Sau hơn 2 tháng thực hiện, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã chính thức đưa vào hoạt động thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh.
Đây là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân trên địa bàn quận 1 (địa bàn đông dân cư, nhiều khách du lịch và nhiều lễ hội).
Thêm phương tiện cấp cứu cơ động này sẽ giúp các y, bác sĩ tiếp cận người bệnh hoặc người bị tai nạn trong thời gian nhanh nhất để kịp thời sơ, cấp cứu tại chổ trong điều kiện xe cứu thương 4 bánh khó tiếp cận hiện trường.
Trước đó, Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế đã thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai sản phẩm sáng tạo này.
Thay vì xe tay ga phân khối lớn hay được sử dụng tại các nước phát triển, Hội đồng nhất trí với đề xuất của Bệnh viện Sài Gòn là chọn loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối vừa có chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ.
Sở Y tế đã thông qua dự thảo quy trình sử dụng xe cấp cứu 2 bánh. Quy trình này sẽ được vận hành thí điểm trong 2 tuần để rút kinh nghiệm và hoàn thiện.
Hai năm trước, để đối phó với tình trạng ùn tắc giao thông, Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS triển khai dịch vụ bác sĩ cấp cứu tại hiện trường bằng môtô với đầy đủ trang thiết bị.
TS.BS Lê Trường Giang – Chủ tịch hội Y tế công cộng TP HCM, kiêm Giám đốc công ty TNHH Vạn Khang SOS cho biết, hiện nay ùn tắc giao thông ở TP HCM rất nghiêm trọng, nhiều ôtô cấp cứu không thể chuyển bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời.
Do đó, ông thành lập Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS (ở 113 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5) để hỗ trợ cho bệnh nhân tại chỗ khi có yêu cầu. Theo bác sĩ Giang, dịch vụ cấp cứu tại hiện trường và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để tiếp tục chữa trị là loại hình tiên phong tại Việt Nam.
Xe cấp cứu 2 bánh.
Theo đó, mỗi khách hàng khi đăng ký thuê bao dịch vụ sẽ được cấp một thiết bị VK-SOS (giống điện thoại di động) để sử dụng khi có sự cố. Bện nhân chỉ cần nhấn phím SOS trên thiết bị, yêu cầu cấp cứu sẽ được đáp ứng ngay.
Lúc này, nhờ vào chức năng định vị của thiết bị VK-SOS, BS gần nhất sẽ được điều động và phương tiện phù hợp nhất sẽ được sử dụng để tiếp cận bệnh nhân trong thời gian nhanh nhất.
Trung tâm có ôtô cấp cứu và xe gắn máy cấp cứu. Ngay lúc xe cấp cứu đang di chuyển đến hiện trường, BS tiếp nhận nhiệm vụ vẫn có thể liên hệ với bệnh nhân qua thiết bị VK-SOS để hướng dẫn cách xử trí tình huống.
Khách hàng phải trả phí thuê bao hàng tháng cho thiết bị chuyên dụng để duy trì dịch vụ, cao nhất là 500.000 đồng tháng. Bên cạnh đó, khách hàng phải trả thêm phí khám chữa bệnh.