Vợ kẻ chủ mưu sát hại nữ sinh giao gà có thể đối diện thêm những tội danh nào?

Bùi Kim Thu tại cơ quan công an.

Theo quan điểm của luật sư, ngoài việc Công an tỉnh Điện Biên khởi tố Thu về tội “Không tố giác tội phạm” thì người đàn bà này có thể đối diện với nhiều tội danh khác.

Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định nhà Bùi Văn Công (trú tại đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên – chủ mưu sát hại nữ sinh giao gà Cao Thị Mỹ D.) là hiện trường chính của vụ án nên vào sáng nay (23/3) đã tổ chức khám nghiệm hiện trường một cách cẩn trọng, tỉ mỉ.

Trước khi khám xét nhà Công, Công an Điện Biên đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Kim Thu (SN 1975 – vợ Công) để tiến hành điều tra, làm rõ về hành vi “Không tố giác tội phạm”.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Công an Điện Biên đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam đối với 8 đối tượng.

Qua kết quả điều tra của công an xác định, Thu biết các đối tượng hãm hiếp nạn nhân Cao Thị Mỹ D. 2 lần nhưng không thông báo cơ quan chức năng.

Vợ kẻ chủ mưu sát hại nữ sinh giao gà có thể đối diện thêm những tội danh nào? - Ảnh 1.

Công an khám nghiệm hiện trường nhà Bùi Văn Công. (Ảnh: TTXVN).

Hành vi không tố giác tội phạm của Thu khiến nhiều người hết sức bất bình, căm phẫn.

Bên cạnh đó nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, với hành vi trên Thu phải đối diện với hình phạt nào của pháp luật và liệu rằng người đàn bà này có mắc thêm tội danh nào nữa hay không?

Để giải đáp những thắc mắc trên PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

PV: Bùi Kim Thu bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Không tố giác tội phạm”, vậy Thu sẽ đối diện với hình phạt nào của pháp luật?

Luật sư Đặng Văn Cường: Có thể nói rằng vụ án này là vụ đặc biệt nghiêm trọng gây rúng động dư luận.

Việc bắt giữ thêm ba đối tượng để khởi tố về tội “Hiếp dâm”, “Không tố giác tội phạm” khiến dư luận càng thêm bàng hoàng và phẫn nộ đối với tội ác mà nhóm đối tượng này đã gây ra. Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì đối tượng Bùi Kim Thu là vợ của Bùi Văn Công vừa bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Không tố giác tội phạm”.

Để khởi tố đối tượng Thu về tội danh này thì cơ quan điều tra cần phải có những chứng cứ để chứng minh đối tượng này đã biết về hành vi phạm tội của Công và các đồng phạm khác (có hành vi chuẩn bị phạm tội, đang phạm tội hoặc đã phạm tội: Hiếp dâm, giết người, cướp tài sản), nhưng cố tình không trình báo sự việc cho cơ quan chức năng.

Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Không tố giác tội phạm” thì Thu có thể đối mặt với mức hình phạt 3 năm tù.

PV: Việc Bùi Kim Thu thấy chồng cùng một số người khác hãm hiếp nữ sinh Duyên có đối diện với hành vi Đồng loã giết người không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật thì đồng phạm là có từ hai người trở lên cùng có ý chí thực hiện tội phạm. Trong đó, đồng phạm có thể có người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức và người xúi giục.

Trong vụ án này, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng Thu có những hành vi như xúi giục hoặc giúp sức cho các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội, thuộc 1 các tội danh đã bị khởi tố (cướp tài sản, hiếp dâm, bắt giữ người trái pháp luật, giết người), thì Thu cũng sẽ bị xử lý về tội danh tương ứng với tội danh mà các đối tượng khác đã bị khởi tố.

Còn trong trường hợp Thu không giúp sức, không xúi giục các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội, nhưng biết hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc đã diễn ra mà không trình báo cho cơ quan chức năng, ngược lại còn đưa ra những thông tin để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc điều tra vụ án, thì chỉ bị xử lý về một tội danh là “Không tố giác tội phạm”.

PV: Việc Thu thấy một số đối tượng hiếp dâm nữ sinh D. mà không giúp liệu có đối diện thêm với tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Pháp luật quy định nghĩa vụ cứu giúp người trong trường hợp phát hiện có người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, nếu không cứu giúp họ thì họ có thể thiệt mạng.

Theo đó, người nào biết người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, mình có khả năng cứu giúp nhưng đã không cứu giúp dẫn đến việc người đó thiệt mạng, thì hành vi này sẽ bị khởi tố về tội Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Như vậy, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan công an có căn cứ xác định Thu biết nạn nhân có thể thiệt mạng thông qua việc chứng kiến tình trạng sức khỏe, biểu hiện suy kiệt của D., nhưng không cứu giúp dẫn đến hậu quả nặng nạn nhân đã thiệt mạng, thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội danh “Thấy người khác nguy hiểm, sắp chết mà không cứu”.

Đối với tội danh này, Thu có thể phải đối mặt với hình phạt đến 2 năm tù.

Còn trong trường hợp Thu chỉ chứng kiến việc nạn nhân bị hãm hiếp, bị bắt giữ nhưng không rõ về tình trạng sức khỏe, không thể biết là nạn nhân có thể thiệt mạng thì chỉ bị khởi tố về một tội danh là tội “Không tố giác tội phạm”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo như những diễn biến của vụ án thì Thu đã biết rõ hành vi phạm tội của chồng và các đồng phạm, nhưng không thực hiện tố giác tội phạm.

Hành vi của Thu có dấu hiệu của tội “Không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể bị phạt lên đến 3 năm tù.

Nếu kết quả điều tra sau này chứng minh được Thu không chỉ có hành vi che giấu mà còn có hành vi song hành với các đồng phạm như xóa dấu vết, tạo chứng cứ giả thì còn có dấu hiệu của tội “Che giấu tội phạm”, khung hình phạt cao nhất cho tội này lên đến 7 năm tù.

Theo luật sư Thơm, trong các vụ án mạng, bất kể ai, kể cả người vợ khi phát hiện những hành vi phạm pháp của chồng thì cần thiết phải trình báo cơ quan điều tra và khuyên người phạm tội ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Vợ hoặc chồng tuyệt đối không được bao che hoặc có những hành vi che giấu, không tố giác tội phạm, bởi hành vi đó là cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm quyền được sống của người khác. Không thể vì đó là chồng hay là vợ của mình mà che giấu, bởi như vậy là tiếp tay cho tội ác.

Điều 390. Tội Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.