gia đình nhận đơn đặt hàng từ 500 – 1000 chiếc đèn các loại. Từ đầu tháng 7, nơi đây đã tất bật chuẩn bị những chiếc đèn lồng chuẩn bị Tết trung thu.