Việt Yên (Bắc Giang) đang cán đích các tiêu chí của một thị xã. Một đô thị trên nền văn hóa bền vững. Không chỉ người dân Việt Yên tự hào bởi nhắc tới vùng đất này, mọi người liền nghĩ ngay tới thế núi, hình sông và con người nơi đây nổi danh từ thuở xa xưa. Ấy là mảnh đất tiếng thơm còn truyền như vẫn văng vẳng lời hịch “Nam quốc sơn hà” hay lời răn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”…
Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Cầu thơ mộng như một dải lụa xanh ôm lấy mảnh đất Việt Yên – một vùng “địa linh, nhân kiệt” xưa nay. Phía bắc huyện lại có sông Thương và có thêm ngòi Đa Mai (thuộc sông Như Thiết) mang nước và phù sa từ Thái Nguyên về tưới dưỡng và bồi đắp cho những cánh đồng quanh năm mướt xanh. Cũng thật lạ kỳ trên mảnh đất này, cùng với những dòng sông và những dãy núi Nham Biền, Con Voi, Mỏ Thổ… thiên nhiên còn ban tặng hầu như làng xã nào cũng có khu đất thiêng nổi cao hơn hẳn.
Thị trấn Bích Động nhìn từ trên cao. Ảnh: Việt Hưng. |
Nơi ấy, xưa kia các cụ dựa vào thuật phong thuỷ xây nên những ngôi đình, mái chùa với nét kiến trúc độc đáo. Chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà và nhiều công trình mới được trùng tu như chùa Bài, đình chùa Hoàng Mai, Sen Hồ, chùa Sùng Quang… là những chứng tích văn hoá lâu đời của ông cha ta trên mảnh đất này mà gần đây mộc bản và lễ hội chùa Bổ Đà, văn hóa Quan họ bên bờ bắc sông Cầu… đã được vinh danh là Di sản thế giới.
Sinh trưởng trên mảnh đất thiêng, về khoa bảng tính từ thời Lê đến đời Nguyễn, Việt Yên đã có 18 người đỗ tiến sĩ. Riêng Yên Ninh được mệnh danh là “làng tiến sĩ” với 10 người đỗ đạt cao, trong đó Thân Nhân Trung là một trong “nhị thập bát tú” Tao đàn, được nhà vua tấn phong là Phó nguyên suý. Sử sách còn ghi câu nói nổi tiếng của ông còn khắc ghi trên bia đá Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đáng tự hào là chính dòng họ Thân Yên Ninh, cha con ông cũng đã dâng hiến cho đất nước tới bốn vị “hiền tài” như thế.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang ấy, lớp lớp cháu con đã viết thêm những trang hùng ca trong bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Từ chiến công của Thạch tướng quân đánh giặc Man Khấu đến các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Thanh…; từ các cuộc chiến đấu đánh Pháp, đuổi Nhật đến đánh thắng giặc Mỹ và chiến tranh biên giới… quân và dân Việt Yên đã ghi thêm những chiến công lừng lẫy xứng danh mảnh đất Anh hùng.
Đình làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên). Ảnh: Hương Giang. |
Những địa danh phòng tuyến sông Cầu, núi Tam Tầng, Mỏ Thổ, trận địa phòng không Đình Trám, Đài chiến thắng kỷ niệm chiếc máy bay thứ 1.300 của Mỹ bị bắn rụng trên cánh đồng Khả Lý… còn vang mãi bản hùng ca chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ mảnh đất thiêng này. Bởi vậy, kế tiếp truyền thống kiên trung, thời kỳ nào Việt Yên cũng có những Anh hùng như chống Pháp có Anh hùng Chu Văn Mùi, Nguyễn Văn Ty; chống Mỹ có Anh hùng Nguyễn Văn Cốc cùng hàng chục Mẹ Việt Nam Anh hùng và thời kỳ đổi mới có Anh hùng Nguyễn Hữu Phải…
Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Truyền thống văn hoá và chiến thắng giặc ngoại xâm đã tạo nên những nét độc đáo mà phong phú của người Việt Yên. Thấy được thế mạnh nhiều mặt của mình, không dừng lại trong phát triển kinh tế thuần nông, từ xa xưa những nơi gần sông nước có thêm nghề vận tải thuỷ, bên sông trồng dâu canh cửi; nơi có thế mạnh về trồng trọt và giao lưu kinh tế có nghề nấu rượu và sản xuất gốm (làng Vân và Thổ Hà); phục vụ sản xuất có nghề rèn sắt Ninh Khánh; trồng rau màu có Quảng Minh, Quang Châu; tranh thủ lúc nông nhàn có nghề tre đan Tăng Tiến… tất cả đều tồn tại như một sự tất nhiên của cuộc sống mà ông cha từng trải bao đời nay.
Dưới bàn tay khéo léo của các bà, các chị, cốm được chế biến thành kẹo cốm, chè cốm, xôi cốm… Người dân nhiều nơi biết tiếng cốm Đức Liễn tìm đến đặt hàng để dùng trong dịp lễ Tết hoặc làm quà biếu tặng đậm đà tình quê hương. |