Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng, thực tiễn khi xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với cán bộ do bầu cử hiện nay rất khó và chỉ thi hành kỷ luật được về mặt Đảng.
Chiều nay (24/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Phát biểu tại tổ, ĐBQH Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, trong thực tiễn khi xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với cán bộ do bầu cử hiện nay rất khó, chỉ thi hành kỷ luật được về mặt Đảng.
Ông Triệu Tài Vinh nêu ví dụ, một cán bộ là cấp uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND vi phạm cần xem xét thi hành kỷ luật, nhưng khi xem xét không cách nào kỷ luật được về mặt chính quyền mà chỉ kỷ luật được về mặt Đảng.
“Tôi ví dụ, 1 Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh vi phạm phải kỷ luật, nhưng vừa rồi xem xét không cách nào kỷ luật được về mặt chính quyền.
Khi đưa ra kỳ họp HĐND để xử lý nhưng chỉ thấy quy định HĐND được bầu miễn nhiệm, bãi nhiệm chứ không thấy quy định về việc kỷ luật”, ông Vinh bày tỏ.
Từ đó ĐB Vinh cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ công chức cần phải nghiên cứu đưa ra quy định “lấp” khoảng trống.
Còn ĐBQH Hoàng Văn Trà (Đoàn Phú Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) đã đề cập tới quy định xử lý đối với cán bộ nghỉ hưu khi phát hiện vi phạm.
“Hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ nghỉ hưu khi phát hiện vi phạm, hiện nay chúng ta đang làm rất tốt và đem lại hiệu ứng tích cực trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và phòng chống tham nhũng.
Việc Luật hóa vấn đề này là rất cần thiết, tuy nhiên phải quy định kỹ hơn, cụ thể hơn”, ĐB Trà nói.
Ông đặt vấn đề trong xử lý kỷ luật cán bộ về hưu cần làm rõ tính pháp lý với những văn bản mà người đó chịu trách nhiệm.
“Ví dụ, trước đây ông hiệu trưởng trường đại học ký văn bằng tốt nghiệp cho tôi trường nhưng nay ông bị thi hành kỷ luật cách chức hiệu trưởng thì văn bằng do ông ký đó sẽ thế nào? Luật cần phải có quy định rõ”, ĐB Hoàng Văn Trà nói.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm góc độ nữa vì trên thực tế có.
“Chẳng hạn, ông hiệu trưởng sau đó còn làm lên Thứ trưởng, Bộ trưởng nữa rồi mới nghỉ hưu.
Tuy nhiên, ông Thứ trưởng, Bộ trưởng bị cách chức Hiệu trưởng họ từng giữ trước đây do vi phạm thì chức Thứ trưởng, Bộ trưởng sẽ thế nào.
Bởi quá trình công tác phải có cấp dưới mới lên được cấp trên, giống như người có bằng tốt nghiệp THPT mới có thể học và có bằng tiến sĩ”, ông Trà đặt vấn đề.
Về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm, ĐB Trà bày tỏ quan điểm ủng hộ giữ quy định giáng chức (dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, phương án 1 bỏ quy định giáng chức, phương án 2 giữ nguyên quy định giáng chức như luật hiện hành.
Ông Hoàng Văn Trà.
“Tôi tham khảo các cơ quan chức năng thấy trong thực tế quy định này rất ít khi áp dụng. “Rất ít nhưng cần thiết phải có quy định”, ĐB Trà nhấn mạnh.
Ông lấy ví dụ một người đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng không điều hành lãnh đạo được, năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc thì lại giáng xuống cấp phó hoặc trưởng phòng.
“Có những người bị thi hành kỷ luật, đang từ giám đốc sở xuống làm nhân viên thì rất phí về chất lượng chuyên môn của họ, có thể phẩm chất đạo đức bị kỷ luật nhưng chuyên môn của họ thì cần dùng.
Nên duy trì quy định giáng chức nhưng hướng dẫn cụ thể, để tránh việc lợi dụng giáng chức để né cách chức”, ĐB Trà nói.
Trước đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) dẫn ra ví dụ trường hợp cụ thể khi xử lý ông Vũ Huy Hoàng (đã bị xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016).
“Tôi suy nghĩ, cách chức như thế rồi thì tất cả những hiệp định Bộ trưởng này đi ký thì thế nào.
Cách chức cả nhiệm kỳ, coi như cả khóa XIII không có Bộ trưởng này vậy ký bao nhiêu văn bản liên quan thì sao? Ở đây không nói không xử lý kỷ luật cho hạ cánh an toàn, là đảng viên phải xử lý nhưng cách cả chức như vậy, hậu quả thế nào?. Tất cả các văn bản đã ký xóa hết, do vậy phải tìm cách nào để xử lý cái này.
Giai đoạn này không nói hạ cánh an toàn, về hưu cũng phải bị xử lý nhưng vấn đề là khi đưa vào luật thì phải xử lý như thế nào để có tính pháp lý cao chứ không khéo thì hệ lụy của việc xử lý này kéo theo một loạt vấn đề về cơ sở pháp lý.
Phải hồi tố như thế nào cho phù hợp”, ĐB Kim Bé nhấn mạnh.