Xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ mầm non

Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), gây hậu quả đau lòng, ảnh hưởng đến dư luận và trật tự an toàn xã hội. Thực tế đó đòi hỏi vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em khi đến lớp, tới trường và việc cần thiết phải xây dựng môi trường giáo dục, chăm sóc trẻ an toàn, thân thiện, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” như khẩu hiệu mà ngành Giáo dục đặt ra và luôn phấn đấu để thực hiện hiệu quả.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ mầm non

Dạy trẻ các kỹ năng để chủ động phòng chống tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Tại các trường mầm non, để có được môi trường học tập an toàn, thân thiện, việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn cho đội ngũ giáo viên được quan tâm. Cô giáo Phạm Thị Hồng Luyến, Hiệu trưởng trường Mầm non Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) cho biết: Năm học 2022- 2023, nhà trường có 16 nhóm lớp, với 577 học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chú trọng công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo hành trẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh nâng cao nhận thức an toàn cho các con. Đồng thời hàng năm, nhà trường phối hợp tổ chức tập huấn cho giáo viên để có những hiểu biết và hướng dẫn, xử trí trong quá trình chăm sóc trẻ, tránh để xảy ra tai nạn thương tích, cam kết xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.

Để đảm bảo cho trẻ an toàn trong quá trình học tập, vui chơi, trường mầm non Khánh Hồng thường xuyên rà soát cơ sở vật chất, đồ dùng thiết bị, đồ chơi đã bị hư hỏng để kịp thời khắc phục sửa chữa; các phòng học được lắp đặt đủ ánh sáng; đồ dùng, đồ chơi được để gọn gàng, không có các vật sắc nhọn; các ổ điện được đặt cao và bọc kỹ… Chỉ đạo giáo viên tích hợp lồng ghép cách phòng chống tai nạn thương tích vào các hoạt động trong ngày; lồng ghép giáo dục cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng tránh một số tai nạn thường gặp phù hợp với lứa tuổi thông qua các tình huống, câu chuyện, qua các hoạt động trải nghiệm…, bảo đảm môi trường học tập, vui chơi an toàn cho trẻ trong các hoạt động hàng ngày. Do đó, nhiều năm học qua, tại trường mầm non Khánh Hồng không để xảy ra trường hợp mất an toàn, tai nạn thương tích, trẻ bị bạo hành, ngộ độc thực phẩm…

Nhận thấy sự cần thiết của việc giáo dục gắn với thực tế trực quan sinh động, cơ sở mầm non tư thục Mai Hoa, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) thường xuyên dạy trẻ bằng những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh, những tình huống được đặt ra dễ hiểu, dễ nhớ, giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ để thực hiện. Tại đây, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, như phòng tránh đuối nước, hỏa hoạn, động đất, bạo lực, xâm hại trẻ em… được đưa vào các tiết học giúp trẻ nhận biết được tình huống và hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Các giáo viên cũng hướng dẫn tỉ mỉ cho các em cách bảo vệ bản thân phòng tránh những tai nạn thương tích có thể xảy ra trong quá trình vui chơi, học tập như bị trượt, vấp ngã hay bị điện giật, bỏng nước sôi…

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ mầm non
Quan tâm, giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ khi đến trường.

 

Cô giáo Trần Thị Thu Thủy, giáo viên cơ sở mầm non tư thục Mai Hoa, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Trẻ mầm non còn nhỏ nên khi dạy trẻ, giáo viên phải là người nâng niu, dạy dỗ các em bằng tình yêu thương và sự tận tâm, kiên trì nhất. Để không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, giáo viên phải là người được đào tạo vững chuyên môn, có kiến thức về sư phạm mầm non, có kỹ năng trong dạy dỗ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ với tình yêu thương như một người mẹ hiền thứ hai của các em. Hơn nữa, trong quá trình dạy trẻ, mỗi giáo viên phải rèn cho mình tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, để trẻ thực sự yêu quý, sẵn sàng hợp tác, hạn chế thấp nhất các tình huống các em sợ hãi, không hợp tác, dễ dẫn đến ức chế, bực mình gây bạo hành với trẻ.

Nhà giáo Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 155 trường mầm non, trong đó có 146 trường mầm non công lập, 9 trường mầm non tư thục và hàng trăm các nhóm trẻ, cơ sở tư thục trông giữ trẻ mầm non tại các khu dân cư. Ở lứa tuổi mầm non, trẻ hiếu động, thích tự khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế, dẫn đến tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào.

Xác định đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở GDMN đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất cũng như tinh thần cho trẻ. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDÐT chỉ đạo Phòng GDĐT các huyện, thành phố tham mưu cho UBND các cấp ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý để đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ, thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương.

Cuối năm 2022, Sở Giáo dục đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo hành trẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm năm học 2022- 2023 tại 16 trường mầm non của 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả, 16/16 trường mầm non được kiểm tra đánh giá đạt các tiêu chí tại bảng kiểm cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo Thông tư số 45/2021/TTBGDĐT của Bộ GDĐT.

Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận còn có hạn chế như một số trường thiếu phòng học; chưa có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học; việc đảm bảo ATTP vẫn còn một số lỗi nhỏ… Từ đó đoàn kiểm tra kiến nghị với Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các trường mầm non khắc phục một số tồn tại mà đoàn nêu ra, đảm bảo cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được thực hiện an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xay-dung-moi-truong-giao-duc-an-toan-cho-tre-mam-non/d20230313200337799.htm