Nhờ ý chí sắt đá, sự kiên cường và linh hoạt trong việc sử dụng các phương tiện, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều phương tiện thô sơ của Nhân dân Việt Nam đã đối đầu với các phương tiện chiến tranh tối tân của kẻ địch. Trong số các phương tiện bị đối phương “chế giễu”, chiếc xe đạp thồ đóng vai trò quan trọng và đã trở thành biểu tượng đẹp trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Việt Nam nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng.
Chiếc xe đạp của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa, đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh: KIỀU HUYỀN
Điện Biên Phủ – một pháo đài bất khả xâm phạm, một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Để đập tan kế hoạch của địch, Trung ương Đảng và Quân ủy đã xác định vấn đề hậu cần là một trong những khó khăn lớn nhất của chiến dịch.
Tháng 8-1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 11-1953, dân công Thanh Hóa cùng ngành giao thông đã mở thông đường 41, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên.
Đường đã mở, các đợt vận chuyển của dân công liên tục được huy động. Từ cuối năm 1953 đến tháng 3-1954, dân công Thanh Hóa đã kế tiếp nhau vận chuyển hai lần lên chiến dịch với khối lượng 2.352 tấn lương thực và 265 tấn thực phẩm. Đây là nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ của Nhà nước trong kháng chiến. Đến ngày 15-4-1954, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Thanh Hóa phải vận chuyển tiếp tế gần 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm lên chiến dịch vào thời hạn cuối là ngày 31-5. Đây cũng là thời điểm nguồn dự trữ của Nhà nước đã hết, cần sự tập trung sức của, sức người trong Nhân dân. Một phong trào “dốc bồ đổ thúng” trong từng nhà đã được huy động, mọi lực lượng ra đồng cắt từng bông lúa chín để đảm bảo “tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”. Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 182.124 dân công gánh bộ và 11.000 dân công xe đạp thồ chuyển tiếp. Như vậy, Thanh Hóa đã có 1.061.593 lượt người, bằng nửa số dân của tỉnh lúc bấy giờ, với 27.000.223 ngày công phục vụ chiến dịch.
Việc phân công vận chuyển cũng được tính toán hợp lý, đa dạng với từng vùng miền, lứa tuổi, tập quán lao động. Người dân miền biển, miền sông nước thì điều khiển thuyền ván, thuyền nan; đồng bào miền Tây chở hàng bằng xe ngựa thồ và gồng gánh, địu hàng, đội hàng; thanh niên và trung niên thành thị, các huyện miền xuôi thì dùng xe thồ. Trong đó, với quyết tâm “Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần tiếp viện còn cao hơn đèo”, nhằm tăng năng suất vận chuyển hàng hóa, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) đã vận động Nhân dân, người góp tiền của, người góp xe, góp ½ xe, ¼ xe, góp 1 bánh xe và tiến cử con em mình tham gia đoàn xe đạp thồ. Tại thời điểm đó, chiếc xe đạp là tài sản lớn của mỗi gia đình, nhưng người dân vẫn sẵn sàng mang khối tài sản đó tham gia phục vụ chiến trường. Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, ngót trăm người từ các vùng lân cận thị xã đã tụ tập lại và trở thành một tập thể. Đoàn xe thồ dân công kháng chiến thị xã Thanh Hóa ra đời, ông Trịnh Vòi là đoàn trưởng. Nối tiếp phong trào ấy, ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thạch Thành, Hà Trung, Nông Cống… cũng thành lập đại đội xe thồ bổ sung vào đội quân xe đạp thồ hùng hậu của tỉnh phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa bắt đầu tiến quân từ Ngã Ba Voi (thuộc địa phận TP Thanh Hóa ngày nay) đến tập kết tại Hồi Xuân để biên chế và chỉnh đốn đội ngũ, phân công người khỏe và xe tốt tham gia hỏa tuyến, người trung bình tham gia trung tuyến, phụ nữ và người cao tuổi thì tham gia hậu tuyến. Đoàn xe thồ biên chế theo từng huyện, mỗi huyện là một đại đội, hay còn gọi là một C. Từ Hồi Xuân đoàn đi qua các địa danh suối Rút – Hòa Bình – Mộc Châu – Yên Châu – Sơn La – vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo. Trên chặng đường vận chuyển từ trạm H1 (Tuần Giáo) đến Điện Biên Phủ dài gần 80km, đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa được bố trí tới 3.000 xe.
