Không thể để tuyến đường mang tên Bác kéo dài tiến độ thêm nữa

Đây là ý kiến đồng thuận của nhiều Đại biểu trong chương trình làm việc chiều ngày 6/6 tại Nhà Quốc hội.
Hoitruong

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, chiều 6/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Chậm tiến độ vì sao?

Tại Hội trường, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có trong việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc vẫn lo lắng thực trạng đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm và tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết.

TranVanTien

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc)

Về nguyên nhân của hạn chế, đại biểu cho rằng do ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm; Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.

Nêu quan điểm về kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo, đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ giai đoạn 2021- 2225 tiếp tục đầu 4 dự án thành phần đã xác định được nguồn vốn và 1 dự án thành phần chuyển tiếp với quy mô 2 làn xe; còn một dự án thành phần, đoạn từ Cổ Tiết đến chợ Bến Giải 87,5 km chưa có kế hoạch đầu tư. Tiếp tục đầu tư đường cao tốc theo quy hoạch đã có chủ trương giai đoạn sau năm 2035 căn cứ vào quy hoạch nguồn lực và nhu cầu giao thông đầu tư khoảng 634 km đường cao tốc. Tuy nhiên, với kế hoạch này đại biểu băn khoăn tuyến đường mang tên Bác, qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến, chưa rõ đến thời gian nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành tuyến đoạn tuyến Cổ Tiết đi Chợ Bến Lại 87,5 km trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 2 làn xe để đảm bảo tuyến đường Hồ Minh được thông tuyến và để hoàn thành và thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng), báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân là do có nhiều dự án quan trọng cấp quốc gia được thực hiện cùng thời điểm dẫn tới nguồn lực hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ đủ nguồn vốn. Đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, nguyên nhân này là chưa thuyết phục vì dự án là tuyến đường huyết mạch đã được giảm quy mô đầu tư. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nguyên nhân thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đầu tư, nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với quy hoạch và nguồn lực hiện nay, đảm bảo tính khả thi.

Đánh giá tác động của dự án đến việc di dân, tái định cư, công tác an sinh xã hội

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Hơn nữa, để tích hợp dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đồng bộ với quy hoạch đô thị, bố trí, sắp xếp tái định cư cho người dân để đảm bảo tính khả thi của dự án. Cùng với địa phương xây dựng tuyến đường này và việc bố trí, sắp xếp dân cư và tiếp tục chủ trương xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm huy động thanh niên nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án vào cụm công cụ khôi phục phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là điều kiện để giáo dục, tạo điều kiện để thanh niên rèn luyện, cống hiến trong giai đoạn hiện nay.

DangThiBaoTrang

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nơi tuyến đường đi qua.

Để triển khai nhanh chóng, kịp thời các dự án cao tốc nói chung cũng như dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án Hồ Chí Minh nói riêng, giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Cho phép UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Đại biểu cho rằng, cùng với quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc đổi mới tư duy trong việc phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa giúp cho những người làm giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc Nam vào năm 2025, tạo tiền đề để đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.

Chậm do thiếu vốn

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại nên được quan tâm đầu tư xây dựng, thể hiện bằng hai Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ cũng đã tập trung bố trí vốn triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT quyết liệt triển khai.

Giai đoạn 2000 – 2010, tiến độ dự án triển khai rất tốt. Giai đoạn 2011 – 2015, dự án cũng được bố trí nguồn lực rất lớn, trong đó có đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đang triển khai nhưng đã xảy ra khủng hoảng kinh tế ở giải đoạn 2008 – 2010. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 dừng giãn tiến độ rất nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh.

Nguyenvanthe

Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tiếp thu và giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu

Giai đoạn 2016 – 2020, khởi động lại các dự án dừng giãn tiến độ, trong đó tập trung dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án khác. Chính vì vậy, nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở không được nhiều. Do không có đủ nguồn lực để triển khai dự án, một số đoạn tuyến triển khai chậm.

Thêm nữa, dự án đường Hồ Chí Minh có địa hình, địa chất phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, một số địa phương chậm trong giải phóng mặt bằng cũng dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Về nguồn vốn triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thểcho biết, các tuyến cao tốc hiện nay được thực hiện theo Luật Đầu tư công, đã bố trí đủ nguồn vốn, sẽ không lặp lại như tình trạng thiếu vốn trước đây.

“Với sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và địa phương, thời gian tới, dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án sẽ có tiến độ tốt”, Bộ trưởng Thể khẳng định.

 

Quang Vũ (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-the-de-tuyen-duong-mang-ten-bac-keo-dai-tien-do-them-nua-d183280.html