Hình ảnh minh họa
Gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể không giống như chúng ta đã nghĩ, cả Mỹ và Iran đang theo đuổi những mục đích riêng để “kiếm lợi” trên một sân khấu kịch Trung Đông.
Ngày 8/7, tờ Jerusalem Post xuất bản bài viết: “Phân tích trò chơi làm giàu nguyên liệu hạt nhân của Iran” (Iran’s nuclear enrichment game – Analysis) của tác giả Seth J.Frantmant.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ, cũng như ảnh hưởng của nó tới khu vực và toàn cầu, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Iran đang “diễn kịch” trên nguy cơ chiến tranh khu vực?
Nếu các nhà biên soạn tài liệu miêu tả các phương thức đàm phán, thì nên có một chương mới bổ sung chiến lược đàm phán của Iran về chương trình hạt nhân của mình.
Kể từ khi Tehran đàm phán thành công Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, họ đã thành công đưa các cường quốc phương Tây vào vị thế phòng thủ liên quan đến tham vọng của chính họ.
Đây không chỉ là việc Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, mà thực sự là Iran đã có được mọi thứ họ muốn, bao gồm các ưu đãi tài chính và các chính sách từ nước ngoài khuyến khích không chế tạo vũ khí hạt nhân.
Với năng lực quân sự của mình và các đồng minh ủy nhiệm ở các nước trong khu vực, Iran không cần tới vũ khí hạt nhân để tránh bị xâm lược.
Những gì Tehran đã làm về bản chất là cho châu Âu một năm để đưa ra cách giúp họ né tránh các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, vốn gia tăng lên sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận Iran vào tháng 5/2018.
Thời điểm tháng 5/2019 đến và các nước châu Âu vẫn còn không tạo ra một cơ chế tài chính để giúp Iran tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran quyết định tiến lên phía trước với trò chơi “Người Iran tốt – Người Iran xấu”.
Chúng ta hãy nhớ rằng thỏa thuận Iran đã được Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức và Liên minh châu Âu ký kết.
Với Iran, vấn đề không nằm ở Nga, Trung Quốc và Mỹ. Iran đã có mối quan hệ đồng minh thân thiện với Trung Quốc và Nga, được làm rõ bằng các cuộc họp vào tháng trước ở Trung Á.
Còn đối với Mỹ, Iran tỏ rõ sự bất hòa với chính quyền của ông Trump. Đối với Tehran thì vấn đề với Washington là phần chìm của tảng băng, họ chưa sẵn sàng để đàm phán lại một thỏa thuận mới (điều mà ông Trump mong muốn).
Và mục tiêu của Iran là EU và hai mắt xích yếu nhất là Đức và Pháp.
Trong tuần này Tehran tuyên bố rằng họ sẽ bắt đầu làm giàu Uranium tới 4,5% (vượt quá giới hạn 3,67%). Ngày 8/7, không có gì ngạc nhiên khi họ đã thông qua Press TV rằng có thể đạt tới mức làm giàu Uranium 20% nếu người châu Âu không có hành động.
Giáo chủ Iran, Ali Movahedi Kermani (đại diện IRGC) hôm 7/7 tuyên bố sẽ tấn công lò phản ứng hạt nhân Negev của Israel và “thổi bay Israel đi 200 lần”. Tuy nhiên phát ngôn của ông Kermani không phải là phát ngôn chính thức của chính quyền Iran.
Chúng ta cần phải tìm hiểu chiến thuật của Iran. Thông thường đàm phán với Iran được nhìn qua lăng kính của người phương Tây. Chẳng hạn, câu chuyện phổ biến ở Mỹ vào năm 2015 là nếu không có thỏa thuận thì sẽ có chiến tranh.
Đó phần lớn là hành động tuyên truyền của Tehran, cố tình để công chúng phương Tây đứng trước lựa chọn khắc nghiệt là một thỏa thuận hoặc chiến tranh. Vì các nước phương Tây rõ ràng không muốn chiến tranh, họ sẽ chọn thỏa thuận.
Đây là một phần của chiến lược với vai trò “Người Iran tốt”, ở vai trò “Người Iran xấu” họ liên tục tuyên bố rằng nếu Mỹ hoặc các nước phương Tây không làm những gì Iran muốn, thì những người cứng rắn của họ sẽ lên nắm quyền.
