Một em bé 6 tuổi đã tử vong vì bị bỏ quên trên xe bus đến trường. Nhưng điều đau lòng hơn cả là khi chuyện đó xảy ra, nhà trường thay vì nhìn thẳng vào sự thật và nhận lỗi đã liên tục lập lờ nhằm biện hộ cho trách nhiệm của mình.
Cái chết bị bỏ quên
Cậu bé ấy mới 6 tuổi, trở thành học sinh lớp 1 được 2 ngày, tương lai đáng lẽ còn rất dài, vô cùng dài, nhưng tương lai ấy, từ hôm qua đã trở thành một điều không thể có được nữa. Khăn quàng đỏ em còn chưa kịp đeo thì khăn tang trắng đã rủ xuống cả gia đình.
Buổi sáng, em còn vui vẻ đi học, được bố đưa ra điểm đón xe bus của trường. Buổi chiều, bố gặp lại em, nhưng không phải ở điểm đón như đã hẹn, mà là ở nhà đại thể Bệnh viện E. Em đã trở thành người của cõi khác, chỉ sau vài giờ cách xa.
Thông tin kinh khủng ấy khiến tất cả chúng ta, dù đã làm cha mẹ hay chưa đều bàng hoàng. Làm thế nào mà một cháu bé lớp 1 được đưa đến trường bằng xe đưa đón riêng, sau đó bị “bỏ quên” tại ô tô từ 7h sáng đến 16h chiều, đến khi xe quay về trường đón học sinh tan học trở về, mới được phát hiện ra, theo như nhà trường báo với mẹ cháu là “bị ngất”, nhưng bệnh viện nơi bé được đưa đi cấp cứu báo với bố cháu là “đã tử vong từ lâu”?
Sự việc ấy xảy ra có lẽ vì nhiều lý do, mà rõ ràng nhất là sự tắc trách dây chuyền của hàng loạt người lớn: cô giáo phụ trách ô tô không điểm danh, không kiểm tra các em bé (dù xe chỉ 16 chỗ, và chỉ có 13 em bé lên xe hôm ấy), tài xế rời xe không buồn kiểm tra, cô giáo dạy thấy thiếu học sinh cũng không có hành động đơn giản là liên lạc với phụ huynh học sinh vắng mặt.
Và một trong lý do khác được đưa ra chính là do trường quá hiện đại, quản lý học sinh bằng thẻ từ, bằng app, mọi thông tin liên lạc giữa cô giáo và phụ huynh phải thông qua bên thứ ba – bộ phận văn phòng của nhà trường, mà hôm ấy, người phụ trách không đi làm việc. Thật lạ, trách nhiệm của con người lại tắc nghẽn chỉ vì một con người không đi làm hôm đó?
Nhưng điều mất nhân tính nhất, khó chấp nhận nhất, đó chính là sự quanh co, gian dối của những người “xử lý truyền thông” trong sự vụ này và cả những người đứng đầu nhà trường, tự nhận là chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Đối diện với sai lầm, họ đã chọn cách liên tục quanh co khi khai báo về cái chết của em bé. Có một điều mà tất cả chúng ta đều được dạy từ khi còn thơ bé, đó là phải biết trung thực. Mà đối với người lớn, nhất là người làm trong ngành giáo dục,trung thực càng quan trọng gấp bội.
Nhưng qua những gì đại diện trường Gateway xử lý, chúng ta có quyền nghi ngờ sự trung thực và tư chất, khả năng dám thừa nhận sai lầm của họ. Điều gia đình cháu bé và dư luận quan tâm nhất, đó chính là nguyên nhân và thời điểm tử vong. Nguyên nhân cụ thể thì phải chờ bên điều tra và khám nghiệm tử thi công bố, còn thời điểm được phát hiện ra, 16 giờ chiều, tình trạng bé ra sao, phía nhà trường và bệnh viện dường như không thống nhất.
