Theo BS Nguyễn Huy Cường, bệnh đái tháo đường có nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, tăng huyết áp, hôn mê do tăng đường huyết, hạ đường huyết…
Nhiều biến chứng
Đái tháo đường đang trở thành đại dịch, theo thống kê của Liên Đoàn Đái tháo đường quốc tế cứ 7 giây trên thế giới có 1 người tử vong, 20 giây có một người bị cắt cụt chân do đái tháo đường và đây là căn bệnh đáng báo động với cả thế giới. Ở Việt Nam đái tháo đường đang gia tăng với cấp số nhân.
Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú – Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam vừa qua đời do biến chứng của bệnh đái tháo đường tuyp 2. Những bệnh nhân tử vong do biến chứng đái tháo đường như nghệ sinh Anh Tú không phải là hiếm.
Thạc sĩ Cường cho biết bệnh đái tháo đường nguy hiểm nó tiến triển âm thầm và gây ra đủ các biến chứng toàn thân. Biến chứng hay gặp nhất đó là biến chứng chứng tim mạch như tăng huyết áp, mạch vành, bệnh nhân dễ đột quỵ.
Ảnh minh hoạ
Biến chứng thận gây suy thận, biến chứng thần kinh nhất là thần kinh ngoại biên, biến chứng da, biến chứng mắt gây mù loà và đặc biệt là biến chứng hôn mê do tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết đột ngột.
Theo bác sĩ Cường các loại hôn mê tăng đường huyết: là tình trạng mất bù nặng khiến đường máu tăng cao và thường có kèm theo mất nhiều nước.
Nguyên nhân do bệnh nhân bỏ insulin hoặc thuốc uống hạ đường huyết không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Mắc các bệnh lý cấp tính không được điều trị thích hợp như nhiễm trùng, tai biến mạch máu liệt nửa người, nhồi máu cơ tim. Do dùng 1 số thuốc làm tăng đường máu như
corticoid, lợi tiểu mạnh…
Có hai dấu hiệu của hôn mê
Thứ nhất: hôn mê nhiễm toan ceton do thiếu insulin trầm trọng
Triệu chứng xuất hiện từ từ 1 tuần, có khi sau 2 – 3 ngày ban đầu các dấu hiệu mệt nhọc, chuột rút, uống nước, đái nhiều bất thường, mất nước, da khô và đái ít đi.
Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở không rõ lý do. Thở nhanh, hơi thở có mùi táo thối, buồn nôn và nôn, đau bụng có thể nhầm với viêm ruột thừa.
Khi có dấu hiệu trên nhanh chóng đưa đến bệnh viện, các cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên phòng biến chứng
Theo thạc sĩ Cường đề phòng hôn mê do nhiễm toan ceton bệnh nhân chú ý khi có các triệu chứng uống và đái nhiều, đường máu tăng cao cần phải tiêm thêm insulin nhanh (loại trong) từ 6- 10 đơn vị/3-6 giờ/1 lần cho đến khi hết triệu chứng (vẫn giữ nguyên liều cũ). Uống đủ nước. Ăn thức ăn dạng lỏng, đến viện khám ngay khi có thể.
Thứ hai: hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, mất nước trầm trọng:
Thường xuất hiện ở người ĐTĐ týp 2 nhiều khi không để ý đến vì cho rằng do người “già”. Bệnh diễn biến từ từ với các dấu hiệu chính như đái nhiều, uống nhiều, khát nước, môi lưỡi khô.
Người bệnh lờ đờ, vật vã, lú lẫn, chậm chạp, hôn mê có thể có co giật, buồn nôn và nôn, đầy bụng, đau bụng. Sốt cao hoặc ngược lại da lạnh, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp.
Với triệu chứng này, bệnh nhân cần bù đủ số nước bằng đường uống khi còn tỉnh. Sau mỗi lần đi tiểu hoặc đi ngoài phân lỏng phải uống một lượng nước tương đương. Lưu ý là người già thường không đòi uống nước do giảm cảm giác khát và “sợ phiền” đến người khác.
Đến ngay bệnh viện để tìm hiểu và điều trị nguyên nhân gây tăng đường máu bất thường (nhiễm trùng phổi, tiết niệu, tai biến mạch não, tim…).
Hạ đường huyết
Thạc sĩ Cường cho biết hạ đường huyết là một trong những vấn đề người đái tháo đường có thể gặp phải. Hạ đường huyết nếu không biết cách đề phòng và xử trí kịp thời sẽ có thể dẫn đến hôn mê, nặng có thể bị tổn thương não không hồi phục.
Các triệu chứng của hạ đường huyết bệnh nhân mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt thỉu đi; chân có cảm giác nặng; dấu hiệu rối loạn thần kinh tự chủ; cảm giác đói cồn cào; vã mồ hôi; dị cảm; lo lắng bứt rứt; run tay; hồi hộp, tim đập nhanh; buồn nôn và nôn (hiếm gặp hơn).
Rối loạn hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu; mắt mờ, nhìn đôi; lú lẫn, cư xử bất thường; mất trí nhớ mất tri giác; nặng co giật và hôn mê.
Người bệnh khi có một trong các triệu chứng trên cần làm xét nghiệm đường máu ngay lập tức (bởi khi sử dụng các chế phẩm có đường các triệu chứng trên sẽ mất, để xác định chắc chắn là đã bị hạ đường huyết.
Theo thạc sĩ Cường nguyên nhân gây hạ đường huyết đối với người bệnh điều trị bằng insulin: Do dùng insulin quá liều hoặc sai lầm về chế độ ăn uống (ăn quá muộn sau tiêm insulin; ăn không đủ, thành phần các bữa ăn không cân đối (ít glucid); bỏ bữa ăn mà vẫn tiêm insulin; thiếu bữa ăn phụ (khi tiêm nhiều mũi insulin…) hay do hoạt động thể lực không thường xuyên.
Đối với người bệnh điều trị bằng sulfamid: hạ đường huyết là do nhầm liều thuốc; uống thuốc xa bữa ăn chính; không ăn nhưng vẫn uống thuốc; sai lầm về chế độ ăn (ăn ít glucid); tự động uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ; hoạt động thể lực quá sức.
Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết như đã mô tả ở trên cần ngừng ngay các thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin.
Nếu bị nhẹ cần ăn ngay bánh, hoa quả… có sẵn. Nếu không đỡ, cần uống tối thiểu 15g đường (3 miếng đường hoặc 3 thìa càfe đường pha trong 100ml nước), hoặc 100-150ml nước ngọt (cocacola, nước hoa quả). Nếu vẫn không đỡ, ngay lập tức phải vào các cơ sở y tế để điều trị.