Phó Tổng Thanh tra CP Bùi Ngọc Lam cho biết, đến nay một số nội dung theo kết luận của thanh tra về vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn chưa được Hà Nội xử lý kiên quyết, triệt để.
Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/11, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về vi phạm trong quản lý đất rừng Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện kết luận Thanh tra vẫn chưa triệt để, nhiều công trình vi phạm tồn tại ngang nhiên, thậm chí nhiều công trình mới được xây dựng trái phép như báo chí phản ánh.
“Vậy, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ có biện pháp gì đốc thúc Hà Nội thực hiện nghiêm kết luận của thanh tra, xử lý vi phạm?”, phóng viên hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Bùi Ngọc Lam cho hay, từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Một trong các công trình xây dựng tại khu vực Sóc Sơn.
“Đến nay nhiều nội dung đã được Hà Nội thực hiện, nhưng còn một số nội dung Hà Nội xử lý chưa kiên quyết, triệt để mà báo chí đã nêu. Đặc biệt, việc xử lý đối với các công trình xây dựng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… chưa triệt để”, ông Bùi Ngọc Lam nêu.
Ông nói thêm, chính vì việc này mà vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định, tiến hành thanh tra nhằm phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh, đồng thời cũng là kiểm tra đôn đốc việc chấp hành của TP với huyện trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
“Khi Hà Nội có báo cáo, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, đốn đốc việc thực hiện. Nếu cần thiết, Thanh tra Chính phủ sẽ có đề xuất, kiến nghị với Hà Nội để xử lý sao cho nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, ông Lam nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định thêm: “Dù thế nào pháp luật cũng phải được thực hiện và những sai phạm phải được xử lý.
Sau khi Hà Nội ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện việc thực hiện kết luận thanh tra”.
Từ đầu những năm 2000, những công trình kiên cố như biệt thự, biệt phủ đầu tiên đã mọc lên trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội). Tới năm 2006, TTCP đã vào cuộc có kết luận thanh tra xử lý và các công trình đã xây dựng chính quyền xã chỉ ‘phạt cho tồn tại’.
Thậm chí nhiều năm qua, các công trình cũ vi phạm không bị cưỡng chế phá dỡ mà nhiều công trình mới tiếp tục mọc lên, trong khi chính quyền địa phương “thờ ơ” với những sai phạm này.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, hiện trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú có tổng số 45 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ. Việc xác nhận vào hồ sơ chuyển nhượng vi phạm đều do UBND các xã thực hiện.
Trước tình trạng vi phạm đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn, mới đây UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Trong văn bản nêu trên, UBND TP Hà Nội đánh giá việc xử lý, khắc phục vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn là còn chậm, chưa triệt để.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP đã công bố thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại các xã Minh Phú, Minh Trí từ năm 2008 đến nay.
UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế một số công trình vi phạm, đồng thời giao các ban ngành liên quan giám sát quá trình xử lý.
Ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tổ chức cưỡng chế các công trình sai phạm ở Sóc Sơn, trong tháng 12 này sẽ không còn trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mới nào tồn tại.
Với các công trình vi phạm trước đó, các đơn vị cần thực hiện đúng theo kết luận của TTCP.
“Sau khi Thanh tra TP thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, ông Chung khẳng định.