Trong clip ghi lại buổi làm việc giữa gia đình và đại diện nhà trường ở phòng giao ban của Bệnh viện E, một cô giáo trẻ nói rằng, có 2 y tá của trường sơ cứu cho bé trước khi đưa vào cấp cứu, hô hấp nhân tạo, ép tim, có mạch và khẳng định tay chân bé còn mềm. Nghĩa là, họ khẳng định bé còn sống, và thông báo với người mẹ là “cháu bé bị bất tỉnh” rồi “lãnh đạo và nhiều thầy cô có mặt ở bệnh viện để theo dõi tình hình của em”.
Nhưng bệnh viện nói với bố bé rằng bé đã tử vong từ rất lâu trước khi được nhập viện. Và hình ảnh do camera quay được cảnh đưa bé vào trường – thứ không biết nói dối – có lẽ cũng xác nhận điều này, khi tất cả đều thấy cháu bé đã cứng đờ, duỗi thẳng chân tay khi được đưa xuống từ xe 16 chỗ.
Không chỉ trong lời trao đổi, những giấy tờ mà phía Gateway cung cấp cũng cho thấy sự không đàng hoàng của những người lớn có liên quan đến cái chết của đứa trẻ. Dân mạng phẫn nộ khi nhìn cái bản tường trình của đại diện 1 trường quốc tế có mức học phí hơn trăm triệu đồng/ năm mà như tờ giấy lộn, một mảnh nháp viết vội với những dòng chữ lên dốc xuống đèo, cẩu thả không chấp nhận nổi.
Cũng có thể họ run rẩy, choáng váng khi viết những dòng đó.
4 cái “ngay lập tức” và sự kém đoàng hoàng của những người liên quan
Nội dung bản tường trình viết tay có đến tận 4 cái “ngay lập tức” của nhà trường sau khi sự việc xảy ra, nhưng cháu bé chỉ cần duy nhất 1 cái “ngay lập tức” của bất kỳ ông tài xế, cô phụ trách hay giáo viên chủ nhiệm vào buổi sáng hôm đó, mọi sự sẽ khác. 4 lần “ngay lập tức” để chứng minh trách nhiệm, thực ra đã tố cáo sự vô trách nhiệm tột cùng.
Chưa hết, đang từ chỗ tất cả bỏ rơi, nhốt chặt 1 đứa bé trên xe bus từ sáng đến chiều, không có dưỡng khí, nước uống hay thức ăn, không ai biết cho đến khi, tôi xin lỗi phải nói thẳng, cháu là một cái xác cứng đờ, ai mà biết được trước đó đã bị giày vò nhường nào, chịu hoảng loạn, đau khổ, vật vã nhường nào để tìm lối ra, chỉ với 1 dòng chữ, họ thừa nhận chuyện “phát hiện 1 bé bị bất tỉnh trên xe” cứ như có một em bé nằm ốm trên xe, vô sự, chỉ mệt và chẳng có hề gì!
Sau buổi làm việc tại bệnh viện, trường Gateway cung cấp biên bản giải trình nội dung sự việc viết tay như sau: “Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh và đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường”.
Tuy nhiên, báo cáo nhanh của Trường Tiểu học Quốc tế Gateway lại có điểm mâu thuẫn với nội dung viết tay như trên khi ghi rằng: “Trên lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy – phụ trách lớp 1 Tokyo điểm danh học sinh thì không thấy có nhưng không có bất cứ thông báo nào. Trong suốt thời gian xe kết thúc đưa đón học sinh đến trường và quay lại trường là 16h10, lái xe và Monitor (nhân viên hỗ trợ) không kiểm tra lại xe”.
Có thêm một điểm bất thường, gian dối của một tổ chức tự nhận đang làm cái nghĩa vụ trồng người!
Trên trang web của trường, người ta cũng đưa ra bảng thông báo “về sự việc nghiêm trọng xảy ra ngày 06/08/2019”, rằng “tại khu vực cổng trường Tiểu học Quốc tế Gateway Cầu Giấy đã phát hiện sự việc có một học sinh lớp 1 của trường bất tỉnh trên xe buýt. Ngay sau khi phát hiện, nhân viên nhà trường đã đưa em vào Phòng Y tế để sơ cứu, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa em đến Bệnh viện E gần nhất nhưng rất tiếc em đã không qua khỏi” mà không có lời xin lỗi gia đình nạn nhân.