Để tăng năng suất vận chuyển hàng hóa, những chiếc xe thồ được chế ra từ những chiếc xe đạp nhãn hiệu nước ngoài bằng cách buộc thêm vào tay lái một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển xe, buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, người ta hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ và buộc thêm vải để tăng độ bền của săm, lốp. Đường hành quân gian nan là vậy nhưng trên ghi đông xe được thiết kế thêm giá đỡ đựng nào kiềng, ghi gô… là những đồ dùng cá nhân mang theo, sử dụng trong suốt chặng đường tiếp vận. Đặc biệt, thi đua cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận, phong trào “thồ nhiều, đi nhanh” ngày càng lan rộng, cổ vũ mọi người phấn đấu tăng trọng lượng thồ hàng. Từ 150 đến 200kg/chuyến xe tăng lên 300kg và nhiều hơn nữa. Đáng khâm phục là “kiện tướng xe thồ” Cao Văn Tỵ, luôn chở tới 315kg; Bùi Tín – người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba, đạt năng suất 320kg trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là “nhà vô địch xe thồ hàng” Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến… đã lập nên huyền thoại trên những cung đường đèo dốc cheo leo, hiểm trở.
Chính viên cựu đại tá không quân Pháp Jules Joy đã thú nhận về sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ: “Mặc dù nhiều tấn bom đạn đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải chỉ viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Navarre (Na-va), mà chính là những chiếc xe nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200-300kg, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni lông. Tướng Na-va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”. Một học giả người Mỹ Bécna Phôn đã phát hiện ra: Thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ “trước hết là những chiến thắng về tiếp tế”.
69 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hầu hết các cựu chiến binh tham gia kháng chiến ngày ấy nay phần lớn đã trở thành người thiên cổ, số còn lại tuổi cao sức yếu. Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Ngân Văn Nhẫn, sinh năm 1932 (khu 4, thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa), người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng khi nhắc tới sự kiện Điện Biên Phủ, giọng nói của ông hồ hởi lạ thường. “Ngày ấy, vào khoảng đầu năm 1953, khi tôi vừa qua tuổi đôi mươi. Nhìn bố mỗi đêm hối hả cùng bà con trong làng gom thóc, xay giã, dần, sàng đóng gạo vào xe thồ vận chuyển lên chiến trường Điện Biên, lần lượt các anh em trong gia đình, họ hàng khoác ba lô ra trận, tôi ao ước có ngày được bố đồng ý cho tham gia vào đoàn dân công”. Ao ước ấy thành hiện thực. Ngày ông nhập vào đoàn dân công của xã, bố ông đã chuẩn bị cho 2 chiếc bồ nhỏ, mỗi chiếc có thể đựng được 10kg gạo, một túi ruột tượng đựng 5kg gạo để ăn dọc đường.
Theo đoàn dân công tải lương lên Điện Biên Phủ, ông và đoàn phải đi nhiều đường khác nhau để tránh sự phát hiện của mật thám, máy bay địch. Từ chuyến đi đầu tiên đó, ông không nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu chuyến và vận chuyển bao nhiêu hàng hóa lên Điện Biên.
“Ngày đó, riêng xã tôi (lúc đó là xã Hồi Xuân) có đến cả trăm người tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”. Sau khi đi dân công, ông tham gia bộ đội chính quy và về phục viên với quân hàm thiếu úy. Theo ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Quan Hóa: Hiện Hội CCB Quan Hóa có gần 3.000 hội viên, nhưng chỉ còn có 5 hội viên đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong đó cũng chỉ có 2 người còn sức khỏe, 3 người khác đã rất ốm yếu”.
Mới hôm qua họ còn tay cày, tay búa nơi quê nhà, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức” họ đã sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ để cùng làm nên chiến thắng. Những tên đất, địa danh, trận địa như Suối Rút, Tuần Giáo, đèo Pha Đin, Mường Thanh, Đồi A1… đều in đậm chiến công của người Thanh Hóa.
Đóng góp nhiều, thành tích lớn và tương ứng với những điều đó là các phần thưởng, các danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ trao tặng cho Thanh Hóa. Trong các phần thưởng ấy, Nhân dân Thanh Hóa luôn ghi nhớ lời khen ngợi và ghi nhận của Bác trong dịp người về thăm Thanh Hóa lần thứ 2, ngày 13-6-1957: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Hình ảnh những đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa anh hùng đã được dân công Thanh Hóa kế tục phát huy để rồi sau này vượt Trường Sơn phục vụ chiến trường miền Nam trong công cuộc chống Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
KIỀU HUYỀN
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/xe-dap-tho-cua-dan-cong-thanh-hoa-nbsp-trong-chien-thang-dien-bien-phu/185170.htm