Tuy nhiên, khi Iran đàm phán với Trung Quốc hoặc Nga, họ không đề cập đến bất kỳ phe cứng rắn nào và các báo cáo của người Nga dường như không kết luận rằng nếu Iran không đạt được những gì họ muốn thì những “kẻ xấu tính” như vậy sẽ thay thế.
Lý do mà Iran, nhấn mạnh đến sự tồn tại của phe cứng rắn, là chơi trò chơi theo tư duy phương Tây, coi thế giới là xoay quanh những gì mà chính phủ các nước phương Tây làm.
Thực tế ở Tehran là một hệ thống kịch nghệ dường như đã được áp dụng. Bộ Ngoại giao đang diễn vai là một tổ chức của những người ôn hòa, trong khi Vệ binh Cách mạng (Hồi giáo IRGC) hoặc Lãnh đạo tối cao là những người cứng rắn. Tất cả chỉ là một vở kịch.
Một biếm họa thể hiện TT Mỹ Trump là người hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân của người tiền nhiệm Obama.
Vấn đề hạt nhân của Iran chỉ là phương tiện dẫn tới “kết thúc”
Chiến thuật đàm phán thứ hai của Iran là sử dụng mối đe dọa hạt nhân như một “lá bài” thương lượng. Điều này rất thú vị bởi vì có vẻ Iran cũng chỉ muốn năng lực hạt nhân hòa bình, và thậm chí họ đã thông qua một sắc lệnh tôn giáo chống lại việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Nếu đã có một sắc lệnh tôn giáo và việc làm giàu Uranium chỉ là để khai thác vấn đề năng lượng thì tại sao Iran lại sử dụng nó như một cây gậy để đe dọa người khác?
Nếu đúng như Iran nói về việc làm giàu Uranium lên mức 20% không phải là vấn đề kỹ thuật thì đó là thông điệp rõ ràng rằng làm giàu chỉ là một con đường để có được những thứ khác mà Iran muốn.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc gia nhập phiến quân thì Iran cũng đưa người Haraza Afghanistan tới tham chiến ở Syria trong thành phần lực lượng chính phủ Syria từ đầu cuộc chiến.
Theo ABC News, mức độ làm giàu và dự trữ Uranium đã làm giàu cao có thể khiến thời gian một năm là đủ để Iran sở hữu nguyên liệu cho một quả bom nguyên tử. Đây có thể coi như một “lưỡi dao” của Iran luôn treo lơ lửng trên đầu các quốc gia đàm phán thỏa thuận.
Từ quan điểm của Tehran, đây là một lá bài tuyệt vời, bởi vì bất cứ khi nào họ muốn thứ gì đó, họ chỉ cần đe dọa thu hẹp thời gian tương đối ngắn mà họ cần để có được một quả bom.
Mục tiêu thực sự của Iran là tiếp tục mở rộng kho vũ khí thông thường của mình, như máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo và họ muốn thống trị khu vực bằng các lực lượng ủy nhiệm và biến chúng thành một vòng cung ảnh hưởng của Iran từ Lebanon đến Syria, Iraq và Yemen.
Vấn đề hạt nhân xuất hiện giống như một phương tiện để kết thúc (kế hoạch), không phải là kết thúc (bằng một cuộc chiến).
Iran cũng không xem quả bom nguyên tử là kết thúc, mà chỉ là cách để có được thứ họ muốn, có hoặc không có quả bom. Dường như, Tehran đã thành công mà không cần chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mục tiêu của Iran bây giờ là sử dụng mức độ làm giàu như một cách để từ từ cải tiến phương pháp tiếp cận với thứ họ muốn.
Họ đã chọn mục tiêu đe dọa là một số quốc gia, đặc biệt là Pháp và Đức. Tehran biết rằng cả hai quốc gia này không muốn xung đột, và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để nói với Mỹ để tránh khỏi xung đột.
Mục tiêu của Iran là khiến các quốc gia này trở thành “đồng minh” của họ. Cho họ thấy Tehran đang bị Washington cô lập một cách phi lý, đồng thời thể hiện mình có một vị thế hợp lý hơn.
Số lượng đồng vị Uranium-235 của Iran trong vòng 1 năm có thể đạt tương đương nguyên liệu của quả bom nguyên tử Little Boy được ném xuống Hiroshima năm 1945.