Sau khi bị dân mạng chỉ trích, thông báo này cũng được chỉnh sửa đến 3 lần, nhà trường cũng đăng thông cáo báo chí với nội dung tương tự, nhưng tuyệt nhiên, sự dối trá, vòng vo trong việc khai báo nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé trai lớp 1 vẫn còn nguyên.
Vậy là, có xin lỗi, có hứa “chịu hoàn toàn trách nhiệm”, nhưng họ vẫn tìm mọi cách không nhận lỗi thật, đó là “để quên một học sinh trên xe đến chết”, mà tìm đủ cách né tránh trách nhiệm, rằng lỗi do quy trình vận hành, lỗi do phát hiện chậm, lỗi do cấp cứu không kịp thời, lỗi do… cháu bé không qua khỏi.
Chưa kể, Facebook đại diện cho nhà trường, không hiểu sao đã lặng lẽ biến mất trong màn đêm. Gateway thể hiện quá nhiều sự hèn nhát, không dám đối diện với sai lầm của chính mình. Việc đã xảy ra, người cũng chẳng còn, cái mà nhà trường cần làm để chứng tỏ cái “trách nhiệm” của họ chính là thẳng thắn thừa nhận, đối chất, ăn năn. Nhưng họ chẳng làm được. Vậy, tư cách gì để dạy dỗ lứa trẻ con đang còn ê a đánh vần, chưa biết rõ đâu phải đâu trái?
Luận điệu ấy, đó là tội ác chứ không phải là sợ sệt. Lời ngon ngọt hàng ngày thì dễ nói ra. Lời xoa dịu xóa đi gõ lại, chỉnh sửa cho mượt mà cũng chẳng khó. Mạng người đã mất, và cách xử lý “vụ việc” ấy ra sao đã thể hiện rõ đạo đức, lương tri, bản chất của một con người.
Giờ bà Hiệu trưởng, nhà trường xin lỗi và chịu hoàn toàn trách nhiệm? Họ chịu trách nhiệm gì khi con người ta đã chết rồi? Bố mẹ cậu bé vĩnh viễn mất đi cậu con trai bé bỏng mà họ đếm từng ngày để chờ con khôn lớn, và ngay đến một lời xin lỗi tử tế, một sự xác nhận công bằng mà nhà trường còn không dám nhận, họ sẽ nhận trách nhiệm kiểu gì?
Sợ trách nhiệm đi kèm với đổ lỗi là bệnh chung của rất nhiều người. Hân hoan, hạnh phúc biết bao khi là tâm điểm tung hô, khen ngợi nhưng ê chề cay đắng biết bao khi có biến cố, đám đông lại toàn lời nặng nề, sắc mỏng, thậm chí còn là trách nhiệm đi cùng.
Nhưng tất cả những gạch đá dư luận, những chỉ trích ấy có là gì so với nỗi đau không thể bù đắp của gia đình em bé, cố gắng cho con học trường có điều kiện nhất, đầy hy vọng rằng con sẽ lớn lên giỏi giang, nhưng chỉ ngày thứ hai đến trường, họ chỉ còn được đón về một cái xác không lành lặn vì mổ xẻ pháp y tìm nguyên nhân và thời điểm chính xác bé tử vong, chỉ vì sự vô trách nhiệm của những người lớn.
Thành thật nhận lỗi, thẳng thắn gánh vác trách nhiệm luôn là một điều vô cùng khó, nhất là khi nó liên quan đến sinh mạng của con người. Nhưng đó cũng là cách duy nhất và hiệu quả nhất để cho thấy sự chân thành, cầu thị của những người có liên quan, chứ không phải tuôn những lời hoa mỹ để vỗ yên dư luận.
Trong câu chuyện của em bé lớp 1 chết oan trên đường đi học, việc nhà trường trung thực không chỉ là sự an ủi gia đình người đã khuất, đó còn là thể hiện tính giáo dục, sự đàng hoàng của những người làm giáo dục.