“CLB nào giờ đưa tôi 10 triệu USD tôi xem như rác, tôi không quan tâm tiền. HAGL chỉ quan tâm đến hình ảnh và con người của Công Phượng thôi”, bầu Đức hùng hồn phát biểu.
1. “Tập đoàn HAGL cầm 10 triệu USD để làm gì, giải quyết được vấn đề gì, đúng không. Bán Công Phượng đi, HAGL mất một hình tượng được đào tạo bao nhiêu năm, lãng phí“.
“Không quan trọng điều đó, tất cả phụ thuộc vào bản thân Công Phượng thôi, không nói trước được chuyện này. Như Xuân Trường vừa chia tay Buriram về HAGL đúng chưa, ít gì nó cũng học được một số kiến thức dự bị nhất định, nhưng dự bị ở nước ngoài nha.
Nhưng đổi lại, Công Phượng hay Xuân Trường có điều kiện được tiếp xúc với hàng loạt ngôi sao quốc tế. Vậy thử hỏi, ai hơn tụi nó. Sòng phẳng mà nói, cầu thủ nào của Việt Nam được ra nước ngoài phải hơn những người trong nước một bậc“.
Những điều bầu Đức nói trong buổi “bàn giao” Công Phượng cho đội bóng chơi ở giải đấu cao nhất nước Bỉ không khỏi khiến người hâm mộ “Messi Việt Nam” khỏi nức lòng, đặt thêm niềm tin vào tương lai xán lạn của cầu thủ từng nhận được sự hâm mộ “vô đối” ở Việt Nam. Nhưng sau những phát biểu ngập sắc hồng ấy, có khi nào lại là một sự thật rất khác?
“Công Phượng hay Xuân Trường có điều kiện tiếp xúc với hàng loạt ngôi sao quốc tế” – đấy có phải là điều tốt? Hãy hỏi Đổng Phương Trác – cầu thủ từng “sát cánh” cùng hàng loạt tên tuổi lẫy lừng của Man United huyền thoại, là Ole Gunnar Solskjaer, là Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, Park Ji-sung, Rio Ferdinand, Nemanja Vidic…
Chào đời trước Công Phượng 10 năm, cùng chơi ở vị trí tiền đạo, từng được đánh giá là một trong những tài năng trẻ xuất sắc nhất của bóng đá Trung Quốc và cao hơn Công Phượng đến 15 cm, nhưng rồi chuyến xuất ngoại từng làm nổ tung giới truyền thông, cũng như làng bóng đá Trung Quốc và thế giới, để được “có điều kiện tiếp xúc với hàng loạt ngôi sao quốc tế”, rốt cuộc chuyến “Tây du” của Đổng Phương Trác lại là nguyên nhân đưa sự nghiệp của anh vào ngõ cụt.
Vật vã ở Man United để đánh bóng băng ghế dự bị, và thỉnh thoảng bùng nổ ở… những tour du đấu đầu mùa, rốt cuộc tài năng trẻ từng cực kỳ được kỳ vọng của bóng đá Trung Quốc kết thúc sự nghiệp bóng đá trong nỗi xót xa, với đóng góp cực kỳ mờ nhạt cho ĐTQG Trung Quốc.
2. “Bây giờ Công Phượng sang châu Âu khoác áo Sint Truiden, dự bị 12 trận cũng được, không sao cả, đó cũng xem như là sự thành công. Không được thi đấu nhưng vẫn được ra sân tập luyện với các ngôi sao châu Âu, đâu phải không được tập luyện đâu“, bầu Đức tự tin phát biểu trong ngày Công Phượng chính thức ký hợp đồng với đội bóng Bỉ.
Chưa đầy nửa năm trước, ông bầu phố Núi nói thế này: “Không có chuyện Công Phượng được trả 230 triệu đồng/tháng, cùng với các đãi ngộ hậu hĩnh khác chỉ để ngồi dự bị đâu“, trong ngày tiễn “cậu con cưng” sang Hàn Quốc. Những gì diễn ra sau đấy trên đất Hàn Quốc đã là lịch sử. Và bây giờ, liệu CLB Bỉ có trả mức lương “bằng 12 cầu thủ chơi bóng ở Việt Nam” – như lời bầu Đức, cùng khoản chi phí cho HAGL chỉ để Công Phượng “được ra sân tập luyện với các ngôi sao châu Âu”?
Bầu Đức nói: “Nhiều người và giới truyền thông cứ bảo Công Phượng thất bại trong các lần ra nước ngoài chơi bóng trước đó. Nhưng tôi không hiểu vì sao mọi người lại nói Phượng thất bại. Vậy nhờ ai chỉ giúp tôi cầu thủ nào của Việt Nam xuất ngoại thành công, cho tôi một cái tên thử xem“.
Quả tình, chưa cầu thủ nào Việt Nam thành công khi xuất ngoại. Nhưng điều đó không có nghĩa là Công Phượng thành công với những lần xuất ngoại được bầu Đức đứng ra lo liệu. Ngoài “thất bại” ra, liệu có thể dùng bất cứ tính từ nào khác để nói về Công Phượng với hai lần đi Nhật, đi Hàn?
Trong mắt bầu Đức, Công Phượng đáng giá hơn nhiều so với con số 10 triệu USD. Đấy có là giá trị thực? Nên nhớ, giá trị chuyển nhượng của cầu thủ đang được đánh giá cao nhất của Đông Nam Á – Chanathip Songkrasin, mới chỉ là 2,2 triệu euro.
Bầu Đức liệu có nhớ ngày xuất ngoại, Công Vinh bằng đúng tuổi Công Phượng hiện tại, và đã kịp có trong tay 3 quả bóng Vàng, cùng 1 quả bóng Bạc Việt Nam. Còn Công Phượng, cho đến giờ vẫn chỉ sở hữu duy nhất giải thưởng “cầu thủ được yêu mến nhất”.
Bầu Đức cực kỳ yêu mến Công Phượng, đấy là điều không ai có thể phủ nhận. Ông cũng là người rất có tâm với bóng đá Việt Nam. Nhưng từ “3 triệu USD không bán”, đến “10 triệu USD cũng không bán” có vẻ như tình yêu của bầu Đức dành cho “cậu con cưng” của mình đã vượt ra ngoài giới hạn chuyên môn quá xa mất rồi.
Trong thế giới bóng đá đầy sự lạnh lùng và sặc mùi kim tiền như hiện tại, tình yêu của ông bầu phố Núi dành cho Công Phượng là cực kỳ đáng trân trọng, nhưng tình yêu cũng chỉ chiếm phần rất nhỏ trong thế giới bóng đá mà thôi. Yêu nhau như thế, như ông bà ta vẫn nói, có khi nào lại “bằng mười ghét nhau” hay không?