Xã Tự Do – triển vọng phát triển kinh tế từ nuôi cá dầm xanh

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường đến thác Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn) đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thu hút du khách đến đây ngày một đông hơn. Vì thế, nhu cầu thưởng thức ẩm thực địa phương cũng tăng lên. Một đặc sản được khách du lịch ưa thích là cá dầm xanh nuôi thả sạch tự nhiên, cung không đủ cầu.

Anh Quách Văn Chương, xóm Sát, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (bên trái)đầu tư nuôi cá dầm xanh kết hợp làm du lịch cộng đồng.

Đưa chúng tôi đến thăm khu vực nuôi cá dầm xanh của gia đình, anh Quách Văn Chương, Bí thư Chi bộ xóm Sát chia sẻ: Qua tìm hiểu mô hình nuôi cá dầm xanh ở Thanh Hóa – loài cá có giá trị kinh tế cao, chắc thịt, ngon, được thị trường ưa chuộng, năm 2013, tôi đã học hỏi, nghiên cứu kiến thức, mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống ao nuôi cá dầm xanh. Ban đầu, để có giống cá nuôi thả, tôi phải đi bộ theo đường mòn qua núi đá để gánh cá giống từ trong suối cá – tỉnh Thanh Hoá về. Khi mới bắt tay vào nuôi cá gặp không ít khó khăn, hệ thống ao chỉ có 500 m2 mặt nước, cá chậm lớn do chưa có kiến thức về nguồn thức ăn phù hợp. Tuy vậy, ưu điểm của loài cá này là có sức đề kháng cao nên ít bị bệnh, chết, thức ăn thì có sẵn tại địa phương nên dễ nuôi. Cá dầm xanh nuôi trong ao cho thịt săn chắc, thơm ngon không kém gì cá sinh sống trên sông, suối nên có giá trị kinh tế cao hơn loài cá thông thường. Từ khi thả cá đến xuất bán khoảng 18 – 24 tháng, trọng lượng từ 1,8 – 2 kg/con. Với giá bán trung bình 250.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình thu về 75 – 90 triệu đồng.

Bên cạnh đó, gia đình anh Chương còn đầu tư làm du lịch cộng đồng, từ đó đảm bảo đầu ra ổn định cho cá dầm xanh. Đến nay, gia đình anh đã phát triển lên 4 ao nuôi, tổng diện tích 3.000 m2, nuôi từ 250 – 270 con cá dầm xanh.

Xóm Sát, xã Tự Do là điểm vùng cao nhất của huyện Lạc Sơn. Xóm có 125 hộ với 532 nhân khẩu, trong đó có 42 hộ nghèo. Phát triển kinh tế ở địa phương chủ yếu là làm nương. Là bí thư chi bộ, nhận thấy trong xóm còn nhiều hộ nghèo, học tập và làm theo Bác về tinh thần “Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình”, anh Chương đã chia sẻ, vận động bà con làm theo mô hình của gia đình mình. Với điều kiện tự nhiên sẵn có, xóm Sát có nguồn nước suối từ trong núi đá chảy ra mát lạnh quanh năm là điều kiện lý tưởng để nuôi cá dầm xanh phát triển kinh tế. Hiện nay, trong xóm đã có 35 hộ dân làm theo mô hình nuôi cá dầm xanh, phát triển trên 50 ao cá, tạo việc làm cho hơn 100 lao động, mang lại thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Đồng chí Bùi Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết: Xã có 5 xóm gồm: Mu Khướng, Kháy Mòn, Cối Cáo, Sát, Rì. Dựa vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, có danh thắng thác Mu và nét văn hoá dân tộc Mường đặc sắc, một số hộ ở xóm Mu Khướng và xóm Sát phát triển loại hình homestay đón khách tham quan và lưu trú. Trong phát triển du lịch, con cá dầm xanh đã khẳng định được giá trị, cung không đủ nhu cầu của du khách. Đến nay, toàn xã có gần 40 hộ nuôi cá dầm xanh, nhưng chủ yếu vẫn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Nuôi cá dầm xanh cũng tương tự như cá hồi, cá tầm, nước phải sạch. Có thể khẳng định, nuôi cá dầm xanh đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần tăng thu nhập, phát triển KT-XH trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn nhất của bà con là chưa chủ động được con giống, vẫn phải mua tận Thanh Hóa. Chính quyền địa phương và bà con mong muốn được cấp trên, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, nhân được con giống đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi của người dân trên địa bàn. Từ đó, mở ra cơ hội phát triển nuôi cá dầm xanh quy mô hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hương Lan

Nguồn Báo Hòa Bình: https://www.baohoabinh.com.vn/314/192434/Xa-Tu-Do-trien-vong-phat-trien-kinh-te-tu-nuoi-ca-dam-xanh.htm