Thị xã Nghi Sơn hội tụ đủ cảnh sắc núi non, đồng bằng và ven biển, hệ thống di tích lịch sử – văn hóa đa dạng, phong phú gắn với các lễ hội truyền thống, ghi đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhân vật tiêu biểu trong lịch sử hình thành và phát triển quê hương, đất nước.
Những làng chài ở Nghi Sơn luôn có sức hấp dẫn du khách. Ảnh: Chi Anh
Thị xã Nghi Sơn – vùng đất nằm ở phía Nam tỉnh Thanh bao giờ cũng mang sẵn trong mình lời mời gọi tha thiết, khó chối từ. Nếu sự hiện diện của Khu Kinh tế Nghi Sơn tạo nên sức hấp dẫn của vùng đất sôi động, thì những vỉa tầng lịch sử – văn hóa lắng đọng theo thời gian với hệ thống di tích, thắng cảnh tựa như khúc ru tình đằm thắm, thẳm sâu.
Thị xã Nghi Sơn hội tụ đủ cảnh sắc núi non, đồng bằng và ven biển, hệ thống di tích lịch sử – văn hóa đa dạng, phong phú gắn với các lễ hội truyền thống, ghi đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhân vật tiêu biểu trong lịch sử hình thành và phát triển quê hương, đất nước. Vì lẽ đó, du khách khi đến với vùng đất này có cảm giác như đang được thỏa thuê du ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, đắm mình trong phù sa lịch sử – văn hóa bao đời bồi đắp và kiến tạo.
Về với thị xã Nghi Sơn, du khách háo hức ghé thăm quần thể núi và chùa Am Các, xã Định Hải. Nếu ai đã từng đến với Đà Lạt mộng mơ, “xứ sở Trịnh ca” hẳn sẽ lưu luyến mãi không thôi hình ảnh những đồi thông xanh mướt mát, lơi lả vui đùa cùng gió mây. Nhưng ít ai biết được rằng, ngay tại cung đường dẫn lên quần thể núi và chùa Am Các, du khách sẽ được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành và đắm mình trong màu xanh mướt, thoáng chút hoài cổ của khu rừng thông bạt ngàn. Tách mình khỏi ồn ã, xô bồ, chùa Am Các tọa lạc trên núi Các – quần thể bao gồm 9 đỉnh núi với một thảm thực vật phong phú, khí hậu mát mẻ, soi bóng mặt hồ nước trong xanh. Với độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, hẳn rằng nơi đây đã từng là một khiêu khích, thách thức lớn, ẩn chứa muôn vàn điều kỳ thú, bí ẩn về thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, theo thời gian, khi nhiều hiện vật, vết tích dần hiển lộ cho thấy sự tồn tại của ngôi chùa cổ thì nơi đây đã thu hút dấu chân của các nhà khảo cổ, giới nghiên cứu sử học, tôn giáo. Cùng với đó, chính sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều tấm lòng hảo tâm, quần thể tôn giáo – tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh này dần được khôi phục, tôn tạo, trùng tu, trở thành điểm du lịch độc đáo, ấn tượng, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Ngôi chùa thiêng, thanh tịnh giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình trên núi Các, xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn).
Rời Am Các khi lòng còn vương cảm giác tĩnh tại, an yên, không khí trong lành chốn thiêng này, du khách về với Biện Sơn xưa, xã đảo Nghi Sơn ngày nay. Chỉ riêng một cù lao nổi lên giữa vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng cũng hội tụ bao điều lý thú. Suốt chiều dài lịch sử từ khi hình thành cho đến nay, đất và người xã đảo Nghi Sơn đã trải qua biết bao thăng trầm, biến ảo. Những khó khăn, gian khổ đã hun đúc nên những đức tính tốt đẹp, sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phong phú góp phần tạo nên cốt cách của con người nơi đây.
Ngược dòng lịch sử, vùng đất này từng lưu dấu sự kiện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung – Nguyễn Huệ. Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung đã thống lĩnh đại binh ra Bắc đánh quân Thanh. Dọc đường đi, ông đã cho tuyển thêm quân lính. Khi tiến quân ra Tam Điệp, ông đã chia quân bộ làm 3 mũi. Cánh quân thủy đóng ở Biện Sơn, chia làm 2 mũi cùng hữu quân do các đô đốc chỉ huy vượt biển vào sông Lục Đầu. Phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn là một phần của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn mà những dấu tích đến nay còn hiện hữu là các đoạn tường thành: thành Đồn, thành Hươu, thành Nguyệt. Những dấu tích ấy là minh chứng tiêu biểu cho vị thế, vai trò cùng những đóng góp của mảnh đất này cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Lặng nghe trong tiếng sóng, không chỉ hòa mình cùng nhịp sống của ngư dân trên đảo, thỏa thuê tận hưởng hương vị thơm ngon từ những món ăn được chế biến từ các loại hải sản, trong tâm thế của một vị khách trên hành trình khám phá lịch sử – văn hóa xã đảo Nghi Sơn, du khách háo hức ghé thăm đền thờ vua Quang Trung, Quan sát hải đại thần, lãnh binh Tôn Thất Cơ, mộ vua bà Trần Quý Phi, Tứ vị thánh nương cùng với huyền tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy nơi giếng ngọc, hệ thống những chiếc giếng cổ mang kiến trúc, phong cách Chăm Pa… Xã đảo Nghi Sơn bãng lãng mây trời, mênh mông sóng nước, tựa hồ như một cung trầm xao xuyến, gợi thương gợi nhớ trên hành trình tìm về miền an yên, thanh bình…
Một góc xã đảo Nghi Sơn. Ảnh: Hoàng Hân
Nắng đầu hạ đã dát vàng những cung đường đến vùng biển thị xã Nghi Sơn, dẫn lối tìm về Hải Hòa, bãi Đông, Hải Thanh… để tận hưởng cảm giác du lịch biển rất riêng khác. Không quá tấp nập, nhộn nhịp, những vùng biển nơi đây khoác lên mình vẻ hoang sơ, phóng khoáng mà không kém phần hấp dẫn, gọi mời. Dạo bước trên bãi cát rộng, dài phẳng lặng, tiếng sóng đuổi từ khơi xa hôn khẽ vào bờ mơn man, da diết, lòng tự hỏi: Những vùng biển của thị xã Nghi Sơn như Hải Hòa, Hải Thanh, bãi Đông… có nhất thiết phải bước vào cuộc đua của sôi động, tiện nghi, sang trọng, đẳng cấp hay không? Phải chăng nét mộc mạc, hoang sơ, yên bình không thể làm nên nét hấp dẫn, đặc trưng riêng có? Thay bằng việc nỗ lực để “sánh vai” thì sao không định vị thương hiệu riêng từ những nét khác biệt và phát huy lợi thế vốn có?
Chẳng phải tất tưởi “ba chốn bốn nơi”, nhọc công sắp xếp, chỉ nội trong mảnh đất Nghi Sơn này cũng đủ đầy để du khách lên ý tưởng cho nhiều tour, loại hình du lịch hấp dẫn như sinh thái, tâm linh, camping (dựng trại, cắm trại), vui chơi giải trí… Mảnh đất này hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, định hướng của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn đã nỗ lực, phấn đấu, huy động nguồn lực nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế này, thúc đẩy du lịch phát triển.